Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Viết tiếp vụ tiêu cực ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội: Chủ tịch UBND xã vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật

Hoàng Linh

Báo Người cao tuổi các số 832 (ra ngày 23-11-2010), 859 (ra ngày 16-1-2011) phản ánh một số hành vi cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong quản lí đất đai và quản lí kinh tế ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Gần đây, Báo Người cao tuổi tiếp tục nhận được đơn của nhân dân xã Chàng Sơn, tố cáo thêm nhiều biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ xã, đặc biệt là các ông Phí Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã…

Đơn của bà Đỗ Thị Hòa, thường trú tại thôn 2, xã Chàng Sơn tố cáo: Liên tục từ ngày 4 đến ngày 9-3-2011, dòng họ Phí Đình là họ của ông Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, có ngôi mộ tổ tại khu vực ao Phong, xóm Giáo lấy cớ tu sửa mộ, đã huy động hàng chục người, đổ hàng trăm khối đất lấp, lấn chiếm ao Phong, là ao chung của tập thể. Không những thế, họ còn ngang nhiên lấn chiếm sang phần đất nhà bà Hòa. Mặc dù gia đình nhiều lần đến gặp ông Phí Đình Hưng để trình báo sự việc, nhưng ông Hưng cố tình lờ đi, không xử lí, bao che cho việc làm trái pháp luật của những người họ Phí Đình. Trong những ngày dòng họ này tổ chức đổ đất lấn ao, có nhiều người trong dòng họ Phí Đình hiện đang là cán bộ xã. Kèm theo đơn, gia đình bà Hòa còn cung cấp cho Báo nhiều ảnh chụp quang cảnh “công trường lấn ao”.

Một người hàng xóm cho biết: “Đây, mép ao trước ở quãng này…”.

Phóng viên Báo Người cao tuổi đã xác minh thực địa, thấy rằng tố cáo của bà Hòa là có thật. Tại hiện trường, một loạt cọc tre được đóng lấn ra ngoài ao, đất đổ xuống vẫn còn mới nguyên. Đây là phần đất có ngôi mộ tổ dòng họ Phí Đình, tiếp giáp với nhà ông Phí Đình Hải, em ruột ông Chủ tịch UBND xã Phí Đình Hưng. Các nhân chứng là các hộ liền kề xác nhận, tham gia trong các ngày “ra quân” lấn ao còn có mặt các ông: Phí Đình Sử, Trưởng Công an xã; Phí Đình Hùng, Chủ nhiệm HTXNN; Phí Đình Teo, Trưởng Ban bảo vệ xã. Ảnh chụp hiện trạng trước khi san lấp khu đất thể hiện, nguyên móng tường rào nhà bà Hòa, nhiều cây cối bị đốn hạ tan hoang. Bà Hòa chưa hết bàng hoàng nói: “Họ ngang nhiên chặt phá cây cối trên phần đất của gia đình tôi, rồi đổ đất san lấp vào sát tường nhà. Gia đình ra ngăn cản thì bị họ ỷ thế đông người dọa nạt, nên không ai dám ra lời. Chạy lên xã báo ông Chủ tịch thì ông ấy lờ đi để cho những người trong dòng họ nhà ông ấy mặc sức hoành hành…”.

Như Báo Người cao tuổi các số: 832 ra ngày 23-11-2010, 859 ra ngày 16-1-2011 nêu, từ năm 2007 – 2009, ông Phí Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn từng tự ý chỉ đạo thu tiền lấn chiếm đất của dân, để ngoài sổ sách 656.250.000 đồng. Khi bị phát giác, tại cuộc họp với Chi bộ thôn 2, ngày 5-10-2009, có mặt đầy đủ cả Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy… chính ông Phí Đình Hưng thừa nhận những sai phạm nêu trên. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy xã kết luận: “Đây là một bài học của lãnh đạo Đảng, các ngành cần được rút kinh nghiệm việc không công khai dân chủ…”. Tuy nhiên, sau đó UBND xã xuất trình cho báo chí Giấy nộp tiền vào tài khoản đề ngày 13-10-2009, nội dung nộp “Nộp tiền tạm thu tiền đất”, số tiền là 555.925.000 đồng, được xác định là tài liệu ngụy tạo nhằm che đậy việc làm khuất tất nêu trên (Báo Người cao tuổi số 859 ra ngày 16-1-2011).

Nghiêm trọng hơn, họ còn dùng nhiều chiêu thức giũ rối, để giấu mấy chục suất đất ở 2 dự án giãn dân Giộc Phố 1 và Giộc Phố 2, bán cho các hộ không đủ tiêu chuẩn cấp đất giãn cư. Họ dùng chiêu bài đổi đường để cấp cho 13 hộ không đủ tiêu chuẩn, không được huyện duyệt, trong đó có cả ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy xã; ông Dương Văn Minh, thôn 4 là Phó Chủ tịch HĐND xã; ông Nguyễn Văn Hà, em trai ông Hải Bí thư, lấn chiếm 200 m2 đất nhưng lại được đưa vào diện đổi đường. Khi triển khai 2 dự án này, UBND xã trình với huyện phê duyệt giá đất cao hơn từ 2 – 3 lần so với phê duyệt của tỉnh Hà Tây (cũ), thu tiền phạt nộp chậm tới 10% giá trị tiền phải nộp, trái với quy định của pháp luật… Nhân dân còn phát giác, UBND xã thu hồi vượt so với các quyết định của UBND huyện tới 5.000 m2, diện tích này không nằm trong quy hoạch đất giãn dân đã được huyện phê duyệt.

Không chỉ có thế, ngày 4-8-2010, ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy và ông Phí Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã dẫn đầu lực lượng khoảng 100 người đến chặt, phá, nhổ toàn bộ số cây cối do ông Hinh và ông Bảy đã trồng, trên phần đất của ông Nguyễn Văn Hòa, anh trai ông Hinh giao cho sử dụng, số tiền thiệt hại theo tính toán của ông Hinh vào khoảng trên 50 triệu đồng. Toàn bộ cuộc cưỡng chế, phá cây không hề có bất cứ văn bản, quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền là UBND xã. Hơn nữa, còn được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hoàng Hải. Vì thế, ông Hinh đã khởi kiện vụ án hành chính ra TAND huyện Thạch Thất. Sau một thời gian thụ lí, Tòa vẫn tạo điều kiện cho 2 bên thương lượng, nhưng phía ông Phí Đình Hưng không hợp tác. Nhiều lần Tòa mời ông Phí Đình Hưng, là bị đơn đến làm việc, ông Hưng đều trốn tránh. Có lần ông Hưng hẹn cán bộ tòa án đến UBND xã, nhưng khi cán bộ tòa án đến nơi thì ông Hưng lại cáo bận, không làm việc. Một cán bộ TAND huyện Thạch Thất (xin được giấu tên) cho biết, nhiều lần ông Hưng phát ngôn bừa bãi rằng, Tòa giải quyết làm gì mấy việc ba lăng nhăng đó (!?) Sau nhiều lần không nhận được sự hợp tác từ phía ông Hưng, ngày 9-3-2011, TAND huyện Thạch Thất thành lập Hội đồng, xuống hiện trường để định giá tài sản, phục vụ cho công tác xét xử theo pháp luật. Ông Phí Đình Hưng cũng được mời đến chứng kiến, nhưng vẫn lẩn tránh, buộc Hội đồng vẫn phải tiến hành đúng quy định. Đến 12 giờ cùng ngày, không rõ có phải ông Hưng chỉ đạo không, nhưng ông Nguyễn Kim Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã cùng ông Chu Mạnh Hà, cán bộ tư pháp xã đến Tòa án lấy cớ xem hồ sơ, rồi thừa cơ định biển thủ tài liệu trong vụ án, nhưng không thành.

Những việc làm, hành vi nói trên của ông Hưng rõ ràng là coi thường luật pháp. Ngày 4-1-2011, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành QĐ số 01/2011/QĐ-UBND, quy định trách nhiệm về quản lí đất đai trên địa bàn huyện. Theo đó, tại Điểm 5, Điều 4 quy định: “Nếu để xảy ra việc giao đất trái thẩm quyền thì Chủ tịch UBND xã bị buộc thôi việc”. Vậy những việc làm trái pháp luật của ông Phí Đình Hưng sẽ phải xử trí như thế nào? Bao giờ thì được xử lí nghiêm minh? Câu trả lời xin dành cho UBND huyện Thạch Thất và cơ quan chức năng của TP Hà Nội.

 

Chủ tịch UBND xã vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật

Tháng Ba 27, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Ai dã tâm đẩy một phụ nữ đến chỗ khốn cùng?

Hoàng Linh – Quốc Dũng

Kì III: Mạo danh bà Niêm, vu khống phóng viên Báo Người cao tuổi, nhằm ngăn chặn Báo phanh phui sự thật

Nhận được đơn kêu cứu của bà Phạm Thị Niêm, Báo Người cao tuổi cử phóng viên điều tra, xác minh tại Yên Bái. Từ kết quả xác minh, thấy những tố cáo của bà Phạm Thị Niêm và Lê Diệu Thúy đối với ông Lê Trọng Cường là có cơ sở. Rõ ràng vợ chồng ông Cường – bà Hằng liên quan trực tiếp đến vụ việc này, bằng chứng là khi phóng viên Báo Người cao tuổi đang tiến hành xác minh tại Yên Bái (từ mồng 5 đến mồng 7-1-2011), bà Hằng vợ ông Cường lập tức gọi điện cho Phó Tổng biên tập, mục đích dò hỏi xem Báo có cử phóng viên đi Yên Bái không, cử đi làm gì…? Theo số điện thoại của bà Hằng được lưu lại (01276791018), phóng viên đã liên lạc mời bà Hằng đến Báo làm việc. Bà Hằng nhận lời, hẹn giữa tuần sẽ tới, nhưng sau 2 tháng Báo không thấy bà Hằng đến. Với ý thức giữ gìn danh dự cho cán bộ, cũng như cho cơ quan nơi ông Cường công tác, các phóng viên đã đề xuất Tổng biên tập, có công văn gửi tới Lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Nhận được công văn của Báo Người cao tuổi, Lãnh đạo Ban này đã rất tích cực thỏa mãn đề nghị của Báo: Cho đối chất giữa ông Lê Trọng Cường và bà Phạm Thị Niêm; cử Thanh tra viên đến Báo Người cao tuổi phối hợp thẩm tra, xác minh.

Sáng ngày 3-3-2011, Thanh tra Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cử Thanh tra viên đến Báo Người cao tuổi làm việc, thì ngay buổi chiều cùng ngày, Báo nhận được văn bản lấy tên bà Phạm Thị Niêm, dùng chữ kí sao chụp, tố cáo phóng viên nhận của gia đình bà Niêm 450 triệu đồng. Văn bản này kẻ giấu mặt đã gửi Thường trực TW Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, VKSND Tối cao, Công an tỉnh Yên Bái, Công an TP Yên Bái… Vậy là việc tầy đình rồi! Báo Người cao tuổi có quy định bất di, bất dịch là khi làm điều tra, nghiêm cấm phóng viên vòi vĩnh, ăn nhậu, đòi hỏi, nhận tiền bạc, vật chất của công dân. Do đó, không phóng viên nào dám ho he vi phạm điều cấm kị này. Lập tức, Tổng biên tập chỉ đạo Phòng Phóng viên phải làm rõ sự việc, báo cáo Tổng biên tập xử lí kỉ luật nghiêm khắc, nếu đúng là có chuyện phóng viên nhận tiền của gia đình bà Niêm. Ngay lập tức, bà Phạm Thị Niêm được mời đến làm việc với lãnh đạo phòng. Tại buổi làm việc, bà Niêm cam đoan: Phóng viên Báo Người cao tuổi không hề đòi hỏi và nhận bất cứ cái gì của gia đình. Tại Yên Bái, phóng viên chủ yếu làm việc với các cơ quan liên quan, gia đình cũng không có điều kiện mời phóng viên dù chỉ một bữa cơm. Bà Niêm cũng đã có văn bản tường trình về việc này. Bà khẳng định người làm ra văn bản mạo danh bà, để vu khống phóng viên, không ai khác chính là ông Lê Trọng Cường, bởi trước đó ông cũng đã làm việc tương tự đối với TAND TP Yên Bái, với việc vu khống cơ quan này nhận của gia đình bà 400 triệu đồng, để cho con bà là Lê Diệu Thúy được tại ngoại.

Như vậy là, có ai đó mạo danh bà Niêm, gửi văn bản đi nhiều cơ quan vu khống, bôi nhọ danh dự phóng viên Báo Người cao tuổi, được bà Niêm cho rằng do ông Lê Trọng Cường làm ra. Nếu đúng là ông Lê Trọng Cường làm như vậy, thì càng khẳng định ông có dính líu vào vụ việc gây oan ức cho mẹ con cô Lê Diệu Thúy. Không những thế, ông còn vi phạm pháp luật hình sự, với hành vi vu khống, được quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự. Từ việc đó, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi đã có công văn số 35/CV-BNCT ngày 5-3-2011 gửi đến các cơ quan mà kẻ mạo danh bà Niêm đã gửi văn bản vu khống trên đây.

Bà Cù Thị Hậu, Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam nhận văn bản mạo danh bà Niêm, đã nói với Tổng biên tập: “Tôi đọc thấy rõ nội dung bịa đặt. Giá họ viết rằng mươi triệu còn có thể tin, chứ người ta lấy đâu ra 450 triệu để hối lộ nhà báo?”.

Để pháp luật được thực thi nghiêm minh, Báo Người cao tuổi đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những nghi vấn nêu trên, xử lí theo quy định của pháp luật.

Điều 122 (Bộ luật Hình sự): Tội vu khống

“1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ;”

 

BOX

Điều 122 (Bộ luật Hình sự): Tội vu khống

“1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ;”

Tháng Ba 14, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Ai dã tâm đẩy một phụ nữ đến chỗ khốn cùng?

Hoàng Linh – Quốc Dũng

Kì II: Ông Lê Trọng Cường có đứng ngoài cuộc ?

Uất ức đến đỉnh điểm, khiến bà Phạm Thị Niêm không quản khó khăn tìm đến cơ quan ông Cường đang công tác là Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đệ đơn kêu cứu cho con gái bà. Nhưng, với người phụ nữ cả đời chưa đi đâu ra khỏi tỉnh Yên Bái, bà Niêm liều mình lặn lội để mong đơn có thể đến tay người có trách nhiệm ở Trung ương và cơ quan báo chí. Sau khi xem xét hồ sơ, đồng thời xác minh tại Yên Bái, phóng viên Báo Người cao tuổi nhận thấy tố cáo của bà Niêm là có cơ sở. Việc cô Lê Diệu Thúy chung tiền mua đất, xây khách sạn Phú Hưng là có thật.

Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện rõ, ngày 28-4-2009 UBND TP Yên Bái đã cấp GCNQSDĐ số H 01755 cho Lê Nam, sinh năm 1988, CMND số 013098751; đồng sử dụng là Lê Diệu Thúy, sinh năm 1979, CMND số 060578190; thửa đất số 26a, tờ bản đồ số 3-A-III-C, tổ 55, phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái; diện tích 473 m2. Xác minh tại thực địa, thì đây cũng chính là địa chỉ khách sạn Phú Hưng. Việc góp vốn được thể hiện bằng Hợp đồng góp vốn không số, giữa bên A mang tên Lê Nam; bên B là Lê Diệu Thúy. Như vậy, việc góp vốn chung nhau mua đất, xây dựng khách sạn như trình bày của Lê Diệu Thúy là phù hợp. Tại Giấy đăng kí kinh doanh số 16A8002998, do Phòng Tài chính – Kế hoạch TP Yên Bái cấp ngày 9-7-2009, chủ hộ kinh doanh mang tên Lê Diệu Thúy. Ngoài ra, Lê Diệu Thúy còn được cấp Sổ hộ khẩu số 640055078 tại tổ 55, phường Minh Tân, TP Yên Bái, chính là địa chỉ khách sạn Phú Hưng, được ghi tại Giấy đăng kí kinh doanh và GCNQSDĐ. Do đó, Lê Diệu Thúy là chủ thể có quyền sở hữu khách sạn Phú Hưng và là đồng sử dụng thửa đất số 26a nêu trên.

Sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh khách sạn, Lê Diệu Thúy kí Hợp đồng tín dụng mang số 8701-LAV-201001701/HĐTD với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Yên Bái II để vay 2 tỉ đồng, thời hạn vay 12 tháng, tính từ ngày 19-8-2010 là ngày nhận tiền vay lần đầu. Tại Hợp đồng này, Điểm c, Điều 5 về quyền và nghĩa vụ của bên A (bên cho vay) ghi rõ: “Có quyền định đoạt tài sản hình thành từ vốn vay và tài sản bảo đảm tiền vay trong những trường hợp sau: Bên B không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ; Không có chủ thể kế thừa nghĩa vụ của bên B; Xảy ra bất cứ sự kiện pháp lí nào giải phóng bên B khỏi nghĩa vụ cam kết trong Hợp đồng này”. Như vậy, đối với trường hợp cụ thể này, phần rủi ro, bất lợi thuộc về Lê Diệu Thúy. Bởi lẽ, khách sạn Phú Hưng, là tài sản bảo đảm tiền vay đang bị người khác chiếm dụng, bản thân Thúy lại đang bị mang một bản án, mất khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi khi hết hạn Hợp đồng. Mặt khác, cũng không có chủ thể kế thừa nghĩa vụ trả nợ, do khách sạn Phú Hưng đang tranh chấp. Do đó, khi hết hạn Hợp đồng, Ngân hàng theo quy định sẽ phát mại tài sản, người được ưu tiên mua lại cổ phần vốn góp là Lê Nam (con trai ông Cường). Và, Lê Diệu Thúy sẽ trắng tay.

Thật là một kịch bản hoàn hảo. Qua đây mới thấy thâm ý của những người gây nên vụ cưỡng chế Lê Diệu Thúy ra khỏi khách sạn Phú Hưng, đồng thời chiếm dụng khách sạn từ bấy đến nay. Dĩ nhiên, họ không ngô nghê đến mức ngang nhiên dùng vũ lực đẩy Lê Diệu Thúy ra đường, mà hành vi chiếm đoạt được che đậy bằng Biên bản bàn giao quản lí kinh doanh khách sạn. Về văn bản này, Lê Diệu Thúy cam đoan, cô bị ép kí vào văn bản do họ làm sẵn. Nội dung của văn bản này cũng rất sơ sài, xin trích: “… Lí do bàn giao: Bên cô Thúy là đối tác hợp tác xây dựng nhà nghỉ với ông Lê Nam, cô Thúy có xấp xỉ 1/2 số tiền xây dựng. Cô Thúy đã hoạt động và nhận lợi nhuận của một năm kinh doanh. Nay bàn giao lại cho cô Vũ Thị Thơm, là bên mua lại cổ phần của ông Lê Nam tiếp quản kinh doanh thu lợi nhuận một năm…”. Biên bản có chữ kí của 2 người làm chứng là: Nghiêm Gia Khánh và Nguyễn Thế Minh. Theo quy định của pháp luật, văn bản này không bảo đảm tính pháp lí, bởi không được kí trước một cơ quan có thẩm quyền về công chứng.

Tuy nhiên, nội dung của văn bản đó cũng thể hiện ý chí của người làm ra nó, đó là chỉ cần thời gian một năm cô Vũ Thị Thơm quản lí, sử dụng khách sạn, thời điểm đó Lê Diệu Thúy, theo lẽ thường vẫn còn phải thụ án trong trại và… kịch bản Ngân hàng phát mại tài sản, bên đang quản lí khách sạn sẽ mua, còn Thúy sau khi thụ án xong, rơi vào cảnh tay trắng. Nào ngờ, sau khi có bản án phúc thẩm, y án phạt Lê Diệu Thúy 18 tháng tù và 5 triệu đồng, Thúy quá đau buồn nên phát bệnh, sau đó lại bị ngã gãy chân, được TAND TP Yên Bái ra quyết định tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh, đồng thời có thời gian giải quyết tranh chấp khách sạn Phú Hưng. Đến đây, đã xảy ra động thái gây áp lực với tòa án bằng tin nhắn, đơn vu khống TAND thành phố Yên Bái nhận 400 triệu đồng của gia đình bà Niêm mục đích để tòa án sớm ra quyết định thi hành án với Lê Diệu Thúy.

Toàn bộ diễn biến của vụ việc, thể hiện trên các tài liệu, chứng cứ chỉ có 2 nhân vật chính là Lê Nam và Vũ Thị Thơm. Tuy nhiên, xét thời điểm bắt đầu góp vốn mua đất, xây dựng khách sạn, thì cũng là lúc Lê Nam đang còn ngồi ghế nhà trường, nên việc Nam bỏ ra gần tỉ bạc và còn vay ngân hàng tiền tỉ để góp vốn với Thúy xây khách sạn Phú Hưng là rất khó xảy ra. Mặt khác, Thúy cam đoan thời điểm đó cô không hề quen biết Lê Nam, mà chỉ quan hệ với ông Lê Trọng Cường, là bố đẻ Lê Nam. Hơn nữa, qua khai thác các nhân chứng thì đều xác nhận mối quan hệ của ông Cường với Thúy, thậm chí có thời gian dài, khi ông Cường còn đang công tác ở Yên Bái, nhiều người đã gặp ông Cường và Thúy nhiều lần dắt nhau đi ăn ở nhà hàng. Đối với sự việc xảy ra ngày 30 và 31-10-2010, các nhân chứng cũng xác nhận sự có mặt nhiều lần của ông Cường cùng cô Thúy tại khách sạn Phú Hưng.

Theo quy định của pháp luật, nếu cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần giữa Lê Nam và Vũ Thị Thơm là thật, thì các bên có trách nhiệm giải quyết việc bàn giao tại cơ quan chức năng, hoặc nhờ tòa án phân giải. Việc tự ý giải quyết bằng hành vi kéo đông người, dùng vũ lực ép Thúy kí văn bản bàn giao, cưỡng chế Thúy rời khỏi khách sạn, nơi cô có hộ khẩu thường trú, đứng tên đăng kí kinh doanh, là trái pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Ở đây, người có vai trò chính, tích cực trong toàn bộ diễn biến là Vũ Thị Thơm, cần phải xem xét xử lí trách nhiệm hình sự. Lê Nam là người đứng tên trong các tài liệu, hồ sơ vụ việc cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Ông Lê Trọng Cường, tuy không có tên thể hiện trong hồ sơ, nhưng cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ vai trò, trách nhiệm đối với sự việc xảy ra, bởi Lê Nam là con trai ông Cường, hơn nữa cả ông Cường và bà Hằng (vợ ông Cường) được các nhân chứng xác nhận là có mặt tại khách sạn Phú Hưng trong 2 ngày 30 và 31-10-2010.

Kì III: Mạo danh bà Niêm, vu khống phóng viên Báo Người cao tuổi, nhằm ngăn chặn báo phanh phui sự thật.

Tháng Ba 11, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Ai dã tâm đẩy một phụ nữ đến chỗ khốn cùng ?

Hoàng Linh – Quốc Dũng

Bà Phạm Thị Niêm, thường trú tại tổ 16, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái gửi đơn đến Báo Người cao tuổi, tố cáo ông Lê Trọng Cường, hiện đang công tác tại Ban Thi đua – Khen thưởng TW lôi kéo con gái bà là cô Lê Diệu Thúy bỏ việc cơ quan Nhà nước, chung vốn mua đất xây khách sạn. Sau đó, ông tổ chức người nhà thuê “xã hội đen” cưỡng đoạt khách sạn, nơi Thúy đang có hộ khẩu thường trú… Kết quả xác minh tại các cơ quan liên quan ở Yên Bái cho thấy, các nội dung bà Niêm tố cáo ông Lê Trọng Cường là có cơ sở…

Kì I: Nỗi uất ức của hai mẹ con người phụ nữ khốn khổ

Nét mặt âu sầu, đôi mắt rân rấn nước, Lê Diệu Thúy kể: Khoảng tháng 3-2005, Thúy đang công tác tại UBND phường Yên Ninh, TP Yên Bái có “quen thân” ông Lê Trọng Cường, khi đó là Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Yên Bái từ mối quan hệ công tác. Thời gian đó, Thúy đang gặp chuyện buồn về gia đình, vợ chồng li thân, con đang còn nhỏ. Biết mẹ đẻ Thúy, bà Phạm Thị Niêm vừa bán nhà ở thị xã Nghĩa Lộ, cho Thúy 750 triệu đồng, ông Cường liền bàn với Thúy nghỉ việc Nhà nước, chung vốn cùng ông mua đất xây khách sạn tư nhân.

Khi làm thủ tục, thì ông Cường cho con trai là Lê Nam, sinh năm 1988, lúc đó còn đang là sinh viên Đại học Giao thông – Vận tải cùng Thúy đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tiếp đó, cũng theo lời ông Cường, Thúy đem sổ đỏ ra thế chấp, vay ngân hàng 2 tỉ đồng để xây khách sạn. Khi bắt tay vào xây dựng, cũng là lúc ông Cường làm thủ tục chuyển công tác về Ban Thi đua – Khen thưởng TW. Một mình Thúy trần lưng với bộn bề công việc, với đất đá, xi-măng, cát sỏi… Rồi ngày khánh thành khách sạn cũng đến, khách sạn được mang tên Phú Hưng, do Lê Diệu Thúy đứng tên trong Giấy phép kinh doanh. Ông Cường cũng về dự lễ khánh thành, hân hoan, vui vẻ.

Một thời gian sau, ông Cường về kiểm tra sổ sách thu chi, bèn bàn với Thúy: “Chỉ kinh doanh khách sạn thì không mấy lãi. Nếu khách yêu cầu gái thì em cứ gọi hộ. Trước đây, anh là Chánh án Tòa án thành phố, có nhiều quan hệ bảo lãnh, sợ gì!”. Không chút nghi ngờ, Thúy làm theo lời ông Cường. Đến ngày 29-1-2010, có hai người khách đến thuê phòng, đặt vấn đề, Thúy đã gọi hộ, nào ngờ công an ập đến bắt quả tang. Lần đầu tiên bị bắt về tội ấy, Thúy không khỏi sợ hãi, nhưng với bản tính thật thà, Thúy khai nhận hết tội trạng về mình, vẫn hi vọng có “anh Cường cứu giúp”. Thúy bị Tòa sơ thẩm xử 18 tháng tù, phạt 5 triệu đồng. Đến đây Thúy mới giật mình ngộ ra, ông Cường không những không cứu, mà còn ra tay tác động để đẩy bằng được Thúy vào trại giam mưu mô để bố con ông chiếm đoạt tài sản chung nhưng Thúy đứng tên kinh doanh. Thúy được tại ngoại, tạm hoãn thi hành án bởi liên tục bị bệnh nặng, rồi gãy chân. Song, nỗi đau lớn nhất là vết thương lòng khi cô bị phụ tình bởi một kẻ hào hoa, từng được cô tôn là thần tượng.

Đơn của bà Phạm Thị Niêm, mẹ đẻ Thúy trình bày: Khoảng 9 giờ 30 ngày 30-10-2010, Lê Diệu Thúy đang ở khách sạn Phú Hưng, tổ 55, phường Minh Tân, TP Yên Bái thì một nhóm khoảng 10 người đi 2 xe ô-tô du lịch ập vào. Trong đó có ông Lê Trọng Cường; bà Hằng, vợ ông Cường; Lê Nam, con trai ông Cường; anh Tuấn, em trai ông Cường, là công an phụ trách xã Hợp Minh, TP Yên Bái; chị Thơm, bạn gái anh Tuấn… Họ hăm dọa, trấn áp, buộc Thúy kí vào một số giấy tờ do họ soạn sẵn gồm: Biên bản bàn giao quản lí, kinh doanh nhà nghỉ Phú Hưng; Giấy bán xe máy Attila Thúy đang đi với giá 5 triệu đồng; giấy nhận nợ, Thúy vay của Thơm 40 triệu đồng. Trong khi Thúy cho biết, cô không hề quen biết, nợ nần gì Thơm. Từ đó đến sáng 31-10-2010, Thúy nhiều lần bị Thơm hành hung ngay trước mặt ông Cường. Khoảng hơn 1 giờ sáng 31-10-2010, Thơm nhốt Thúy và bà Niêm vào phòng 107 của khách sạn, điện thoại của cả hai mẹ con đều bị tịch thu, vô hiệu. May có cháu Mơ do trốn dưới gầm giường nên không bị phát hiện. Thúy lấy máy của Mơ gọi cho anh Lưu (số máy: 0983909909), anh Đỗ (số máy: 01676488559) đều là công an tỉnh Yên Bái nhờ cứu giúp. Đến 8 giờ sáng cùng ngày, công an đến can thiệp, thì mẹ con bà Niêm mới thoát nạn. Hiện khách sạn vẫn do người nhà ông Cường chiếm giữ, khai thác. Ngoài số tài sản ở khách sạn bị cưỡng đoạt, Thúy còn gửi cho ông Cường khoảng 500 triệu đồng vào tài khoản số: 8700205032085 tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Yên Bái.

Trong lá thư gửi bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, bà Phạm Thị Niêm phải thốt lên: “Tôi không thể giãi bày nổi nỗi khổ đau của gia đình tôi suốt mấy tháng qua, bởi trước mặt tôi là anh Cường, hiện lên những việc làm tàn nhẫn, dã man, quá thâm độc với con tôi và gia đình tôi…”. Đó là tiếng kêu xé lòng của người mẹ đang phải đối mặt với nỗi uất ức, trước sự thật rành rành, mà bà đã phải đội đơn đến cơ quan công an tỉnh Yên Bái và báo chí nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Kì II: Ông Lê Trọng Cường có đứng sau vụ cưỡng đoạt tài sản?

Tháng Ba 11, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Kết án ông Đinh Đức Phiếu, ở Ninh Bình tội vu khống: Vi phạm nghiêm trọng tố tụng

Quốc Dũng – Hoàng Linh

Bài 3: Cần xử lí nghiêm các cán bộ cố ý làm trái trong hoạt động tố tụng

Ngoài việc có nhiều sai phạm trong quá trình điều tra và xét xử, nhưng là căn cứ vào kết quả giám định tại Văn bản số 44/GĐPYTT (ngày 19-5-2010) của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, thì các cơ quan pháp luật của tỉnh Ninh Bình sai lầm nghiêm trọng khi xử Thượng úy CCB Đinh Đức Phiếu tội vu khống. Vì theo điểm b Khoản 3, Điều 155 BLTTHS quy định, bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định “Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ”. Trong khi không cần nghiệp vụ gì cao siêu, Cơ quan CSĐT Ninh Bình cũng có thể xác định được ông Phiếu có nhược điểm về thần kinh, vì hầu hết bà con chòm xóm, người thân của ông Phiếu đều nói đầy đủ về trạng thái tâm thần của ông Phiếu thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ vì dính vào các vị quan đầu tỉnh nên tất cả những quy trình bắt buộc như vậy đều được các cơ quan tố tụng của tỉnh Ninh Bình bỏ qua.

Nghiêm trọng hơn, đến giai đoạn xét xử, TAND TP Ninh Bình đã trắng trợn xử kín, ngược với quyết định nói sẽ xử công khai, không có luật sư bào chữa cho bị cáo, hạn chế cả người ruột thịt của ông Phiếu được dự phiên tòa. Cách xử này vi phạm Điểm b, Khoản 3, Điều 155 BLTTHS quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định trạng thái tâm thần của bị can. Điểm b, Khoản 2, Điều 57 Bộ luật này còn quy định: Trong trường hợp bị can, bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần, mà họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời bào chữa, thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ.

Mặt khác (ngày 26-1-2007), ông Phạm Quý Ngọ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã có Công văn số 45/C16 (P6) gửi thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh, nói rõ: “Đối với trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (theo Khoản 2, Điều 57 BLTTHS) thì Cơ quan điều tra phải chủ động thực hiện, đây là vấn đề bắt buộc”.

Ngày 28-2-2007, Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương cũng đã kí Công văn số 26/KHXX, gửi Chánh án Tòa án các cấp yêu cầu quán triệt nội dung Công văn số 45/C16 (P6): “Trường hợp thụ lí để xét xử phúc thẩm thì khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 250 BLTTHS hủy án sơ thẩm để điều tra lại (nếu các giai đoạn tố tụng trước khi xét xử chưa có sự tham gia của người bào chữa), hoặc hủy án sơ thẩm để xét xử lại (nếu các giai đoạn tố tụng trước khi xét xử sơ thẩm có sự tham gia của người bào chữa, nhưng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm không có sự tham gia của người bào chữa”.

Với những quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết như vậy, những tưởng TAND tỉnh Ninh Bình sẽ nhanh chóng giải quyết vụ án, giải oan cho người cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu. Tuy nhiên, chỉ vì các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình nhận sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Tỉnh ủy nên đã cố tình xử oan sai người vô tội. Điều này thể hiện tại Công văn không số do bà Dương Thị Liên Phương, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Bình kí (ngày 13-2-2009) gửi Vụ 3 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: “Sau khi nghiên cứu nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình thấy bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng (điều tra chưa toàn diện, đầy đủ để xác định sự thật vụ án; xác định một số người tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại không đúng; không đưa những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng vụ án). Do vụ án có tính chất nhạy cảm ngày 12-1-2009, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã trực tiếp báo cáo tranh thủ ý kiến Vụ Nghiệp vụ trước khi quyết định đường lối xét xử phúc thẩm vụ án. Sau khi có ý kiến của Vụ Nghiệp vụ, ngày 14-1-2009, Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Bình họp và quyết định theo đa số (3/5): Bác đơn kháng cáo của bị cáo, y án sơ thẩm, với các lí do: Vụ án nhạy cảm; những người bị hại trong vụ án đều là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm đã có sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo thống nhất của thủ trưởng ba ngành Công an – Viện Kiểm sát Nhân dân Tòa án tỉnh”.

Như vậy đã quá rõ ràng. Với những gì trong văn bản này khẳng định, không phải đến khi Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng ra thông báo về Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X), thì các cơ quan liên quan tỉnh Ninh Bình mới nhận ra sai sót, cũng như chân tướng và dã tâm của ông Đinh Văn Hùng, khi đó đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Tuy nhiên, mặc dù nhận ra sai lầm khi khép tội vu khống cho ông Phiếu nhanh chóng bao nhiêu, thì đến giờ các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình lại khắc phục sai lầm ấy chậm trễ bấy nhiêu, trong khi sức khỏe, bệnh lí của ông Phiếu ngày càng trầm trọng.

Đến giờ, những nội dung mà ông Đinh Đức Phiếu đề cập đến trong các lần viết đơn và các bài hò, vè đều đã được khẳng định là đúng sự thật, thậm chí còn nghiêm trọng và khủng khiếp hơn. Tuy nhiên, giả sử ở thời điểm đó, ông Phiếu có chút sai sót theo nguyên tắc của Đảng, thì việc ông Đinh Văn Hùng, với tư cách Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy mà lại trực tiếp chỉ đạo vụ án này, thì sẽ được xem xét thế nào theo quy định của pháp luật và nguyên tắc của Đảng? Trong khi, các cựu chiến binh và đông đảo người dân Ninh Bình đều khẳng định ông Đinh Văn Hùng quá độc đoán, chuyên quyền, ngồi trên luật pháp. Nhân đây, xin viện dẫn câu đánh giá của một cựu lãnh đạo Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Ninh Bình rằng: “Trong chỉ đạo, điều hành công việc thì ông Đinh Văn Hùng chỉ xứng tầm của một “người đốc công”, chứ không thể là nhà hoạt động chính trị, với vị trí Bí thư Tỉnh ủy được. Ngoài ra, trong nhiều đơn vị của tỉnh này còn lưu truyền câu nói, nếu không nghe và làm theo Đinh Văn Hùng chỉ đạo thì chết ngay, còn nghe ông Hùng thì chết từ từ!”…

Còn đối với ba ngành: Công an – Viện Kiểm sát – Tòa án tỉnh Ninh Bình, việc không thực hiện đầy đủ vai trò cán cân công lí đối với xã hội, mà lại quyết tâm, đồng lòng làm án oan cho ông Đinh Đức Phiếu theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là ông Đinh Văn Hùng, là vi phạm nghiêm trọng luật pháp. Công luận đòi hỏi, ngoài việc giải oan, xin lỗi, bồi thường danh dự và thiệt hại cho Thượng úy CCB Đinh Đức Phiếu, cũng cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo ba ngành tham gia tố tụng vụ án, cũng như người đã thay mặt Tỉnh ủy bút phê, chỉ đạo vụ án này.

Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh, Trung ương Hội CCB Việt Nam cũng đã gửi văn bản tới Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị sớm xem xét và chỉ đạo giải quyết vụ việc. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình cũng đã gửi Công văn số 65-CV/TU cho bà Nguyễn Thị Thìn thông báo quá trình giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, sắp hết quý I năm 2011, gia đình ông Phiếu vẫn chưa nhận được tín hiệu nào khả quan hơn từ phía các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình.

 

Tháng Ba 11, 2011 Posted by | Chưa phân loại | Bình luận về bài viết này

Kết án ông Đinh Đức Phiếu, ở Ninh Bình tội vu khống Vi phạm nghiêm trọng tố tụng

Quốc Dũng – Hoàng Linh

Bài 2: Xét xử gấp gáp trong khi bị can rối loạn tâm thần

Ra kết luận điều tra xong, Công an tỉnh Ninh Bình chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình thụ lí và xử lí tiếp vụ việc. Một tháng sau (ngày 6-11-2008), ông Trần Văn Nhiễm, Phó Viện trưởng VKSND TP Ninh Bình kí bản Cáo trạng số 139/VKS-HS. Bản cáo trạng này cũng có nội dung na ná với kết luận của Cơ quan CSĐT, CA tỉnh Ninh Bình đã làm trước đó, nhưng phần kết còn nhấn mạnh: “Trong khoảng thời gian từ 9-5-2008 đến 22-8-2008, Đinh Đức Phiếu đã viết bài dưới dạng thơ, ca, hò vè, câu hỏi. Với tổng số 50 phong bì thư, gửi đến 36 tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và cho lãnh đạo ở Trung ương. Đinh Đức Phiếu đều biết rõ những bài viết là bịa đặt, vu khống cho nhiều cán bộ giữ chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước của tỉnh Ninh Bình và các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương; gửi đi nhiều nơi, nhằm xúc phạm, bôi nhọ danh dự, loan truyền những tin không có thật. Hậu quả làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, gây tư tưởng hoang mang, hoài nghi. Cán bộ, đảng viên phân tâm, gây hậu quả xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hành vi của Đinh Đức Phiếu đã phạm tội vu khống, thuộc trường hợp vu khống đối với nhiều người. Tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 122 khoản 2 điểm C Bộ luật Hình sự”.

Ngày 20-11-2008, ông Phạm Viết Hoàng, Phó chánh án TAND TP Ninh Bình kí Quyết định số 128/2008/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử. Nội dung Quyết định nêu rõ, thời gian mở phiên tòa là 7 giờ 30, ngày 01-12-2008. Vụ án được xét xử công khai tại trụ sở TAND TP Ninh Bình. Mặc dù toàn bộ vụ việc ngay từ đầu đã thể hiện sự bất thường, bởi chỉ có 5 ngày điều tra mà Cơ quan CSĐT, CA tỉnh Ninh Bình đã ra kết luận, rồi chuyển hồ sơ cho cơ quan không cùng cấp là VKSND TP Ninh Bình và TAND TP Ninh Bình tiếp tục giải quyết vụ việc theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy. Bất thường hơn, mặc dù quyết định đưa vụ án ra xét xử nêu rõ là xử công khai, nhưng sự thực không phải thế. Đúng 7 giờ 30, tại TAND TP Ninh Bình, ngoài bố con ông Đinh Đức Phiếu “được phép” có mặt tại tòa, không có thêm bất cứ ai được dự, đồng thời còn thiếu cả luật sư bào chữa cho bị cáo, 9 người có tên trong danh sách ông Phiếu tố cáo (là người bị hại) đều vắng mặt. Vậy mà, phiên tòa vẫn được tiến hành và kết luận bằng cái gọi là Bản án số 135/2008/HSST (ngày 1-12-2008). Sau khi viện dẫn nhất loạt các bút lục kèm lời trình bày nặng tính khép tội của 9 vị quan trong tỉnh, trong đó có ông Đinh Văn Hùng, Uỷ viên TW Đảng (Khóa X), Bí thư Tỉnh ủy, văn bản này viết: Căn cứ vào các chứng cứ đã thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác… rồi áp dụng Điểm c, Khoản 2 Điều 122; Điểm g Khoản 1 Điều 48; Điểm p, s Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, tuyên phạt bị cáo Đinh Đức Phiếu 5 (năm) năm tù giam.

Đây là phiên tòa 6 không: Không công khai; Phiên tòa không có bị hại, tất cả người được coi là bị hại đều lấy lí do bận nên vắng mặt tại phiên tòa; Phiên tòa không có luật sư bào chữa; Phiên tòa không có phần tranh tụng, chỉ có bị can và hội đồng xét xử hỏi – đáp nội dung ngắn ngủi; Không có khách thể của tội phạm vì không xác định nội dung nêu trong đơn là đúng hay sai; Không xác định tính chất mức độ thiệt hại bởi hành vi viết thư hỏi, kiến nghị… chưa bao giờ được hồi âm, hoặc đối chất.

Tòa tuyên án, cựu binh Đinh Đức Phiếu chỉ có 15 ngày kháng án mà phải đối mặt với 9 vị quan đầu tỉnh và đối phó với bản án 5 năm tù giam là việc vô cùng khó khăn. Sức khỏe của ông suy sụp từng ngày, phần do hậu quả của những năm chiến đấu ở Tây Nguyên, phần do sức ép của Bản án số 135/2008/HSST. Sau đó, ông Đinh Đức Phiếu đã kháng án lên Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình. Từ đó đến nay, cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu mắc chứng tâm thần hoảng loạn, phải đưa đi cấp cứu và nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội.

Không hiểu chưa rõ thật hay chưa được như mong muốn, mà sau khi nhận được phúc đáp (Biên bản giám định số 38/GĐPYTT ngày 7-8-2009), TAND tỉnh Ninh Bình lại gửi tiếp Công văn số 2247/CV-TA đề nghị Viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương giải thích rõ nội dung của bản giám định số 38/GĐPYTT ngày 7-8-2009.

Ngày 22-10-2009, Tiến sĩ Phạm Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương lại kí văn bản trả lời TAND tỉnh Ninh Bình như sau: “Bị cáo Đinh Đức Phiếu bị bệnh mất trí không biệt định có các triệu chứng khác, chủ yếu trầm cảm nặng có loạn thần, theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F03.03. Bị cáo mất khả năng nhận thức hành vi. Do bị cáo bị bệnh nêu trên từ năm 2005 cho nên bị cáo bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi từ trước khi phạm tội cho đến nay”.

Chừng như muốn tiếp tục “dìm” tiếp người cựu binh khốn khổ Đinh Đức Phiếu, sau chuỗi ngày trì hoãn, ngày 7-12-2009, TAND tỉnh Ninh Bình lại gửi Quyết định (số 03/2009/QĐ-TA) với 7 nội dung trưng cầu giám định lại việc giám định pháp y tâm thần đối với ông Đinh Đức Phiếu. Ngày 19-5-2010, Tiến sĩ Phạm Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cùng các thành viên trong hội đồng kí 10 trang Biên bản giám định pháp y tâm thần đối với ông Đinh Đức Phiếu. Tại văn bản này cũng trích dẫn một cách đầy đủ, có trách nhiệm về tình hình bệnh lí của ông Phiếu (trong các bút lục số 77, 79, 80, 81, 88, 89, 142 v.v…), Viện vẫn kết luận ông Đinh Đức Phiếu bị bệnh tâm thần. đó là: Rối loạn trầm cảm tái diễn, có mã số F33.3. Thời gian mắc bệnh: có dấu hiệu từ năm 2005. Văn bản này, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương còn trả lời chi tiết câu hỏi (thứ 2) mà TAND tỉnh Ninh Bình hỏi về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của ông Phiếu “khi thực hiện hành vi phạm tội (từ ngày 9-5-2008 đến khi bị khởi tố bị can 2-10-2008)” như sau:

“Trước khi phạm tội (trước khi viết và gửi các bài): bị cáo giảm nhẹ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh đang tiến triển từ từ, âm ỉ.

Trong khi phạm tội (khi viết và gửi các bài): bị cáo giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh đang ở giai đoạn tiến triển.

Trong thời gian theo dõi giám định nội trú bị cáo ở giai đoạn “Rối loạn trầm cảm tái diễn, giai đoạn nặng có các triệu chứng loạn thần” có mã số F33.3 trên người teo não tuổi già: bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Như vậy, theo Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương kết luận, thì việc các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình không đưa ông Phiếu đi giám định sức khỏe là vô cùng sai trái. Ngược lại, nếu thời điểm xảy ra vụ án, tâm thần ông Phiếu “lúc tỉnh, lúc mê”, có khả năng điều chỉnh hành vi, nhưng sau khi nhận bản án, ông Phiếu bị tâm thần như hiện nay thì các cơ quan tố tụng của tỉnh Ninh Bình cũng phải chịu trách nhiệm. (Còn nữa)

Kì sau: Cần xử lí nghiêm các cán bộ cố ý làm trái trong hoạt động tố tụng

Tháng Ba 11, 2011 Posted by | Chưa phân loại | Bình luận về bài viết này

Kết án ông Đinh Đức Phiếu, ở Ninh Bình tội vu khống : Vi phạm nghiêm trọng tố tụng

Quốc Dũng – Hoàng Linh

Không biết các Cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình yếu kém về nghiệp vụ rồi có ý đồ “lập kỉ lục” về công tác cải cách tư pháp hay do sự chỉ đạo ráo riết của người đứng đầu Tỉnh ủy mà chỉ sau 5 ngày khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ra kết luận điều tra, rồi chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân cấp dưới xét xử quy cho cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu tội “vu khống” một cách chóng vánh, đầy sai trái…?

Bài 1: Kỉ lục về tốc độ làm án

Đơn của bà Nguyễn Thị Thìn, vợ ông Đinh Đức Phiếu, có hộ khẩu thường trú tại số 35, khu tập thể Xí nghiệp in Phố 10, đường Lương Văn Thăng, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đề nghị hủy Bản án số 135/2008/HSST (ngày 1-12-2008) và yêu cầu làm rõ sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc thành phố và tỉnh Ninh Bình.

Ông Đinh Đức Phiếu, sinh năm 1945, có 43 năm cống hiến cho cách mạng, 40 năm tuổi Đảng, có 11 năm chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Tây Nguyên, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, 3 Huân chương Giải phóng.

Năm 2005, ông Phiếu nghỉ hưu, chủ yếu ở với người con trai cả tại Hà Nội. Cũng từ thời điểm đó tâm tính ông thường xuyên thay đổi, thất thường. Đã thế, nếp sống khép kín nơi con ông sinh sống càng khiến ông buồn bã và hay thay đổi hơn nên thỉnh thoảng ông lại đòi các con cho về Ninh Bình ít bữa.

Mỗi lần về quê, nghe dư luận địa phương bàn tán về những việc làm sai trái, độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi của ông Đinh Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa X), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình và một số cán bộ, nhất là một vài lần gặp lại bạn bè, ông được “sang tai” về tình trạng cán bộ lãnh đạo tỉnh có sai phạm. Mặc dù tâm tính không bình thường ngay từ khi nghỉ hưu, nhưng ông Phiếu vẫn nặng lòng với quê hương và luôn mang bầu máu nóng của Bộ đội Cụ Hồ, nên khi được “sang tai” những điều không bình thường của một số lãnh đạo tỉnh, không chút tư lợi, ông viết đơn thư gửi trực tiếp tới các cơ quan chức năng. Nhiều đơn thư ông Phiếu viết có nội dung rõ ràng, đặt câu hỏi nghiêm túc về sự điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Cũng có nhiều lá đơn, bài vè ông Phiếu viết vào tờ lịch, mảnh giấy xé vội như để thỏa mãn cá nhân, nhưng ông vẫn gửi đi một cách vô thức.

Nhận được những lá đơn, bài vè có tờ có nội dung đúng, có tờ không bình thường như vậy, lãnh đạo tỉnh, hoặc trưởng, phó ban ngành tỉnh Ninh Bình, trong đó có ông Đinh Văn Hùng, khi đó là Uỷ viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tố tụng lập tức vào cuộc. Trong các ngày 30-9, 1-10 và 3-10-2008, các ông Đinh Văn Hùng, Tạ Nhật Thới, Bùi Văn Thắng, Nguyễn Kim Bảng, Đinh Chung Phụng, Đinh Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Tỉnh, Lê Văn Dung và bà Đinh Thị Thúy Ngần có đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố vụ án hình sự đối với ông Đinh Đức Phiếu.

Ngày 2-10-2008 lập tức khởi tố vụ án, khởi tố bị can “Đinh Đức Phiếu vu khống” thì ngày 7-10-2008, thượng tá Phạm Ngọc Hóa, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã kí Kết luận điều tra vụ án ông Đinh Đức Phiếu tội vu khống (Số 01/KLĐT-PC16). Bản Kết luận điều tra này cũng nêu rõ, phần lớn những đơn thư của ông Phiếu đều được gửi trực tiếp tới các cơ quan có liên quan trong tỉnh, nhiều đơn có nội dung rõ ràng, có thể kiểm chứng và soi chiếu trong cách điều hành nếu họ coi mình thực sự là đầy tớ của dân. Ví dụ như ông Hùng việc sắp xếp em trai là Đinh Văn Đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư giữ chức Bí thư Thành ủy Ninh Bình, hoặc bà Đinh Thị Thúy Ngần, từ cô giáo thể dục rồi làm cán bộ văn thể của một huyện, lên làm Phó văn phòng ít lâu lại được đề bạt Chánh văn phòng UBND tỉnh…

Mặc dù những lá đơn, bài vè đó hầu hết được ông Phiếu viết trong trạng thái tinh thần không bình thường, nhưng 3 cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Ninh Bình vẫn không thèm đếm xỉa gì, hay đề xuất lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại, trả lời những câu hỏi mà cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu đặt ra. Họ bàn nhau làm án một cách chóng vánh nhất, cố tình khép ông Đinh Đức Phiếu tội vu khống. Ngoài những nội dung khép tội hết sức thô thiển của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Ninh Bình, có lẽ cũng cần lưu ý thêm với các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình là tên bố đẻ của ông Phiếu liên tục thay đổi. Tại Kết luận điều tra số 01/KLĐT-PC16, bố ông Phiếu có tên là Đinh Đắc Chược; Tại Giấy triệu tập bị cáo số 93/TA, bố ông Phiếu có tên là Đinh Đắc Thược, tại Bản án số 135/2008/HSST thì bố ông Phiếu lại có tên là Đinh Đắc Trược.

Hơn thế, phép xưng hô tại hầu hết các văn bản đều thể hiện thái độ miệt thị, xách mé với ông Đinh Đức Phiếu, người gần 70 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, như trong các Giấy triệu tập, Quyết định khởi tố bị can, Kết luận điều tra… của các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình là khó chấp nhận. Cách viết, cách nói như vậy khi tòa án chưa xét xử, kết tội thể hiện sự không tôn trọng công dân, thiếu đạo lí, kém văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật. Bởi, ngay cả khi tòa đã tuyên án, 15 ngày sau bản án mới có hiệu lực pháp luật, nếu không bị kháng án. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 9 BL TTHS).

Kì sau: Xét xử gấp gáp trong khi bị can rối loạn tâm thần.

Tháng Ba 11, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2): Gia tộc lương y có nhiều thầy thuốc ưu tú

Hoàng Linh

Một gia đình nhiều thế hệ là danh y nơi đất tổ Hùng Vương, sinh ra những thầy thuốc có nhiều cống hiến cho ngành Đông y quân đội, cho sự lớn mạnh của ngành y học cổ truyền nước nhà. Một trong những người sáng lập Viện Y học cổ truyền quân đội là cố thầy thuốc ưu tú Trần Ngọc Chấn. Hai người con trai của cụ, Tiến sĩ y học – Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Bình và Đại tá- Bác sĩ chuyên khoa II Trần Lập Công vẫn đang kế tục sự nghiệp của người cha đáng kính. Họ cũng như cha, đều vinh dự được nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” và đều nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông…

Bác sĩ Trần Quốc Bình tiếp tôi trong gian phòng khách mộc mạc của Giám đốc Viện Y học cổ truyền Trung ương. Ông không nói nhiều về bản thân, mà say sưa nói về truyền thống danh y của dòng họ. Gia tộc Trần của ông sinh sống nhiều đời ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, có mười mấy đời làm lương y. Ông không nhớ hết tên các cụ, vì gia phả nhà ông dày lắm, chỉ biết khi ông sinh ra đã thấy có cụ nội là Trần Ngọc Báo, làm thuốc từ thời Pháp thuộc. Ông nội ông, cụ Trần Ngọc Đức cũng theo nghề y. Cụ Đức đi theo cách mạng từ năm 1945, từng giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Lâm Thao. Cụ đã giúp Bệnh viện đa khoa Phú Thọ xây dựng khoa y học cổ truyền, từng làm cố vấn cho khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Bệnh viện 108) một thời gian.

Cha ông, lương y Trần Ngọc Chấn học nghề Đông y từ nhỏ. Cách mạng tháng Tám thành công, cụ tham gia Mặt trận Việt Minh tại quê nhà và được kết nạp vào Đảng năm 1948, rồi tham gia quân đội, công tác trong ngành quân y tại nhiều cơ quan, đơn vị. Cụ là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Đông y, Bệnh viện 108. Năm 1978, cụ là một trong những sáng lập viên của Viện Y học cổ truyền quân đội, giữ cương vị Phó Viện trưởng. Cụ nghỉ hưu ở tuổi 75. Suốt thời gian cống hiến cho ngành y học cổ truyền, cụ luôn chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, đã có 22 đề tài được đăng trong Kỉ yếu công trình của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng năm 1981. Trong đó, nhiều đề tài được Viện Y học cổ truyền dân tộc quân đội và Bệnh viện 108 ứng dụng có hiệu quả, được đánh giá cao. Cụ là tác giả của 3 cuốn sách quý: “Điểm huyệt xoa bóp”, “Sổ tay cấp cứu Đông y”, “Chữa bệnh cấp tính và cấp cứu thông thường bằng thuốc Nam”. Cụ còn tham gia huấn luyện nhiều lớp chuyên khoa y học cổ truyền, dìu dắt nhiều lớp bác sĩ của Viện Y học cổ truyền quân đội. Do những đóng góp lớn lao đó, cụ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” từ những năm 80 của thế kỉ trước.

Đáng lẽ ra, Trần Quốc Bình không phải tham gia quân đội, vì cha ông rồi các anh chị ông đều là bộ đội. Nhưng với khí thế của những ngày lịch sử mùa Xuân năm 1975, ông đã xung phong vào quân ngũ. Và như sắp đặt của số phận, con đường y nghiệp của ông lại gắn với đường binh nghiệp. Trong khi huấn luyện ở Tỉnh đội Phú Thọ, chỉ chờ lên đường chiến đấu, thì cũng là lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông được điều động về Sư đoàn 371 không quân. Tại đây, ông được tạo điều kiện cho đi thi đại học. Với truyền thống gia đình, lại được học làm thuốc từ nhỏ, ông đã chọn ngành y và đỗ ngay Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Sau 6 năm miệt mài đèn sách, Trần Quốc Bình được điều động về công tác tại Viện Y học cổ truyền quân đội. Đường y nghiệp với ông từ đây rộng mở. Năm 1994, ông được cử đi học Thạc sĩ tại Đại học Trung y dược Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 2004, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Năm 1999, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc chuyên môn, Viện Y học cổ truyền quân đội. Tháng 6-2008, Đại tá Trần Quốc Bình được điều động ra làm Phó Giám đốc Viện Y học cổ truyền Trung ương (Bộ y tế), hiện đang giữ chức Giám đốc, kiêm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện. Ngoài những cương vị trên, ông còn tham gia nhiều hoạt động, phục vụ sự phát triển ngành y học cổ truyền của đất nước: Giám đốc Trung tâm hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới về YHCT; Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện; Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Y tế; Phó Chủ nhiệm khoa YHCT, Đại học Y Hà Nội.

Cũng trưởng thành từ quân đội, Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Lập Công có vất vả hơn trên đường y nghiệp. Ra trường trước người em, bác sĩ Công được điều động về làm Chủ nhiệm quân y của đơn vị tên lửa E 277, F 361. Sau đó thuyên chuyển về Bệnh viện Phòng không. Năm 1982, Quân chủng Phòng không cử ông đi học lớp bác sĩ chuyên khoa Đông y, tại Bệnh viện Đông y Trung ương, rồi về công tác tại khoa Đông y, Bệnh viện Phòng không. Khi hai đơn vị Phòng không và Không quân sáp nhập, ông Công chuyển công tác về Viện y học cổ truyền quân đội, giữ cương vị Phó chủ nhiệm A2. Năm 2001, ông được điều động phụ trách khoa Điều trị cán bộ cao cấp (nay là khoa Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương). Trong quá trình công tác, ông vẫn say mê nghiên cứu khoa học, với 2 đề tài cấp cơ sở và 3 đề tài cấp Bộ. Hiện ông mang hàm Đại tá. Ông Bình cho biết, ông Công cũng đang làm luận án Tiến sĩ, sẽ bảo vệ vào thời gian tới.

Cả hai người con của lương y Trần Ngọc Chấn đều được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Ba cha con, ba thầy thuốc ưu tú đều phấn đấu và rèn luyện theo phương châm: “Sáng về y đức, sâu về y lí, giỏi về y thuật”. Riêng hai anh em lương y: Trần Lập Công và Trần Quốc Bình vừa được Bộ Y tế trao tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của Cụ.

Tháng Ba 1, 2011 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Viết tiếp bài “Một gia đình liệt sĩ bị đẩy vào cảnh bơ vơ” UBND phường làm trái luật, TAND quận Hà Đông vô cảm

Hoàng Linh

Báo Người cao tuổi số 827, ra ngày 12-11-2010 đăng bài “Một gia đình liệt sĩ bị đẩy vào cảnh bơ vơ”, phản ánh việc UBND phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội cưỡng chế, phá nhà bà Nguyễn Thị Hà, 73 tuổi, vợ liệt sĩ tại khu Cầu Đơ 2 trái pháp luật. Tuy thừa nhận diện tích đất này bà Hà sử dụng từ năm 1986, nhưng UBND phường Hà Cầu lại cho rằng, gia đình bà Hà lấn chiếm đất công, nên cần cưỡng chế, phá dỡ công trình xây dựng để mở rộng đường vào khu dân cư.

Tại tờ bản đồ số 14 (2B- I- B- d) năm 1998 (lúc đó là xã Hà Cầu), thửa đất gia đình bà Hà sử dụng mang số 5, diện tích 31,8 m2, có kí hiệu “T” (tức thổ cư). Tại sổ mục kê, hiện phường đang lưu giữ, thì chủ sử dụng thửa đất nói trên là bà Nguyễn Thị Hà. Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai thì bà Nguyễn Thị Hà đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng thay vì làm thủ tục cấp sổ đỏ cho gia đình bà Hà, UBND phường Hà Cầu lại cưỡng chế, phá dỡ mà không hề có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền là UBND quận Hà Đông, hoặc phán quyết của tòa án.

Tuy gia đình bà Hà có kí giấy cam kết trả đất cho phường năm 1999, song gia đình cho biết, ấy là do bị ép dỡ nhà và không hiểu pháp luật, nên đành phải kí cam kết để khỏi bị phá dỡ nhà. Đặt giả thiết bà Hà mượn đất, không trả theo cam kết năm 1999, thì UBND phường Hà Cầu phải kiện bà Hà ra toà, để đòi đất cho mượn, song cũng phải chứng minh được quyền sử dụng hợp pháp với thửa đất đó, thì Toà sẽ quyết định bà Hà phải trả đất. Ngược lại, bà Hà chứng minh được quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, thì sẽ được tiếp tục sử dụng. Do đó, việc UBND phường Hà Cầu tự ý cưỡng chế, phá dỡ nhà bà Hà là trái pháp luật.

Mặt khác, cho đến nay chưa hề có cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt quy hoạch mở rộng đường tại vị trí đất nhà bà Hà. Việc UBND phường Hà Cầu mở rộng đường mà không cần quy hoạch, không cần quyết định thu hồi đất, không cần xác minh nguồn gốc… là việc làm tùy tiện, gây bức xúc trong nhân dân.

Do quyền lợi hợp pháp của gia đình bị xâm hại, ngày 17-12-2010, bà Nguyễn Thị Hà nộp đơn khởi kiện Chủ tịch UBND phường Hà Cầu ra TAND quận Hà Đông. Thế nhưng, thời gian luật định qua đã lâu mà gia đình không nhận được câu trả lời từ phía tòa án. Ngày 20-1-2011, bà Hà tiếp tục nộp đơn khởi kiện tới tòa. Song, đã hơn 2 tháng kể từ ngày bà nộp đơn lần đầu, gia đình vẫn chỉ nhận được sự im lặng. Động thái này của TAND quận Hà Đông không những vô cảm, mà còn vi phạm Mục 1.4 Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, quy định: “Ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án hành chính, Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm, Chánh toà hoặc Phó Chánh toà được Chánh án uỷ quyền phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán phải xem xét trường hợp này thuộc loại khiếu kiện nào quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh và đối chiếu với điều kiện khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh để: a) Tiến hành thụ lí vụ án theo thủ tục chung, nếu đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; b) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện và nêu rõ lí do trả lại đơn khởi kiện, nếu không đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính”.

Bà Nguyễn Thị Hà còn phải chờ đến bao giờ mới được giải quyết theo pháp luật? Câu trả lời xin dành cho TAND quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Tháng Ba 1, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này