Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Về việc CSĐT, Công an Hà Giang ngăn cản LS. Trần Đình Triển: Cần kỉ luật nghiêm điều tra viên ngăn cản luật sư

Báo Người cao tuổi trong các số 64 (781), 65 (782) đã có bài phỏng vấn TS – LS Trần Đình Triển và nhà báo Nghiêm Thị Hằng, thông tin đầy đủ về sự việc Cơ quan điều tra CA tỉnh Hà Giang kiên quyết ngăn cản luật sư, không cho vào gặp hai bị can: Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thanh Thúy để làm rõ thực hư việc Thúy và Hằng kí đơn từ chối luật sư. Ngay sau khi báo phát hành, các luật sư rất bất bình và có những ý kiến phản hồi. Báo Người cao tuổi trích đăng ý kiến của Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Cty Luật TNHH Hòa Lợi về vấn đề này…

LS Vũ Văn Lợi

Trong những năm qua, việc cơ quan điều tra gây khó khăn cho luật sư hành nghề còn tồn tại ở một số địa phương, một số cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, ngày 26-1-2007, Bộ Công an đã có công văn số 45/C16 (P6) gửi: Thủ trưởng cơ quan CSĐT, CA các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các cơ quan điều tra thực hiện nghiêm Bộ luật Tố tụng hình sự. TANDTC cũng có công văn số 26/KHXX ngày 28-2-2007 gửi chánh án TAND và TAQS các cấp, quán triệt nội dung công văn nói trên của Bộ Công an…

Với vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường, tính chất nhạy cảm như vụ án mua dâm (hoặc cưỡng dâm) học sinh ở Hà Giang, thì hành vi ngăn cản, không cho LS. Trần Đình Triển vào gặp các bị can, để làm rõ sự thật việc các bị can kí đơn từ chối luật sư của Cơ quan điều tra, CA tỉnh Hà Giang là có biểu hiện khuất tất, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong trường hợp cụ thể này, việc LS Triển yêu cầu điều tra viên, VKSND cùng cấp và luật sư cùng vào gặp các bị can làm rõ yêu cầu mời hay không mời luật sư của các bị can, là yêu cầu chính đáng cần được đáp ứng, bảo đảm quyền lợi của các bị can trong quá trình tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử. Điều tra viên của Cơ quan điều tra, CA tỉnh Hà Giang không tạo điều kiện để LS. Triển gặp các bị can, có hành vi tố tụng để khoảng cách giấy trong biên bản làm việc, khi luật sư gạch chéo vào phần trống của biên bản thì điều tra viên không kí vào biên bản, là việc làm mờ ám, khuất tất, vi phạm Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự: “…Khi người tham gia tố tụng có yêu cầu về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình, giải quyết yêu cầu của họ và báo cho họ biết kết quả. Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lí do…”. Trong trường hợp này, nếu luật sư khiếu nại và có yêu cầu thì cơ quan điều tra phải thay điều tra viên, để việc điều tra được khách quan, đúng pháp luật.

Mặt khác, theo LS. Triển, suốt thời gian từ khi TAND tỉnh Hà Giang hủy án sơ thẩm của TAND huyện Vị Xuyên, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu mà luật sư không được tham gia xét hỏi, không được thông báo lịch xét hỏi… là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng của Cơ quan điều tra, CA tỉnh Hà Giang.

Để khắc phục và quán triệt đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền được tự, hoặc nhờ người bào chữa của bị can, được quy định tại Điểm e, Khoản 2 Điều 49; quyền của người bào chữa quy định tại các điều 56, 57, 58 Bộ luật này. Theo tôi, CA tỉnh Hà Giang cần phải có hình thức kỉ luật nghiêm khắc đối với những điều tra viên đã có những hành vi nói trên.

Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tại phiên tòa phúc thẩm và đơn kêu cứu của hai cháu Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy gửi các cơ quan chức năng đã hé lộ danh sách những cán bộ từng làm tình với hai bị can này, trong đó có ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và hai cán bộ CA tỉnh Hà Giang. Vì vậy, Cơ quan điều tra, CA tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra vụ việc này là thiếu khách quan. Theo tôi, Bộ Công an phải rút hồ sơ lên để trực tiếp điều tra dưới sự giám sát của các cơ quan tố tụng khác, mới làm sáng tỏ được vụ việc

Hoàng Linh

(Thực hiện)

Trích Công văn số 45/C16 (P6) ngày 26-1-2007 của Bộ Công an

“…Để thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo Điểm d, Khoản 2, Điều 48; Điểm e, Khoản 2, Điều 49; Điểm e, Khoản 2, Điều 50, đồng thời tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền và trách nhiệm của họ theo Điều 56, 57, 58 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT, Bộ CA có ý kiến như sau:

Cần chỉ đạo tạo điều kiện và thời gian để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ, tránh các việc làm như: Viện cớ bị can đang ốm, điều tra viên đang bận việc khác, thông báo quá gấp thời gian tiến hành việc hỏi cung… Thực tế cho thấy, càng né tránh luật sư, người bào chữa ở giai đoạn điều tra thì càng bất lợi ở giai đoạn truy tố, xét xử.”

Thủ trưởng cơ quan CSĐT-BCA (Đã kí)
Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ

Trích Công văn số 26/KHXX ngày 28-2-2007 của TANDTC

“… Tòa án nhân dân tối cao sao gửi văn bản nêu trên (CV số 45/C16 (P6) của Bộ Công an – PV) đến các đồng chí chánh án TAND, TAQS các cấp; các đồng chí chánh tòa phúc thẩm, TANDTC và yêu cầu các đồng chí trong phạm vi chức năng của mình quán triệt nội dung văn bản nêu trên đến các thẩm phán, cán bộ, công chức trong đơn vị mình…”

KT. Chánh án, Phó Chánh án Thường trực
Đặng Quang Phương

Tháng Tám 8, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này

Ông Nguyễn Trường Tô và chuyện “cãi” tòa

Hôm nay, HĐND tỉnh Hà Giang sẽ họp xét bãi miễn tư cách đại biểu HĐND tỉnh và miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh của ông Nguyễn Trường Tô

Ngoài những sai phạm về đạo đức lối sống, vị chủ tịch này còn có những hành xử rất lạ đời: Không thực hiện quyết định của tòa; đe nẹt cả báo chí và đại biểu Quốc hội khi bị phản ánh, phê bình.

Năm 2002, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký quyết định phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển, luyện quặng của Công ty Sông Lô. Công ty này đã đầu tư trên 60 tỉ đồng thực hiện dự án, trong đó có các hạng mục nhà máy tuyển, luyện quặng, đường vào mỏ Tùng Bá-Na Sơn…

Không thực hiện phán quyết của tòa

Khi các công trình hạ tầng hoàn tất, mỏ đã được bóc đất đá để lộ quặng chuẩn bị thu hoạch, chủ tịch UBND tỉnh lúc này là ông Nguyễn Trường Tô ra quyết định hủy bỏ quyết định trước đây. UBND tỉnh sau đó dùng nhiều biện pháp gây áp lực, cưỡng chế Công ty Sông Lô ra khỏi mỏ. Tiếp đó, ông Nguyễn Trường Tô lại ký quyết định cấp mỏ chì kẽm Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách.

Thấy số vốn đã đầu tư bỗng dưng mất trắng, hàng trăm lao động mất việc làm, Công ty Sông Lô đã khiếu nại và sau đó khởi kiện ra tòa. Sát ngày tòa xử, UBND tỉnh nhận thiếu sót và hứa sửa sai nên Công ty Sông Lô rút đơn kiện. Thế nhưng bất ngờ tháng 3-2007, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô lại ký quyết định tiếp tục hủy bỏ việc cho phép Công ty Sông Lô đầu tư khai thác mỏ.

Công ty Sông Lô lại khởi kiện. Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 9-2007, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên hủy quyết định nêu trên.

UBND tỉnh Hà Giang kháng cáo nhưng sau đó có văn bản rút kháng cáo. Thế nhưng sau đó, UBND tỉnh Hà Giang lại không thực hiện phán quyết của tòa mà gửi báo cáo lên cấp trên nói rằng bản án của tòa là chưa thỏa đáng.

Thủ tướng chỉ đạo 10 lần nhưng không thực hiện

Sau phán quyết của tòa án, Công ty Sông Lô kiến nghị được tiếp tục khai thác mỏ sắt Tùng Bá, mỏ chì kẽm Na Sơn cũng như các dự án đang thực hiện dang dở như Công viên Hà Phương, hang động Tùng Bá. Bên cạnh đó, công ty yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thanh toán khối lượng xây dựng công trình đã hoàn thành 50 tỉ đồng và bồi thường thiệt hại cho công ty 37 tỉ đồng vì ban hành quyết định hành chính trái luật.

Mặc cho Chính phủ liên tiếp chỉ đạo nhiều lần, chủ tịch tỉnh Hà Giang vẫn không chịu thực hiện hoặc thực hiện một cách ì ạch. Đến khi Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lần thứ bảy, thứ tám thì UBND tỉnh Hà Giang mới bắt đầu trả nợ cho Công ty Sông Lô một cách nhỏ giọt là 17,42 tỉ đồng.

Ngày 2-4-2010, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương xử lý những tồn tại của dự án Công viên nước Hà Phương để giải quyết dứt điểm khiếu nại của Công ty Sông Lô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 4-2010.” Đây là lần thứ chín Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng đã hơn hai tháng, UBND tỉnh Hà Giang vẫn không thực hiện. Do đó, mới đây nhất, ngày 24-6, Văn phòng Chính phủ thêm một lần nữa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của Công ty Sông Lô.

Cuộc họp báo kỳ lạ

Vụ án hành chính với Công ty Sông Lô đã có hàng chục cơ quan báo chí phản ánh, trong đó nổi bật nhất là loạt bài của báo Người Cao Tuổi tháng 5-2008. Thay vì có văn bản có ý kiến trở lại với báo này, ngày 3-6-2008, Chủ tịch Nguyễn Trường Tô lại tổ chức họp báo để phản pháo.

Cuộc họp báo phản pháo báo Người Cao Tuổi do ông Nguyễn Trường Tô
(đứng trong ảnh) chủ trì

Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập báo Người Cao Tuổi, cho hay UBND tỉnh gửi giấy mời và cho ba ôtô về Hà Nội đón đại diện của 28 cơ quan báo chí ở trung ương, đồng thời mời đại diện của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí về Hà Giang để nói về những vấn đề báo Người Cao Tuổi nêu nhưng lại… không mời báo Người Cao Tuổi!

Tuy nhiên, do nắm được thông tin, ông Kim Quốc Hoa vẫn có mặt. Ông chủ tịch Nguyễn Trường Tô ngồi chỉ đạo cuộc họp với hàng trăm người dự, không chỉ gồm các báo, đài được mời mà tất cả lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, huyện, thị đều được triệu tập. Một chồng báo Hà Giang phát miễn phí, trong đó có đến ba bài phản bác lại quan điểm báo Người Cao Tuổi. Còn khi người của Công ty Sông Lô phát báo Người Cao Tuổi thì lực lượng bảo vệ xô đến… tịch thu!

Cuộc họp được bắt đầu bằng 30 phút phóng sự của Đài Truyền hình Hà Giang với nội dung hạ uy tín báo Người Cao Tuổi. Sau đó, ông Nguyễn Trường Tô đứng dậy đọc một văn bản chủ yếu… báo cáo thành tích. Nội dung còn lại chỉ lớt phớt nói rằng các thông tin mà Công ty Sông Lô cung cấp ra “thiếu trung thực, sai lệch, phiến diện…” và phê phán báo Người Cao Tuổi đưa tin sai sự thật, thiếu khách quan, “bôi nhọ” chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang! Phát biểu của ông Tô được tăng âm ra ngoài phố bằng hệ thống loa công suất lớn.

Ông Kim Quốc Hoa kể: Vào giờ giải lao, khi ông Tô vừa bước xuống bục rút bật lửa châm thuốc thì ông tiến đến xưng danh, đề nghị được phát biểu. Dù hết sức bất ngờ vì sự có mặt của ông Hoa nhưng không thể thoái thác, ông Tô buộc phải đồng ý cho ông Hoa nói. Sau phát biểu của ông Hoa, nhiều tràng pháo tay rộ lên. Cuộc họp báo xem như phá sản vì sau đó không báo nào đưa nội dung họp báo theo ý của Chủ tịch Tô!

Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa
phát  biểu phản biện tại buổi họp báo

Tuy thất bại ở cuộc họp báo nhưng tỉnh Hà Giang lại có văn bản tố báo Người Cao Tuổi đưa tin sai sự thật. Tháng 8-2008, Thường trực Hội Người cao tuổi (cơ quan chủ quản) đã phải tổ chức hai buổi làm việc với báo Người Cao Tuổi và khẳng định: “Những thông tin báo Người Cao Tuổi phản ánh là chính xác, khách quan…”.

NHÓM PHÓNG VIÊN (Theo Báo Pháp luật TP.HCM

Đe nẹt cả đại biểu Quốc hội

Tôi đã đến xem các đại công trường ở Hà Giang và cũng nghe được nhiều thông tin về các quyết định sai trái của lãnh đạo tỉnh với Công ty Sông Lô. Trên báo chí cũng đã nói rất nhiều, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, tòa án cũng đã xử, Thủ tướng năm lần bảy lượt chỉ đạo mà chủ tịch Hà Giang vẫn không chấp hành.

ĐBQH Lê Văn Cuông.

Thế là tôi quyết định chất vấn Thủ tướng về việc tại sao trên chỉ đạo mà dưới không nghe. Ban đầu tôi không định nêu thẳng tên chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, chỉ định lưu ý Thủ tướng để Thủ tướng kiểm tra. Nhưng khi Thủ tướng hỏi lại là chưa nắm được thông tin này, tôi mới nêu đích danh… Chất vấn buổi sáng thì buổi chiều Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô gọi điện thoại to tiếng là tại sao lại đưa chuyện Hà Giang lên Quốc hội, ngay trong phiên chất vấn trực tiếp Thủ tướng được truyền hình cho cả nước xem. Tôi bèn trả lời vấn đề này thuộc thẩm quyền của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và tôi chỉ thực hiện quyền của mình, không có định kiến hay dụng ý gì. Chủ tịch Hà Giang nói sẽ báo cáo việc này về Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tôi nói rằng tôi chỉ thực hiện trách nhiệm của mình, còn ông ấy cứ làm việc của ông ấy. Tôi cũng báo cáo việc này với trưởng đoàn là ông Lê Ngọc Hân – Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

ĐBQH Lê Văn Cuông

Ngày hôm sau, Chủ tịch Nguyễn Trường Tô lại gọi điện thoại nhắc nhở tôi. Tôi nói luôn là ngay trong phiên họp tổ chiều qua, tôi đã báo cáo chuyện này với trưởng đoàn của chúng tôi. Mấy ngày sau, Đoàn ĐBQH Hà Giang làm văn bản chất vấn lại tôi: Một, ĐBQH Lê Văn Cuông lấy căn cứ ở đâu để khẳng định chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang năm lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng? Hai, nếu không đủ căn cứ, đề nghị ĐB Cuông phải có trách nhiệm với phát biểu của mình. Dưới văn bản ký tên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Hoàng Minh Nhất với đầy đủ các chức danh ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy.
Lời kể của ĐBQH LÊ VĂN CUÔNG (Theo VNN)

Tháng Bảy 28, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này

ĐÚC TƯỢNG TÔ CHỦ TỊCH

Bỗng dưng bác Tô quá nổi tiếng. Nhân dịp này dựng một tượng bác Tô thật to, sừng sững ngay cửa ngõ Hà Giang- Tại sao không?

Câu chuyện lộ ảnh nóng khi ngủ với gái mại dâm và những nghi án quanh vụ mua dâm trẻ vị thành niên của bác Tô Chủ tịch đã vô tình làm cái tên Hà Giang được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua. Nhờ đó thiên hạ biết đến Hà Giang nhiều hơn. Trang web tỉnh Hà Giang nhiều lúc nghẽn mạng, quá tải. Từ một ông tỉnh trưởng của một tỉnh nghèo ít ai nghe biết như Hà Giang, cái tên Nguyễn Trường Tô bỗng dưng nổi tiếng, cả nước biết, cả… thế giới nghe!

Tai tiếng đâu không biết. Nhưng nhân dịp này, sao ngành du lịch không nhìn ra mà chộp lấy cơ hội nghìn vàng nhỉ? Bao năm qua, ngành công nghiệp không khói này vẫn đì đẹt, cho dù ném ra biết bao nhiêu tiền cho các chiến dịch quảng bá: “Việt Nam điểm đến thân thiện”, “Việt Nam điểm đến an toàn”, rồi “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn”…

Chỉ nhân cơ hội này, làm một việc nhỏ: đúc tượng bác Tô. Một bức tượng Tô Chủ tịch cao ngút trời, sừng sững ngay cửa ngõ Hà Giang- Tại sao không? Hà Giang sẽ thành một “điểm đến” kỳ thú có một không hai.

Một bạn đọc ký tên QX đã comment phác thảo cho mẫu tượng đài Tô Chủ tịch như sau: Nên đúc tượng lõa thể, lệnh cho thợ đúc đúc các cơ bắp cuồn cuộn, cái linga phải luôn trực chỉ múi 12giờ, các chiều phải tương ứng với hình thể tượng đặng chim nó xà xuống đậu lên, đậu suốt đêm, ban ngày đậu luôn vẫn không sao cả. Cũng phải có chút tinh thần dân tộc, tượng nên quay mặt về hướng Nam coi như làm… kim chỉ nam!

Ai có ý kiến khác? Đúc tượng bác Tô- Tại sao không?

http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/242293

Tháng Bảy 17, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này

Trở lại vụ việc Cty Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang: Sức ỳ kỉ lục

Hoàng Linh

Lần thứ 9 không thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang lập kỉ lục về sự chây ỳ?

Tại kì họp thứ 6 của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Cuông chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc UBND tỉnh Hà Giang không thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng. Thời điểm đó là lần thứ bảy Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo và UBND tỉnh Hà Giang mới chỉ “nhích một tí”. Kì họp này, đã qua lần thứ 9 mà ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vẫn như “đá ném ao bèo”. Điều đó khẳng định sức ỳ của UBND tỉnh Hà Giang đã đến cấp độ kỉ lục…

Hành trình đòi nợ thật quá gian nan…

Công ty TNHH Sông Lô lại tiếp tục có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng, cũng như các cơ quan báo chí cứu giúp. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lại yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang giải quyết dứt điểm vụ việc trong tháng 4-2010, nhưng nay đã trung tuần tháng 6 mà yêu cầu đó không được thực hiện. Nhìn lại sự việc, từ khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô ban hành QĐ số 585/QĐ-UBND, hủy QĐ số 2309/QĐ-UB của người tiền nhiệm, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Bách hưởng lợi từ mỏ chì kẽm Tùng Bá – Na Sơn, mà Công ty Sông Lô đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng đường giao thông, đường điện, thăm dò, khảo sát và xây dựng nhà máy tuyển luyện quặng…

Như nhà báo Kim Quốc Hoa phê phán tại cuộc họp báo ở Hà Giang ngày 3-6-2008: “Khác nào bát cơm đưa đến miệng, bỗng dưng bị người ta cướp giật giao cho người khác”, khiến Công ty Sông Lô không đừng được việc kiện ra tòa án và đã thắng kiện. Nhưng cũng từ đây, Công ty Sông Lô phải bước vào hành trình đòi nợ kỉ lục về sự gian nan. Thứ nhất, UBND tỉnh Hà Giang không thi hành Bản án số 01 có hiệu lực pháp luật, đó là việc phải trả lại mỏ chì kẽm Tùng Bá – Na Sơn cho Công ty Sông Lô, nên Công ty Sông Lô tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Kế đến là những khoản UBND tỉnh Hà Giang nợ Công ty Sông Lô đã đầu tư vào các dự án từ vốn ngân sách, tổng cộng là gần 50 tỉ đồng, chưa kể tiền lãi ngân hàng và các chi phí rủi ro khác mà Công ty Sông Lô đang phải hứng chịu.

Công ty Sông Lô gửi đơn kêu cứu, đến nỗi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phải nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, rồi: Thanh tra Chính phủ, UBKT Trung ương Đảng… vào cuộc, nhưng sự việc vẫn không tiến triển được là bao. Trong vòng 4 năm, Văn phòng Chính phủ có 7 công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, nhưng sự việc không được giải quyết, mãi tới sau buổi làm việc ngày 19-6-2009, thực hiện Công văn có dấu hỏa tốc số 4025/VPCP-KNTN ngày 16-6-2009 của Văn phòng Chính phủ, thì UBND tỉnh Hà Giang mới bắt đầu trả nợ cho Công ty Sông Lô 17,42 tỉ đồng. Nhưng số tiền đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Giang đã thu nợ hết. Vậy là Công ty Sông Lô vẫn cứ trắng tay.

Sau kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 600/VPCP- KNTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra lại, báo cáo Thủ tướng trong quý I năm 2010. Một lần nữa, Thanh tra Chính phủ kiểm tra lại vụ việc. Ngày 12-4-2010, Thanh tra Chính phủ có Báo cáo số 755/BC-TTCP kiến nghị: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tiếp tục tích cực phối hợp với Công ty Sông Lô tìm biện pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng…”. Trước đó, ngày 2-4-2010, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2149/VPCP-KNTC gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương xử lí những tồn tại của Dự án Công viên nước Hà Phương, để giải quyết dứt điểm khiếu nại của Công ty Sông Lô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 4 năm 2010.” Đây là lần thứ 9 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang giải quyết dứt điểm vụ việc. Thế nhưng đã hơn 2 tháng, UBND tỉnh Hà Giang vẫn “im lặng đáng sợ”.

…Và sức ỳ của UBND tỉnh Hà Giang

Bên cạnh việc 9 lần Thủ tướng chỉ đạo, hàng chục cơ quan báo chí đăng hàng loạt bài điều tra phản ánh (cũng với con số kỉ lục các bài viết trong một vụ việc), phân tích, mổ xẻ, kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang giải quyết trả nợ cho Công ty Sông Lô. Song, thay vì lắng nghe, UBND tỉnh Hà Giang mà trực tiếp là ông Nguyễn Trường Tô tỏ ra hằn học với một vài cơ quan báo chí. Thậm chí còn tổ chức cả một cuộc họp báo quy mô, nhằm hạ uy tín Báo Người cao tuổi, nhưng đã chuốc lấy thất bại, trở thành “tấn bi hài kịch”, khiến dư luận chê cười.

Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Trường Tô, trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Hà Giang, đã lớn tiếng chỉ trích Công ty Sông Lô và Báo Người cao tuổi. Ông cho rằng, Công ty Sông Lô cung cấp thông tin một chiều để báo đăng tải không đúng sự thật (xin trích): “…những thông tin một chiều do anh Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Sông Lô, cung cấp cho Báo Người cao tuổi, để tờ báo này thiếu sâu sát, đăng tải những thông tin một chiều, thiếu khách quan, có tính phiến diện và quy chụp, dẫn đến có nhiều thông tin sai sót cơ bản, từ đó làm mất uy tín của lãnh đạo và UBND tỉnh Hà Giang…”. Nhưng thật trớ trêu, sự chính xác của những thông tin đăng trên báo lại được khẳng định bằng kết luận của các cơ quan chức năng… Đến như đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) ngay sau phiên chất vấn Thủ tướng tại kì họp thứ 6, lập tức ông nhận được điện thoại của ông Nguyễn Trường Tô, “to tiếng trách” ông đưa chuyện Hà Giang lên diễn đàn Quốc hội, còn “dọa” sẽ báo cáo việc này với Tỉnh ủy Thanh Hóa? Ông Lê Văn Cuông còn bị Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Hoàng Minh Nhất gửi văn bản chất vấn ngược lại rằng, lấy căn cứ đâu để khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng?

Đến nước ấy thì dư luận cũng đành “chào thua” sức ỳ của UBND tỉnh Hà Giang. Và, “bản trường ca đòi nợ” của Công ty TNHH Sông Lô không biết đến bao giờ mới chấm dứt?

Có kết luận của thanh tra Chính phủ sẽ xử lí ngay (*)

(Sáng ngày 12-6, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giải trình nhiều vấn đề về tình hình kinh tế – xã hội và trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Báo Người cao tuổi xin trích đăng nội dung Phó Thủ tướng trả lời ĐBQH  Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) liên quan đến UBND tỉnh Hà Giang và Công ty Sông Lô…

…”Vụ Hà Giang rất phức tạp, liên quan tới quá trình hoạt động của Công ty TNHH Sông Lô. Vụ này hôm nay tôi nói thế này thôi: Hướng chỉ đạo là kiên quyết, yêu cầu phải kiểm tra xác định đúng, sai để xử lí. Cho đến nay, các đồng chí Thanh tra đang làm, chưa có kết luận. Quan điểm của tôi là xử lí thế nào cho đúng người đúng tội, đúng trách nhiệm và tôi cũng không thể hứa với các đồng chí sau cuộc họp này làm ngay được, bởi phải căn cứ vào báo cáo của Thanh tra Chính phủ, rồi ý kiến của các ngành về trách nhiệm, về sai, về đúng, để từ đó xử lí tuỳ theo mức độ nặng nhẹ. Thanh tra Chính phủ đang làm khẩn trương, tôi xin báo cáo với các đồng chí như vậy.”

(*) Đầu đề do toà soạn đặt

Tháng Sáu 21, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này

Cuộc họp báo có một không hai Hay Cái dại của ông Chủ tịch

Cuộc họp báo có một không hai

Hay Cái dại của ông Chủ tịch

Hoàng Linh

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí liên tục đăng tải rất nhiều bài báo phản ánh vụ việc giữa UBND tỉnh Hà Giang và Công ty TNHH Sông Lô, mà trực tiếp là ông Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô đã kí Quyết định số 585/QĐ-UBND, hủy Quyết định số 2309/QĐ-UB của người tiền nhiệm đã gây không ít khó khăn và thiệt hại cho công ty này. Mới đây, báo Người Cao tuổi lại có loạt bài điều tra có tính chất tổng kết những quan điểm, chứng lí các báo trước đã nêu. Ngay sau đó, ngày 3-6-2008 UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp báo “Về những vấn đề báo Người cao tuổi nêu về Công ty Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang”. Cuộc “họp báo” đã thu hút ngót một nghìn người tới chật kín cả Hội trường và hai bên hành lang, tiền sảnh hội trường Thị ủy thị xã Hà Giang để theo dõi và trở thành chuyện bi hài có một không hai ở nước ta…

Báo Người cao tuổi không nhận được giấy mời(!)

Đúng 8 giờ sáng ngày 3-6-2008, ngót nghìn người đã kéo đến Hội trường Thị ủy thị xã Hà Giang để chứng kiến sự kiện mà dư luận đang hết sức quan tâm. Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã gửi công văn mời họp báo tới 28 tờ báo ở Trung ương. Ngoài ra, UBND tỉnh còn mời cả các cơ quan quản lí báo chí và liên quan tới báo chí như: Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Báo chí – Bộ Thông tin – Truyền thông, Vụ báo chí – Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung tâm Thông tin báo chí – Văn phòng Chính phủ. Có một điều lạ là, cuộc họp báo tập trung giải quyết các vấn đề với một đối tượng cụ thể là báo Người cao tuổi, mà họ lại không hề nhận được công văn mời nói trên, ngay cả Tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt Nam cũng có bài bình luận tương đối căng về vụ việc đó cũng không nhận được giấy mời, báo Văn nghệ trẻ cũng thế… nên họ đành phải thông qua đồng nghiệp mới biết được thông tin về cuộc họp báo và ngày giờ, địa điểm mặc dù trong công văn mời vẫn ghi đủ tên của các tờ báo này. Đây quả là hành động không được đàng hoàng của UBND tỉnh Hà Giang, với mục đích không trong sáng, như nhà văn Lê Lựu nói: “Cả vú lấp miệng em”…

CA Hà Giang ngăn chặn không cho phát hành báo Người cao tuổi

Sử dụng công cụ tuyên truyền của tỉnh để “áp đảo tinh thần” đối phương

Trở lại Hội trường Thị ủy thị xã Hà Giang. Đúng giờ, các đại biểu được mời, các nhà báo, đông đảo nhân dân do quan tâm tới sự kiện nườm nượp kéo vào Hội trường. Một lực lượng cảnh sát trật tự có mặt khá đông vòng trong vòng ngoài. Ngay cửa ra vào, những người đến dự được Ban tổ chức phát không tờ báo Hà Giang, trong đó có đăng tải tới 3 bài báo có nội dung không tốt về Công ty Sông Lô, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Trong khi đó, phía Công ty Sông Lô đem phát một số tờ báo Người cao tuổi lập tức bị lực lượng bảo vệ tịch thu?! Đúng 8 giờ, những người đến dự cuộc họp báo được “doạ” ngay bằng một phóng sự của Đài Truyền hình Hà Giang dài tới 30 phút, nội dung tập trung vào việc nêu các bằng chứng, nhân chứng nhằm nói xấu, hạ uy tín báo Người cao tuổi và Công ty Sông Lô. Đây cũng là một kiểu làm báo chẳng giống ai, của Đài phát thanh – truyền hình tỉnh Hà Giang. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Trường Tô đứng dậy đọc một bản báo cáo dài 7 trang in khổ A4 tương đối mùi mẫn, mà có tới 80% dung lượng tự khoe thành tích trong những năm qua. Phần rất ít còn lại, ông mới đề cập đến vấn đề chính của cuộc họp báo và cho rằng: Công ty Sông Lô liên tục cung cấp thông tin cho báo chí, để các báo phản ánh thiếu trung thực, có cái nhìn sai lệch, phiến diện… làm ảnh hưởng đến uy tín của UBND và lãnh đạo tỉnh. Về các bài báo của báo Người cao tuổi, ông cho rằng: Tờ báo đã phản ánh sai sự thật, thiếu khách quan, thiếu trung thực, có nội dung xấu, lời lẽ thiếu văn hóa… bôi nhọ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, quy kết, phán xét những sai phạm không có thật và lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận xúc phạm có mục đích và có tổ chức… Nói như vậy thì quả là ông Nguyễn Trường Tô chẳng hiểu gì báo chí cả, thậm chí có người còn xì xào rằng, ông Chủ tịch này dại quá! Chẳng lẽ các nhà báo đều như trẻ con và thiếu nghiệp vụ đến mức “bị xui” viết bậy bạ, sai sự thật sao? Cũng đúng thôi, ông Tô làm lãnh đạo, chứ có làm báo bao giờ đâu mà biết. Chỉ tại mấy anh “tham mưu” cho ông đã chẳng ra gì, đã không tham mưu đến nơi, đến chốn để đến nỗi ông đụng tới vấn đề nghiệp vụ của các nhà báo trở thành “điểm yếu” của ông. Người ta cho mắc loa chĩa ra ngoài đường cho mọi người nghe nhưng đến khi ông Tổng biên tập báo NCT phát biểu thì họ cắt.

Không có chương trình cho đại diện báo Người cao tuổi và công ty Sông Lô phát biểu

Bài phát biểu của ông Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch UBND tỉnh mới nghe có vẻ rất khúc triết, nhưng lại loanh quanh về nhiều vấn đề của Sông Lô mà không đề cập được đến nội dung chính mà Tòa án đã quyết, các báo đã nêu và dư luận đang rất quan tâm. Ông ra sức chỉ trích bản án HCST số 01của TAND tỉnh Hà Giang là không có căn cứ pháp luật, mà bản thân ông chẳng đưa ra được căn cứ pháp luật nào. Cũng như ông Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phó chủ tịch cũng chỉ trích báo Người cao tuổi đăng thông tin không chính xác, vi phạm điều 10 Luật Báo chí về những thông tin không được phép đăng tải… rằng giải Sao vàng đất Việt và một số giải thưởng khác mà Công ty Sông Lô đạt được, nêu trong các bài báo là không đúng. Có người nghe thấy liền bảo: Vậy thì hàng trăm bằng khen mà Sông Lô trưng bày ở Hội trường công ty họ có lẽ là… giả hết, có lẽ cần phải xem xét lạ tất cả, kể cả những Huân chương, bằng khen mà Nhà nước và UBND tỉnh đã “chót” trao cho họ!? Trong chương trình họp báo, Ban tổ chức đã cố tình không cho đại diện báo Người cao tuổi và Cty Sông Lô được phát biểu chính kiến.

Mặc dù được mời tham dự, nhưng Giám đốc Công ty Sông Lô giơ tay lên xin phát biểu nhiều lần mới được chấp nhận. Bài phát biểu của ông đề cập cụ thể tới những nguyện vọng chính đáng của CBCNV Công ty. Ông cũng không quên cảm ơn các nhà báo đã bằng ngòi bút, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, với tinh thần trung thực và dũng cảm đã đưa tin phản ánh sự thật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người lao động của Công ty Sông Lô. Ông nói: “Sở dĩ UBND tỉnh Hà Giang tổ chức buổi họp báo này là nhờ công lao của các nhà báo, là sự thắng lợi của công luận, thắng lợi của sự công bằng và lẽ phải. Vì vậy, những người lao động của Công ty Sông Lô đã chờ đợi cuộc họp này từ lâu lắm rồi…”.

Bất ngờ nhất trong cuộc họp báo này lại là sự hiện diện của nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người cao tuổi – tờ báo đang bị UBND tỉnh Hà Giang chỉ trích gay gắt. Bằng bản lĩnh, kinh nghiệm của một nhà báo từng trải, từng qua quản lí cơ quan tới 6 tờ báo khác nhau, nhà báo Kim Quốc Hoa đã làm cả hội trường sôi lên bằng những lập luận sắc bén, đã làm rõ những sai phạm của UBND tỉnh trong vụ việc với Công ty Sông Lô.

Chú làm Chủ tịch mà sao dại thế?

Chú làm Chủ tịch mà sao dại thế?

Tiếp theo, nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm văn hóa Doanh nhân Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, đơn vị có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nhân, doanh nghiệp đứng lên phát biểu. Bằng thái độ và giọng nói hết sức điềm đạm, ông phân tích gọn gàng, khúc triết sự thiếu khách quan của Ban tổ chức cuộc họp báo, nhằm chỉ trích báo Người cao tuổi. Ông nói: “Bây giờ chúng ta hành động theo pháp luật, không dùng mĩ từ để vu cáo cho người ta, buộc tội cho người ta, mọi việc phải rõ ràng, minh bạch, đừng có một phía, đừng thiếu công bằng, thiếu dân chủ, đừng “cả vú lấp miệng em” và “lấy thịt đè người”…

Cuộc họp báo đã kết thúc trong sự thú vị sôi động của các nhà báo và sự hằn học của các “cổ động viên” tỉnh Hà Giang. Khi chia tay để trở về Hà Nội ngay cửa Hội trường, nhà văn Lê Lựu đã thân tình nói thẳng với ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: “Chú làm Chủ tịch tỉnh, sao mà chú dại thế”!!!…

Tháng Một 27, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này

Họ tiếp tục coi thường pháp luật

Trở lại vụ án Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang:

Họ tiếp tục coi thường pháp luật

(Thứ Ba, 17/03/2009-7:51 AM)

Hoàng Linh

Vụ án giữa Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các cơ quan báo chí và các cơ quan hữu trách. Toà án đã tuyên huỷ Quyết định trái luật số 585/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang; Thanh tra Chính phủ, UBKT Trung ương Đảng cũng đã vào cuộc và có kết luận. Theo đó, ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch và ông Hoàng Đình Châm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang đã phải nhận hình thức kỉ luật về Đảng; Văn phòng Chính phủ đã có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Giao cho UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2612/BC-TTCP ngày 25-11-2008; thanh toán dứt điểm đối với các dự án đầu tư từ ngân sách do Công ty TNHH Sông Lô thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các đơn vị được hưởng lợi tuyến đường Tùng Bá – Na Sơn vào mỏ phải thanh toán dứt điểm kinh phí đầu tư cho Công ty TNHH Sông Lô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý I năm 2009…”. Thế nhưng, cho đến nay đã gần hết quý I năm 2009 mà UBND tỉnh Hà Giang vẫn cố tình chây ì, không chút mảy may thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, với cương vị là lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Trường Tô, ông Hoàng Đình Châm đã nhiều lần ra sức tìm cách để không thi hành bản án số 01/2007/HCST của TAND tỉnh Hà Giang, đã có hiệu lực pháp luật. Thông tin được đăng đầy đủ trên website:www.songlo.com.

     

Những việc làm đó của ông Nguyễn Trường Tô và ông Hoàng Đình Châm đã vi phạm một số quy định của luật pháp nước CHXHCN Việt Nam . Theo lãnh đạo Công ty TNHH Sông Lô: “Những hành vi, việc làm trong thời gian qua của ông Nguyễn Trường Tô và UBND tỉnh Hà Giang đã vi phạm pháp luật. Với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh cùng UBND tỉnh Hà Giang ông đã vi phạm vào các quy định của pháp luật như: Luật Cán bộ, Công chức năm 2008; Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu ra quan điểm: “Tôi cũng có theo dõi diễn biến của vụ việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo tôi, về việc UBND tỉnh Hà Giang, đứng đầu là ông Nguyễn Trường Tô không thi hành bản án sơ thẩm hành chính số 01/2007/HCST của TAND tỉnh Hà Giang, đã có hiệu lực pháp luật là vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật, bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự. Trên thực tế, nhiều bản án không được thi hành do người phải thi hành, hoặc người có chức vụ quyền hạn cố ý cản trở không chấp hành bản án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, mặc dù người bị thi hành án có đủ điều kiện để thi hành. Trong trường hợp đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án đã làm đầy đủ thủ tục theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, mà người phải thi hành án vẫn cố tình không chấp hành hoặc có hành vi vi phạm quy định tại Điều 67 Pháp lệnh này, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định của điều luật này. Khoản 1, Điều 67 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định: “Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định, không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Đúng ra, ngoài hình thức kỉ luật mà ông Nguyễn Trường Tô và ông Hoàng Đình Châm đã phải chịu, thì phải tạm đình chỉ chức vụ của các ông này, để các cơ quan hành pháp tiến hành điều tra, xử lí theo pháp luật”.

Trường hợp người nào có hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306 Bộ luật này. Điều 304 quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Khoản 1, Điều 305 quy định: “Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Toà án gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lí kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Khoản 1, Điều 306 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Ngoài ra, với hành vi cố tình không thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì ông Nguyễn Trường Tô, ông Hoàng Đình Châm còn vi phạm nhiều điểm trong Luật Cán bộ, Công chức năm 2008”.

Luật pháp là để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức nhằm ổn định và tiến tới công bằng xã hội. Và vì vậy, tất cả các cá nhân, tổ chức (không kể ở vị trí nào trong xã hội) đều phải có trách nhiệm chấp hành. Ông Nguyễn Trường Tô, ông Hoàng Đình Châm, với cương vị lãnh đạo cao nhất trong chính quyền tỉnh Hà Giang phải có trách nhiệm hiểu và làm việc theo đúng pháp luật. Việc hai ông cố tình làm trái luật đã đi ngược lại sự tiến bộ xã hội, là một tiền lệ xấu, làm cản trở tiến trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Phải chăng, do các ông đang giữ vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo tỉnh Hà Giang, nên luật pháp không đụng tới được?!

Tháng Một 27, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này

Bất chấp công luận và báo giới… Giải thể chi bộ,làm khổ người lao động?

Bất chấp công luận và báo giới… Giải thể chi bộ,

làm khổ người lao động?

Nhóm PVĐT

 

Có lẽ hiếm có một vụ việc nào xảy ra ở tỉnh miền núi Hà Giang mà báo giới lại tốn nhiều giấy mực như nỗi oan của người lao động Cty Sông Lô; và cũng hiếm có vụ nào mà chính quyền địa phương một tỉnh lại coi thường báo chí, dẫn đến việc hầu hết những bài viết đều bị rơi vào… “im lặng đáng sợ” như thế.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang coi thường… pháp luật?

Có lẽ hiếm có một vụ việc nào xảy ra ở tỉnh miền núi Hà Giang mà báo giới lại tốn nhiều giấy mực như nỗi oan của người lao động Cty Sông Lô; và cũng hiếm có vụ nào mà chính quyền địa phương một tỉnh lại coi thường báo chí, dẫn đến việc hầu hết những bài viết đều bị rơi vào… “im lặng đáng sợ” như thế.

Nguy hiểm hơn, khi doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn, không những không được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất, hay tháo gỡ bằng các ưu đãi cơ chế chính sách; mà ngược lại, còn bị người ta cố tình làm khó dễ; thậm chí còn bị “phá” bằng cách lợi dụng chức vụ và các quan hệ hành chính khác.

Ông Hoàng Minh Nhất (hiện là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang) từng tặng Bức trướng cho doanh nhân Lê Duy Hảo – Chủ tịch Hội DNT Hà Giang với nội dung: “Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang tặng. Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Giang đoàn kết, sáng tạo, phát triển đi lên, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp văn minh”.

Bất chấp báo giới và công luận

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2006 đến nay, sau khi vụ việc của Cty Sông Lô được đưa ra công luận, hầu hết các cơ quan báo chí bảo vệ pháp luật của các báo Pháp luật Việt Nam, Lao động Xã hội, Công lý, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Thương mại, Người cao tuổi, Công an nhân dân, Văn nghệ Trẻ v.v… với hàng chục bài điều tra, phản ánh, phê phán cách hành xử, giải quyết tiền hậu bất nhất và không thi hành bản án có hiệu lực của UBND tỉnh Hà Giang, với hàng trăm bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình… đã phản ánh thông tin nhiều chiều, nhằm bênh vực quyền lợi hợp pháp cho người lao động của Cty Sông Lô.

Cty Sông Lô phản bác 3 “căn cứ” mà Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Giang vận dụng để huỷ dự án. Sẽ công bố những văn bản “tiền hậu bất nhất” của UBND tỉnh Hà Giang. “Liên quan đến việc khiếu kiện của Cty Sông Lô (Hà Giang) Phó Chủ tịch tỉnh làm phó doanh nghiệp?” Tại sao Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Giang không biết việc Phó Chủ tịch Tỉnh kí Quyết định cho Cty Hoàng Bách? Tại sao Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Đình Châm lại bắt Cty Sông Lô thực hiện khi Nghị định của Chính phủ chưa có hiệu lực? Hai công văn khó hiểu “kí cùng một ngày” của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Đình Châm? Việc giải quyết khiếu nại của Công ty Sông Lô (Hà Giang) Chính phủ chỉ đạo, nhưng tỉnh đã làm thinh?…

Tuy nhiên, sau tất cả những cố gắng của báo giới, kết quả là cho đến nay, ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vẫn “phớt lờ” công luận, không chịu giải quyết quyền lợi hợp pháp cho người lao động của Cty Sông Lô và coi thường Luật Báo chí.

Giải thể Chi bộ, làm hại người lao động của Cty Sông Lô?

Hậu quả của “đại công trường” và “đại công nợ” là do cơ chế và chính sách duy ý chí của một số lãnh đạo ở Hà Giang tạo ra. Lẽ ra họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân và phải tìm mọi biện pháp để khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người lao động; đồng thời, bảo vệ cho uy tín của chính quyền địa phương trước các nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, nhiều doanh nghiệp và người lao động ở Hà Giang đã và đang tiếp tục bị dồn tới đường cùng, bởi những quan hệ hành chính bất cập và ý muốn chủ quan, vì quyền lợi cá nhân, của một số ít cán bộ có chức quyền ở địa phương.

Ngày 19-2-2007, theo chỉ đạo của “cấp trên”, Thị uỷ Hà Giang đã quyết định giải thể Chi bộ của Cty Sông Lô, với lí do: “Xét hiệu quả hoạt động của Chi bộ Cty TNHH Sông Lô trong 4 năm qua (2003 đến 2007 – PV) chưa hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong công tác lãnh đạo sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng”.

Lí do như vậy có mâu thuẫn không, khi mà trước đó Chi bộ Cty Sông Lô (hầu hết là những CCB trên dưới 30 tuổi đảng) đã nhiều năm liên tục được công nhận là “trong sạch, vững mạnh”, được nhận hàng chục Bằng khen, giấy khen? Và điều hài hước nữa: Mới trước đó 2 năm, ngày 18-8-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, (kiêm Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh Hà Giang) ông Đỗ Trọng Quý đã kí “Tờ trình về việc xét khen thưởng Danh hiệu Anh hùng lao động cho Cty TNHH Sông Lô” gửi Thường trực tỉnh uỷ Hà Giang”. Chẳng nhẽ một doanh nghiệp đã được tỉnh đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới lại có Chi bộ Đảng yếu kém như vậy ư?

Chưa hết, để vô hiệu hóa các tổ chức và đoàn thể liên quan đến Cty Sông Lô, ngày 2-11-2006 UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản số 2982/UBND-NC chỉ đạo việc Giải thể Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Giang (Hội này do Giám đốc Cty Sông Lô làm Chủ tịch); trong khi trước đó, cả lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND và UBND Hà Giang đều hết lời ca ngợi, tặng nhiều phần thưởng cho Hội Doanh nghiệp trẻ này… (xem ảnh in kèm bài).

Nếu ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang thấu hiểu đạo lí “có làm mới có hưởng”, trả cho người lao động Cty Sông Lô gần 50 tỉ đồng số nợ của UBND tỉnh đã được xác định (đó là quyền lợi hợp pháp mà lẽ ra họ phải được hưởng từ nhiều năm nay), thì chẳng những Cty này sẽ trả hết nợ ngân hàng, mà còn có khả năng phát triển mạnh sản xuất kinh doanh.

Nếu ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ban hành hàng loạt những quyết định hành chính sai trái (đã bị Tòa án bác bỏ), lấy Mỏ sắt và Chì kẽm ở Tùng Bá (do người lao động Cty Sông Lô đã đầu tư hơn 60 tỉ đồng, đến ngày thu hồi vốn và bù đắp sức lao động) để cho Cty Hoàng Bách hưởng lợi; thì Cty Sông Lô cũng đã có đủ điều kiện thu hồi vốn, phát triển sản xuất và trả hết nợ nần cho ngân hàng.

Tháng Một 25, 2010 Posted by | Hà Giang - Sông Lô kì án | Bình luận về bài viết này