Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Vụ việc tại chùa Phật Quang, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu: Bao giờ được giải quyết dứt điểm?

Hoàng Linh-Quốc Dũng

Báo Người cao tuổi số 831 ra ngày 20-11-2010 đăng bài: “Huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu: Cưỡng đoạt tài sản, xây chùa trái phép không bị xử lí”, đề cập những nội dung kiến nghị của ông Vương Tấn Việt và nhiều đạo tràng, phật tử trong cả nước về vụ việc xảy ra tại chùa Phật Quang, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó, báo NCT lại tiếp tục nhận được đơn thư của đại diện chùa Phật Quang và các đệ tử, bày tỏ ý kiến không đồng tình nội dung văn bản số 290/TB CAT (PV24) do Đại tá Lê Tôi Sủng, Phó giám đóc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kí trả lời kiến nghị của Vương Tấn Việt…

Trước đó, ông Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang) không đồng ý với văn bản trả lời số 81/CV.CAT (ngày 5-2-1010) của CA tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nên tiếp tục có đơn đề nghị làm rõ hành vi cưỡng đoạt và thu hồi số tài sản của nhóm ông: Nguyễn Ngọc Tuấn (Thích Thiện Hòa), Phạm Duy Linh (Thích Bảo Nguyên), Ngô Quang Phú (Thích Bảo Nhật), đã lấy đi để trả lại cho chùa Phật Quang. Sau nửa năm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kí văn bản số 290/TB CAT (PV24) ngày 8-11-2010, gửi ông Vương Tấn Việt. Tuy nhiên, một lần nữa ông Vương Tấn Việt và nhiều tu sĩ chùa Phật Quang không đồng ý với nội dung trả lời của Công an Bà Rịa-Vũng Tàu xác minh và trả lời tại văn bản số 290/TB CAT.

Văn bản số 290/TB CAT cho rằng: “Ngày 9-12-2009, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (pháp danh Thích Bảo Thiện), ông Ngô Quang Phú (pháp danh Thích Bảo Nhật) cùng 17 tăng ni của chùa Phật Quang đã đến trụ sở công ty TNHH văn hóa Pháp Quang tại 28 Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để gặp ông Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang). Tại đây, họ đã nói lên một số vấn đề liên quan và yêu cầu ông Vương Tấn Việt bàn giao một số tài sản, trong đó có 7,5 ha đất của chùa Phật Quang tại xã Tóc Tiên để họ xây dựng cơ sở tu riêng. Trong quá trình gặp gỡ đã có sự to tiếng giữa 2 bên, cuối cùng 2 bên thỏa thuận với nội dung: ông Vương Tấn Việt đồng ý giao một số tài sản và 7,5 ha đất tại xã Tóc Tiên cho nhóm ông Thích Bảo Nhật, Thích Bảo Thiện… Việc thỏa thuận được các bên xác định bằng 2 văn bản (1 văn bản giao đất, 1 văn bản giao tài sản). Cùng xác nhận có bà Hoàng Thị Hồng Anh (pháp danh Liễu Ngộ) là thủ quỹ của chùa Phật Quang.

Ngày 11-12-2009, các tu sĩ Thích Bảo Nhật, Thích Bảo Thiện đã tổ chức vận chuyển một số tài sản của chùa Phật Quang về xã Tóc Tiên, trong đó có 1 két sắt do bà Hoàng Thị Hồng Anh giữ chìa khóa. Số tài sản trong két đã được kiểm tra và lập biên bản kiểm kê ngày 17-12-2009, có sự chứng kiến của các tu sĩ Thích Nữ Liễu Tuệ (tên khai sinh Nguyễn Thị Lan) và Thích Thái Dĩnh (tên khai sinh là Lê Quang Hoàng) đại diện cho ông Vương Tấn Việt …

Xem xét sự việc diễn ra ngày 9-12-2009 tại Công ty TNHH văn hóa Pháp Quang cho thấy: Sự việc diễn ra vào buổi sáng, có sự chứng kiến của nhiều người, của cả hai bên, mặc dù có sự to tiếng, song không có hành vi sử dụng bạo lực, đe dọa trực tiếp tính mạng của ông. Các văn bản bàn giao tài sản do ông Đặng Hoàng Anh soạn thảo để ông Vương Tấn Việt duyệt và kí… Do vậy, không có cơ sở cho rằng tu sĩ Thích Bảo Nhật và một số tăng ni có hành vi cưỡng bức ông Vương Tấn Việt để cướp tài sản của chùa Phật Quang”…(hết phần trích).

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó phòng Nội vụ huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu

Tuy nhiên, các nhân chứng là tu sĩ chùa Phật Quang, những người chứng kiến sự việc xảy ra tại Công ty TNHH văn hóa Pháp Quang và chùa Phật Quang đều xác nhận, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ông Ngô Quang Phú và một số tăng – ni khác đến gây hấn, cưỡng ép ông Vương Tấn Việt kí Giấy cam kết giao đất (lúc 9h 15 ngày 19-12-2009), biên bản kiểm kê tại chùa… là các văn bản được lập sẵn chứ không như kết luận tại văn bản số 290/TB.CAT. Hơn nữa, các văn bản này không được kí kết trước cơ quan chứng thực như phòng công chứng, văn phòng luật sư, UBND xã phường… nên cũng không có giá trị pháp lí. Và, ông Vương Tấn Việt tự nguyện bàn giao 7,5 ha đất tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành thì tại sao nhóm Nguyễn Ngọc Tuấn, Phạm Duy Linh, Ngô Quang Phú phải tạm giữ số tiền, vàng, ngoại tệ để khi nào ông Vương Tấn Việt làm thủ tục bàn giao tại chính quyền xong mới trả lại? Toàn bộ sự việc diễn ra thể hiện nhóm Nguyễn Ngọc Tuấn, Phạm Duy Linh, Ngô Quang Phú… đã có sự chuẩn bị rất công phu, như: triệu tập họp toàn bộ tăng-ni khi ông Vương Tấn Việt đi vắng, tổ chức các tăng-ni đến trụ sở Công ty TNHH văn hoá Pháp Quang trấn áp, soạn thảo sẵn các văn bản ép ông Vương Tấn Việt kí, vận chuyển nhiều tài sản của chùa Phật Quang đi nơi khác mà chủ sở hữu các tài sản, giấy tờ sử dụng đất là ông Vương Tấn Việt không cho phép.

Các tăng ni tố cáo nhóm Bảo Thiện, Bảo Nhật… đe dọa ông Vương Tấn Việt, đập vỡ cửa kính ở Công ty Pháp Quang tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Như vậy, phải khẳng định các hành vi của nhóm Nguyễn Ngọc Tuấn, Phạm Duy Linh, Ngô Quang Phú là vi phạm pháp luật, đủ cơ sở để xem xét, khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 và tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Thế nhưng, trong quá trình giải quyết vụ việc, CA tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không xác minh làm rõ các tình tiết nêu trên, cũng như chưa làm rõ trạng thái tinh thần của ông Vương Tấn Việt tại thời điểm kí các văn bản, dẫn đến dân sự hoá vụ án hình sự là điều khó chấp nhận.

Trước đó, nhằm khẳng định tính minh bạch trong việc quản lí và sử dụng tài sản, tiền bạc do các phật tử cúng dường cho chùa Phật Quang, ngày 24-5-2008, tại Văn phòng Luật sư tư vấn Nhựt Tân, ông Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang) đã lập tờ di chúc có đầy đủ các nội dung về tài sản, người kế vị trụ trì … của chùa Phật Quang. Bản di chúc này được lập trước thời điểm vụ việc xảy ra, nội dung của bản di chúc cũng thể hiện sự vô tư trong chi tiêu, quản lí và sở hữu những tài sản của chùa Phật Quang. Theo đó, toàn bộ tài sản (bất động sản, động sản và quyền sở hữu trí tuệ về sách báo, băng đĩa, văn hóa phẩm…) dù người đứng tên sở hữu là bất cứ ai thì cũng đều là tài sản chung của hệ thống chùa Phật Quang; các tài sản đó mãi mãi chỉ được sử dụng cho hệ thống chùa Phật Quang và đạo pháp mà thôi. Các tài sản này tuyệt đối không thể trở thành di sản thừa kế…

Trở lại những nội dung mà ông Vương Tấn Việt kiến nghị, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc nhóm Phạm Duy Linh, Ngô Quang Phú, Nguyễn Ngọc Tuấn xây dựng nhà trên mảnh đất mang tên ông Vương Tấn Việt là sai trái, nên tỉnh đã chỉ đạo xử lí việc này. Ngày 6-5-2010, UBND huyện Tân Thành đã ra Quyết định (số 2254/QĐ-XPHC). Theo Quyết định này, ngoài việc bị phạt 8.500.000 đồng (tám triệu năm trăm nghìn đồng) thì nhóm ông Ngô Quang Phú phải ngưng ngay hành vi vi phạm và tiến hành tháo dỡ toàn bộ diện tích xây dựng (khu đất khoảng 8 ha mang tên ông Vương Tấn Việt) nằm trong khu quy hoạch cụm công nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Nếu ông Ngô Quang Phú không thực hiện theo quyết định của UBND huyện thì sẽ bị cưỡng chế buộc tháo dỡ. Tuy nhiên, đã hơn 7 tháng trôi qua, Quyết định số 2254/QĐ-XPHC của UBND huyện Tân Thành vẫn chưa được thực hiện.

Trong khi đó, ông Lê Tôi Sủng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vẫn khẳng định: Sự việc diễn ra tại chùa Phật Quang chỉ là tranh chấp tài sản giữa một số tu sĩ trong chùa Phật Quang, xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ, không đủ dấu hiệu của tội cướp, cưỡng đoạt tài sản. Đề nghị ông Vương Tấn Việt và các tu sĩ Thích Bảo Nhật, Thích Bảo Thiện và một số tăng ni gặp gỡ để giải quyết có lí, có tình, nếu không thống nhất được có thể kiện ra Tòa án Dân sự để giải quyết. Quan điểm này của Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không nhận được sự đồng tình của ông Vương Tấn Việt và nhiều tu sĩ chùa Phật Quang như: Hoàng Thị Hồng Anh (pháp danh Liễu Ngộ), Nguyễn Thị Lan (pháp danh Liễu Tuệ), Ngô Thanh Sơn (pháp danh Nghiêm Tịnh), Lê Quang Hoàng (pháp danh Thích Thái Dĩnh), Lê Đinh Kim Nhi (pháp danh Thích nữ Tâm An)… Đặc biệt, tu sĩ Nguyễn Huy Tiến (pháp danh Khải Thông) là một trong số người quay lại chùa Phật Quang (núi Dinh, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) sau gần 1 năm theo nhóm Ngô Quang Phú, Phạm Duy Linh về xã Tóc Tiên và là người nắm rõ vụ việc cũng bày tỏ không đồng tình cách giải quyết của CA tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Vậy, một lần nữa nhằm sớm làm sáng tỏ vụ việc cũng như thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND huyện Tân Thành làm sáng rõ hơn nội dung vụ việc và trước mắt cần triển khai thực hiện ngay Quyết định số 2254/QĐ-XPHC (ngày 6-5-2010) do Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tín kí.

Tháng Mười Hai 30, 2010 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

VKSND và CA thị xã Sơn Tây: Bất lực hay bao che cho đối tượng phạm pháp?

Hoàng Linh

Vụ việc được 2 cấp tòa: TAND tỉnh Hà Tây (cũ) và TAND tối cao xét xử công minh, buộc bà Trần Thị Ngấn phải trả lại con dấu cho Cty CP Việt Thái, do ông Đỗ Ngọc Khuê đại diện theo pháp luật. Bà Ngấn không chấp hành bản án, cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội hai lần gửi văn bản yêu cầu Công an (CA) và VKSND thị xã Sơn Tây truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Ngấn về hành vi không chấp hành án. Thế nhưng hơn một năm trôi qua, vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, đã hé lộ sự chối bỏ trách nhiệm của hai cơ quan tố tụng thị xã Sơn Tây…

Công ty CP Việt Thái, trụ sở tại Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, được thành lập ngày 8-4-2002, cổ đông gồm 7 người. Hội đồng thành viên sáng lập bầu ông Đỗ Ngọc Khuê làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Cty.

Năm 2005, ông Khuê đề xuất xin thôi giám đốc, đề nghị HĐQT bổ nhiệm giám đốc mới để điều hành và đại diện theo pháp luật. Ngày 27-8-2005, HĐQT họp bàn về việc này, nhưng chưa ra quyết định. Tuy nhiên, ngày 1-9-2005, bốn thành viên trong HĐQT tự ý bầu bà Trần Thị Ngấn làm giám đốc. Trong thời gian chờ HĐQT có quyết định chính thức, ông Khuê bàn giao con dấu Cty cho bà Ngấn để bà Ngấn tạm thời thay ông Khuê điều hành. Trong điều hành Cty, bà Ngấn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Cty, làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường, gây thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông, nên ông Khuê nhiều lần yêu cầu bà Ngấn giao lại con dấu, nhưng bà Ngấn không chấp hành.
Ngày 5-11-2007, ông Khuê đã có đơn khởi kiện. Ngày 10-7-2008, TAND tỉnh Hà Tây (cũ) đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác định ông Đỗ Ngọc Khuê là người đại diện theo pháp luật của Cty CP Việt Thái, với chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, có trách nhiệm quản lí, sử dụng con dấu của Cty theo quy định của pháp luật. Bà Ngấn kháng cáo. Ngày 20-10-2008, TAND tối cao xử phúc thẩm, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, đồng thời giải thích thêm: “Bà Trần Thị Ngấn hiện đang giữ con dấu của Cty CP Việt Thái, phải trả lại cho Cty do ông Đỗ Ngọc Khuê là người đại diện theo pháp luật nhận”. Mặc dù bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bà Ngấn vẫn chống đối, không thực hiện việc trao trả lại con dấu cho Cty.

Ngày 27-7-2009, Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội tiến hành cưỡng chế thi hành án, nhưng bà Ngấn cố tình vắng mặt, khám xét tại Cty không tìm thấy con dấu. Hành vi của bà Ngấn đủ yếu tố cấu thành tội “Không chấp hành án”, được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Do đó, cơ quan thi hành án đã 2 lần gửi công văn yêu cầu VKSND và CA thị xã Sơn Tây truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Ngấn về tội danh nói trên. Gần một năm sau, ngày 18-7-2010, CA thị xã Sơn Tây mới có quyết định khởi tố vụ án hình sự số 112, đối với bà Ngấn về tội không chấp hành án. Song, sau gần 2 tháng thụ lí vụ án, ngày 15-9-2010, CA và VKSND thị xã Sơn Tây lại có công văn số 773/CV-LT, gửi CA và VKSND TP Hà Nội, đề nghị rút vụ án này lên “cấp trên” giải quyết. Lí do mà CA và VKSND thị xã Sơn Tây đưa ra là: “Các đối tượng có liên quan trong việc thi hành án đều không thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây, có đối tượng không rõ địa chỉ, không có thái độ chấp hành pháp luật, chống đối nên việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn”.

Việc chậm trễ khởi tố vụ án của CA thị xã Sơn Tây đã vi phạm Khoản 2 Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được…, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”. Hơn nữa, CA và VKSND thị xã Sơn Tây nêu các lí do để đề nghị rút vụ án lên cấp trên rõ ràng là sự trốn tránh trách nhiệm. Bởi lẽ, vụ việc xảy ra trên địa bàn thị xã Sơn Tây, trụ sở Cty cũng nằm trên địa bàn này thì thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc CA và VKSND thị xã Sơn Tây chứ không phụ thuộc vào hộ khẩu. Mặt khác, các cơ quan này đã không thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự gồm: “…bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”, là chưa làm hết trách nhiệm.

Do vụ án không được giải quyết trong thời gian dài, dẫn tới hoạt động của Cty CP Việt Thái bị đình trệ, cơ sở vật chất xuống cấp, thiệt hại đến nay lên tới hàng tỉ đồng. Vụ án rõ ràng như vậy, sao các cơ quan tiến hành tố tụng của thị xã Sơn Tây không làm nổi? Phải chăng do yếu kém năng lực hay vì “mắc cỡ” nên mới bất lực, hay có ý bao che cho đối tượng phạm pháp ?

Tháng Mười Hai 20, 2010 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này