Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

CCB Nguyễn Quốc Toản: Như hạt mưa trong tưới mát cho đời

Hoàng Linh

Nhà thơ, Thượng tá CCB Nguyễn Quốc Toản hiện sống tại khu dân cư Hậu Thái, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Từ khi về hưu, ông chưa một ngày cho phép mình được ngơi nghỉ, ông lại lao vào công việc vì những người dân quê mình, tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với vai trò Trưởng khu phố, kiêm Phó Bí thư Chi bộ. Bạn bè không ít người khuyên can ông, hành xác làm gì nữa, bao nhiêu năm phiêu dạt, giờ thì nghỉ ngơi thôi. Ấy là bạn bè thương ông, nhưng lại không hiểu được ông, máu chiến sĩ vẫn cháy rừng rực trong tim, thấy việc nước, việc dân là không sao ngồi yên được, chứ có phải đâu vì tiền, lương hưu Thượng tá ăn đâu có hết.

Mới chân ướt chân ráo về khu phố, đã có người tìm đến nhờ rồi. Chị Nguyễn Thị Ly trong khu phố tìm đến hỏi: “Bác ơi em hỏi khí không phải, bây giờ em muốn sửa lại cái bếp thì có phải xin phép không? Cái bếp nhà em ở sát gần cây cột điện của Nhà nước ạ”. Nghe thấy câu hỏi mà choáng, bao nhiêu năm nay ông có làm việc ấy đâu, thế là đành khất đến chiều sẽ trả lời. Chị Ly đi rồi, ông vội vàng lên mạng xem quy chế quy phạm, chạy ra cửa hàng mua sách luật về đọc, gọi điện hỏi bạn bè xem chuyện này là thế nào. Khổ thế, họ cứ nghĩ ông là Thượng tá thì cái gì mà chẳng biết.

Việc khu phố nhiều như lông lươn, mấy trăm gia đình thì ngày nào chả có việc gì đấy. Làm cán bộ cơ sở lại được bà con quý thì suốt ngày đi đám, đám cưới, đám ma, đám tân gia, thôi thì đủ cả. Có những lúc tiền lương hưu không đủ chi, biết làm sao được, cuộc sống ở khu dân cư là thế. Phong trào thi đua yêu nước, nói thế thôi nhưng chủ trì khó lắm. Là người đảm nhiệm chức Trưởng khu, ông được mọi người coi như nhân vật chủ chốt, công to việc lớn trong khu dân cư đều phải có ý kiến tham bàn. Để vận động nhân dân hưởng ứng một việc gì đó không phải là dễ, ví dụ như vận động bà con phòng chống ma túy, mại dâm thì phải biết rõ số con nghiện trong khu để mà đi đến từng nhà thuyết phục. Tâm lí chung, chẳng gia đình nào muốn công khai việc con cái họ mắc vào tệ nạn, nên để nắm chắc tình hình là cả một kì công.

Quốc Toản là người yêu quê hương lắm, ông tự hào về miền đất Xứ Đoài mây trắng, nơi ông sinh ra và trưởng thành. Cổ vũ cho quê hương, làm cho mọi người yêu quê hương hơn, từ đó mà động viên họ, vận động họ có trách nhiệm hơn với nơi chôn nhau cắt rốn, đó mới là sự quan tâm đặc biệt của ông. Một trong những thú vui, hay nói một cách khác chính là sự đam mê của ông là đi lang thang trên những con đường quen, để cảm nhận một cái gì đó mới mẻ hơn mỗi ngày. Quốc Toản đã viết một bài thơ sau những ngày lang thang với tựa đề “Những con phố tôi qua” như thế này: “Mấy chục năm đi xa/Bâng khuâng chiều quê mẹ/Phố xưa tôi không lạ/Gương mặt quen nhập nhòa/Con đường vòng quanh hồ/Nhấp nhô quầy vé số/Sót vào cây bàng già/Chợ Nghệ thưa người qua/Đâu rồi cổng thành xưa/Quên dần tên phố cũ/Rạp hát không còn nữa/Ngẩn ngơ hoài tuổi thơ…”.

Trở về với quê nhà làm công tác phong trào, ông mới có thời gian khám phá con người cũng như quang cảnh thị xã Sơn Tây. Đeo chiếc máy ảnh tòng teng trên vai, một cuốn sổ tay, cây bút, ông ghi lại bằng hình ảnh, bằng văn xuôi, bằng thơ những gì gây xúc động trong tim, nhất là những số phận con người để vận động bà con cô bác xa gần giúp đỡ họ. Năm 2009, ông làm một tờ rơi bằng chính tiền của mình với chủ đề “Cần lắm những tấm lòng”. Ông chụp ảnh và chú thích những số phận người bất hạnh ở Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Sơn Tây. Những bức ảnh của ông được chụp chân thành mà góc cạnh, tràn đầy tính nhân văn, khiến người xem cảm động, và từ đó đã khơi dậy tinh thần nhân hậu, đùm bọc nhau trong cuộc sống sẽ tốt hơn. Trong đợt lũ lụt ở miền Trung, Quốc Toản đã sưu tầm những bức ảnh gây xúc động nhất làm tờ rơi “Thương lắm miền trung”, để tuyên truyền, vận động bà con chia sẻ với đồng bào bị nạn. Để phục vụ tuyên truyền phòng chống HIV và động viên những người không may bị phơi nhiễm, ông đã sáng tác vở kịch “Dưới tán bàng xanh” cho đội kịch xung kích dàn dựng và biểu diễn. Những khiến thức cơ bản về căn bệnh nan y được giải thích theo góc độ nghệ thuật dễ hiểu, khiến mọi người không còn nghê sợ những người chẳng may mắc phải, họ chưa hẳn đã hết hi vọng với cuộc sống, vẫn có quyền hướng tới tương lai của chính mình…

Sơn Tây là một trong những địa phương có phong trào thi đua yêu nước mạnh, nhiều mô hình hay như phong trào “Ông bà vận động con cháu sinh đẻ có kế hoạch”, “Người công giáo sinh đẻ có trách nhiệm”… được nhân ra diện rộng, có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ, CCB Nguyễn Quốc Toản, như những hạt mưa trong trẻo giúp cho đời thêm tươi mát.

Tháng Năm 5, 2011 - Posted by | Xã hội

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này