Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Mít tinh kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Ngày NCT Việt Nam (6-6-1941 * 6-6-2011): Cả nước thắp sáng hào khí Diên Hồng

Lễ kỉ niệm được tổ chức trang trọng tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội đúng vào sáng 6-6-2010, tròn 70 năm ngày Bác Hồ kính yêu viết Lời “kính cáo đồng bào” hiệu triệu đoàn kết toàn dân tộc. Những đại biểu về dự biểu lộ sự xúc động, tự hào xen lẫn băn khoăn về tổ chức Hội, về những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với NCT… Tất cả vì mục tiêu chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT trong tình hình đất nước nhiều biến động, đứng trước cơ hội phát triển lớn mạnh, nhưng cũng gặp không ít thách thức về phát triển kinh tế và toàn vẹn lãnh thổ. Một lần nữa, hào khí Diên Hồng lại được thắp sáng, lớp lớp NCT Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, nguyện cùng cháu con bảo vệ giang sơn gấm vóc và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp…

Lễ kỉ niệm do Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Hội NCT Việt Nam tổ chức. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư TW Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội NCT Việt Nam; đại diện các Ban, ngành, đoàn thể TW cùng hàng trăm NCT tiêu biểu Thủ đô tới dự. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn khai mạc do Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam Cù Thị Hậu đọc, nêu rõ ý nghĩa to lớn về sự hình thành Ngày truyền thống NCT Việt Nam, sự ra đời của Ngày NCT Việt Nam. Bảy mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, NCT Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trước vận mệnh đất nước, góp phần làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến. Trong thời kì đổi mới, NCT tiếp tục phát huy trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước; tiếp tục hiến kế, hiến công thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng”, tích cực hoạt động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Những cống hiến to lớn của lớp lớp NCT Việt Nam tạo nên bề dày truyền thống vẻ vang, gắn liền với tiến trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta luôn coi trọng NCT, nhận định: “NCT Việt Nam là lớp người có vai trò, vị trí quan trọng đối với mọi gia đình và xã hội, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.

Hội NCT Việt Nam sau 16 năm thành lập đã phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, với 7.370.934 hội viên / 8.152.086 NCT cả nước. Hơn 11.000 xã, phường, thị trấn thành lập Hội NCT cơ sở, với 207.731 chi hội, tổ hội trong các thôn, bản, buôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố. Đến tháng 4 – 2011, có 9 tỉnh thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hội NCT Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, hoạt động trên phạm vi cả nước, nhiều nơi đã chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động từ Ban Đại diện thành Ban Chấp hành NCT tỉnh, huyện. Hội NCT Việt Nam khẳng định được ba mặt hoạt động, đó là: chăm sóc, phát huy vai trò NCT; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; giải quyết tốt mối quan hệ giữa chăm sóc và phát huy vai trò NCT; đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao – Gương sáng” thông qua các hoạt động thiết thực: khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; xóa nhà tạm cho NCT; mỗi người trồng một cây, tham gia trồng và chăm sóc một hàng cây, một đồi cây, một rừng cây; phòng chống tội phạm, tham nhũng, tệ nạn xã hội, bảo vệ biên cương của Tổ quốc… Lớp NCT hôm nay còn là nhân chứng lịch sử, là những người từng kinh qua lịch sử cách mạng hào hùng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đang tiếp tục góp phần lo cho vận mệnh đất nước, cho tương lai hạnh phúc của con cháu mai sau, là nguồn nội sinh vô cùng quý giá trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc…

Băn khoăn trước một số bất cập trong việc điều hành, triển khai các hoạt động của Hội NCT, khi Hội NCT nhiều nơi vẫn chỉ là 2 cấp, đại biểu Nguyễn Khắc Giao, Chủ tịch Hội NCT xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội đại diện cho tiếng nói của tổ chức Hội trong toàn quốc cho rằng, với tổ chức 2 cấp như hiện nay, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của NCT; mong rằng, Hội NCT sớm được 4 cấp, đồng thời đề nghị Nhà nước chỉ đạo các cấp, các ngành sớm triển khai chính sách đối với NCT theo Luật NCT và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kế thừa truyền thống “kính lão đắc thọ”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta xác định chăm sóc và phát huy vai trò NCT luôn là một chính sách quan trọng. Chủ trương, chính sách về NCT ngày càng cụ thể và tốt hơn. Luật NCT là công cụ pháp lí cao để bảo đảm chăm sóc, phát huy tiềm năng, tri thức, kinh nghiệm của NCT trong sự nghiệp phát triển nước nhà, ổn định xã hội và duy trì gia đình truyền thống Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm tới số NCT ở nước ta sẽ tăng nhanh, càng trở nên lực lượng lớn, quan trọng của xã hội. Cùng sự đi lên của đất nước, các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cần tiếp tục chủ động nghiên cứu và kiến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp; tích cực thiết thực hơn nữa trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT”, trong đó đặc biệt lưu ý yếu tố “phát huy vai trò”. NCT là nguồn tri thức và kinh nghiệm quý báu cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước… Phó Thủ tướng tỏ ý tin tưởng vào ý chí của lớp NCT, sẽ phát huy tốt hơn nữa giá trị, tiềm năng; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của NCT trong các tổ chức đoàn thể: MTTQ, Hội CCB, Hội Khuyến học…

Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của NCT cả nước và các cấp Hội NCT Việt Nam trong việc thực hiện các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, nhất là phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. NCT góp phần quan trọng trong việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đề nghị NCT và các cấp Hội NCT Việt Nam tiếp tục góp phần thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thay mặt cho hơn 8 triệu NCT cả nước, Chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đã tạo mọi điều kiện để NCT được chăm sóc và phát huy tốt nhất giá trị, thiết thực góp phần để NCT được sống vui, sống khỏe, sống hữu ích cùng con cháu và xã hội.

Lễ kỉ niệm thành công tốt đẹp, các đại biểu ra về trong sự hân hoan, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT Việt Nam, để các cụ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng đât nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Linh (Thực hiện)

Tháng Sáu 18, 2011 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

CCB Nguyễn Quốc Toản: Như hạt mưa trong tưới mát cho đời

Hoàng Linh

Nhà thơ, Thượng tá CCB Nguyễn Quốc Toản hiện sống tại khu dân cư Hậu Thái, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Từ khi về hưu, ông chưa một ngày cho phép mình được ngơi nghỉ, ông lại lao vào công việc vì những người dân quê mình, tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với vai trò Trưởng khu phố, kiêm Phó Bí thư Chi bộ. Bạn bè không ít người khuyên can ông, hành xác làm gì nữa, bao nhiêu năm phiêu dạt, giờ thì nghỉ ngơi thôi. Ấy là bạn bè thương ông, nhưng lại không hiểu được ông, máu chiến sĩ vẫn cháy rừng rực trong tim, thấy việc nước, việc dân là không sao ngồi yên được, chứ có phải đâu vì tiền, lương hưu Thượng tá ăn đâu có hết.

Mới chân ướt chân ráo về khu phố, đã có người tìm đến nhờ rồi. Chị Nguyễn Thị Ly trong khu phố tìm đến hỏi: “Bác ơi em hỏi khí không phải, bây giờ em muốn sửa lại cái bếp thì có phải xin phép không? Cái bếp nhà em ở sát gần cây cột điện của Nhà nước ạ”. Nghe thấy câu hỏi mà choáng, bao nhiêu năm nay ông có làm việc ấy đâu, thế là đành khất đến chiều sẽ trả lời. Chị Ly đi rồi, ông vội vàng lên mạng xem quy chế quy phạm, chạy ra cửa hàng mua sách luật về đọc, gọi điện hỏi bạn bè xem chuyện này là thế nào. Khổ thế, họ cứ nghĩ ông là Thượng tá thì cái gì mà chẳng biết.

Việc khu phố nhiều như lông lươn, mấy trăm gia đình thì ngày nào chả có việc gì đấy. Làm cán bộ cơ sở lại được bà con quý thì suốt ngày đi đám, đám cưới, đám ma, đám tân gia, thôi thì đủ cả. Có những lúc tiền lương hưu không đủ chi, biết làm sao được, cuộc sống ở khu dân cư là thế. Phong trào thi đua yêu nước, nói thế thôi nhưng chủ trì khó lắm. Là người đảm nhiệm chức Trưởng khu, ông được mọi người coi như nhân vật chủ chốt, công to việc lớn trong khu dân cư đều phải có ý kiến tham bàn. Để vận động nhân dân hưởng ứng một việc gì đó không phải là dễ, ví dụ như vận động bà con phòng chống ma túy, mại dâm thì phải biết rõ số con nghiện trong khu để mà đi đến từng nhà thuyết phục. Tâm lí chung, chẳng gia đình nào muốn công khai việc con cái họ mắc vào tệ nạn, nên để nắm chắc tình hình là cả một kì công.

Quốc Toản là người yêu quê hương lắm, ông tự hào về miền đất Xứ Đoài mây trắng, nơi ông sinh ra và trưởng thành. Cổ vũ cho quê hương, làm cho mọi người yêu quê hương hơn, từ đó mà động viên họ, vận động họ có trách nhiệm hơn với nơi chôn nhau cắt rốn, đó mới là sự quan tâm đặc biệt của ông. Một trong những thú vui, hay nói một cách khác chính là sự đam mê của ông là đi lang thang trên những con đường quen, để cảm nhận một cái gì đó mới mẻ hơn mỗi ngày. Quốc Toản đã viết một bài thơ sau những ngày lang thang với tựa đề “Những con phố tôi qua” như thế này: “Mấy chục năm đi xa/Bâng khuâng chiều quê mẹ/Phố xưa tôi không lạ/Gương mặt quen nhập nhòa/Con đường vòng quanh hồ/Nhấp nhô quầy vé số/Sót vào cây bàng già/Chợ Nghệ thưa người qua/Đâu rồi cổng thành xưa/Quên dần tên phố cũ/Rạp hát không còn nữa/Ngẩn ngơ hoài tuổi thơ…”.

Trở về với quê nhà làm công tác phong trào, ông mới có thời gian khám phá con người cũng như quang cảnh thị xã Sơn Tây. Đeo chiếc máy ảnh tòng teng trên vai, một cuốn sổ tay, cây bút, ông ghi lại bằng hình ảnh, bằng văn xuôi, bằng thơ những gì gây xúc động trong tim, nhất là những số phận con người để vận động bà con cô bác xa gần giúp đỡ họ. Năm 2009, ông làm một tờ rơi bằng chính tiền của mình với chủ đề “Cần lắm những tấm lòng”. Ông chụp ảnh và chú thích những số phận người bất hạnh ở Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Sơn Tây. Những bức ảnh của ông được chụp chân thành mà góc cạnh, tràn đầy tính nhân văn, khiến người xem cảm động, và từ đó đã khơi dậy tinh thần nhân hậu, đùm bọc nhau trong cuộc sống sẽ tốt hơn. Trong đợt lũ lụt ở miền Trung, Quốc Toản đã sưu tầm những bức ảnh gây xúc động nhất làm tờ rơi “Thương lắm miền trung”, để tuyên truyền, vận động bà con chia sẻ với đồng bào bị nạn. Để phục vụ tuyên truyền phòng chống HIV và động viên những người không may bị phơi nhiễm, ông đã sáng tác vở kịch “Dưới tán bàng xanh” cho đội kịch xung kích dàn dựng và biểu diễn. Những khiến thức cơ bản về căn bệnh nan y được giải thích theo góc độ nghệ thuật dễ hiểu, khiến mọi người không còn nghê sợ những người chẳng may mắc phải, họ chưa hẳn đã hết hi vọng với cuộc sống, vẫn có quyền hướng tới tương lai của chính mình…

Sơn Tây là một trong những địa phương có phong trào thi đua yêu nước mạnh, nhiều mô hình hay như phong trào “Ông bà vận động con cháu sinh đẻ có kế hoạch”, “Người công giáo sinh đẻ có trách nhiệm”… được nhân ra diện rộng, có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ, CCB Nguyễn Quốc Toản, như những hạt mưa trong trẻo giúp cho đời thêm tươi mát.

Tháng Năm 5, 2011 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2): Gia tộc lương y có nhiều thầy thuốc ưu tú

Hoàng Linh

Một gia đình nhiều thế hệ là danh y nơi đất tổ Hùng Vương, sinh ra những thầy thuốc có nhiều cống hiến cho ngành Đông y quân đội, cho sự lớn mạnh của ngành y học cổ truyền nước nhà. Một trong những người sáng lập Viện Y học cổ truyền quân đội là cố thầy thuốc ưu tú Trần Ngọc Chấn. Hai người con trai của cụ, Tiến sĩ y học – Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Bình và Đại tá- Bác sĩ chuyên khoa II Trần Lập Công vẫn đang kế tục sự nghiệp của người cha đáng kính. Họ cũng như cha, đều vinh dự được nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” và đều nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông…

Bác sĩ Trần Quốc Bình tiếp tôi trong gian phòng khách mộc mạc của Giám đốc Viện Y học cổ truyền Trung ương. Ông không nói nhiều về bản thân, mà say sưa nói về truyền thống danh y của dòng họ. Gia tộc Trần của ông sinh sống nhiều đời ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, có mười mấy đời làm lương y. Ông không nhớ hết tên các cụ, vì gia phả nhà ông dày lắm, chỉ biết khi ông sinh ra đã thấy có cụ nội là Trần Ngọc Báo, làm thuốc từ thời Pháp thuộc. Ông nội ông, cụ Trần Ngọc Đức cũng theo nghề y. Cụ Đức đi theo cách mạng từ năm 1945, từng giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Lâm Thao. Cụ đã giúp Bệnh viện đa khoa Phú Thọ xây dựng khoa y học cổ truyền, từng làm cố vấn cho khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Bệnh viện 108) một thời gian.

Cha ông, lương y Trần Ngọc Chấn học nghề Đông y từ nhỏ. Cách mạng tháng Tám thành công, cụ tham gia Mặt trận Việt Minh tại quê nhà và được kết nạp vào Đảng năm 1948, rồi tham gia quân đội, công tác trong ngành quân y tại nhiều cơ quan, đơn vị. Cụ là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Đông y, Bệnh viện 108. Năm 1978, cụ là một trong những sáng lập viên của Viện Y học cổ truyền quân đội, giữ cương vị Phó Viện trưởng. Cụ nghỉ hưu ở tuổi 75. Suốt thời gian cống hiến cho ngành y học cổ truyền, cụ luôn chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, đã có 22 đề tài được đăng trong Kỉ yếu công trình của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng năm 1981. Trong đó, nhiều đề tài được Viện Y học cổ truyền dân tộc quân đội và Bệnh viện 108 ứng dụng có hiệu quả, được đánh giá cao. Cụ là tác giả của 3 cuốn sách quý: “Điểm huyệt xoa bóp”, “Sổ tay cấp cứu Đông y”, “Chữa bệnh cấp tính và cấp cứu thông thường bằng thuốc Nam”. Cụ còn tham gia huấn luyện nhiều lớp chuyên khoa y học cổ truyền, dìu dắt nhiều lớp bác sĩ của Viện Y học cổ truyền quân đội. Do những đóng góp lớn lao đó, cụ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” từ những năm 80 của thế kỉ trước.

Đáng lẽ ra, Trần Quốc Bình không phải tham gia quân đội, vì cha ông rồi các anh chị ông đều là bộ đội. Nhưng với khí thế của những ngày lịch sử mùa Xuân năm 1975, ông đã xung phong vào quân ngũ. Và như sắp đặt của số phận, con đường y nghiệp của ông lại gắn với đường binh nghiệp. Trong khi huấn luyện ở Tỉnh đội Phú Thọ, chỉ chờ lên đường chiến đấu, thì cũng là lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông được điều động về Sư đoàn 371 không quân. Tại đây, ông được tạo điều kiện cho đi thi đại học. Với truyền thống gia đình, lại được học làm thuốc từ nhỏ, ông đã chọn ngành y và đỗ ngay Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Sau 6 năm miệt mài đèn sách, Trần Quốc Bình được điều động về công tác tại Viện Y học cổ truyền quân đội. Đường y nghiệp với ông từ đây rộng mở. Năm 1994, ông được cử đi học Thạc sĩ tại Đại học Trung y dược Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 2004, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Năm 1999, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc chuyên môn, Viện Y học cổ truyền quân đội. Tháng 6-2008, Đại tá Trần Quốc Bình được điều động ra làm Phó Giám đốc Viện Y học cổ truyền Trung ương (Bộ y tế), hiện đang giữ chức Giám đốc, kiêm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện. Ngoài những cương vị trên, ông còn tham gia nhiều hoạt động, phục vụ sự phát triển ngành y học cổ truyền của đất nước: Giám đốc Trung tâm hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới về YHCT; Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện; Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Y tế; Phó Chủ nhiệm khoa YHCT, Đại học Y Hà Nội.

Cũng trưởng thành từ quân đội, Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Lập Công có vất vả hơn trên đường y nghiệp. Ra trường trước người em, bác sĩ Công được điều động về làm Chủ nhiệm quân y của đơn vị tên lửa E 277, F 361. Sau đó thuyên chuyển về Bệnh viện Phòng không. Năm 1982, Quân chủng Phòng không cử ông đi học lớp bác sĩ chuyên khoa Đông y, tại Bệnh viện Đông y Trung ương, rồi về công tác tại khoa Đông y, Bệnh viện Phòng không. Khi hai đơn vị Phòng không và Không quân sáp nhập, ông Công chuyển công tác về Viện y học cổ truyền quân đội, giữ cương vị Phó chủ nhiệm A2. Năm 2001, ông được điều động phụ trách khoa Điều trị cán bộ cao cấp (nay là khoa Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương). Trong quá trình công tác, ông vẫn say mê nghiên cứu khoa học, với 2 đề tài cấp cơ sở và 3 đề tài cấp Bộ. Hiện ông mang hàm Đại tá. Ông Bình cho biết, ông Công cũng đang làm luận án Tiến sĩ, sẽ bảo vệ vào thời gian tới.

Cả hai người con của lương y Trần Ngọc Chấn đều được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Ba cha con, ba thầy thuốc ưu tú đều phấn đấu và rèn luyện theo phương châm: “Sáng về y đức, sâu về y lí, giỏi về y thuật”. Riêng hai anh em lương y: Trần Lập Công và Trần Quốc Bình vừa được Bộ Y tế trao tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của Cụ.

Tháng Ba 1, 2011 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

CHÚC MỪNG ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐƯỢC BẦU LÀM TỔNG BÍ THƯ

Trần Nhương

Ông sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại Gia Lâm, Hà Nội.

Năm 1963, ông học Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1965 đến năm 1967, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái – nay là Thái Nguyên). Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương.

Năm 1967, ông trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông công tác tại tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng và chuyên chính nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (cùng với báo Nhân DânQuân Đội Nhân Dân).

Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô).

Tháng 8 năm 1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10 năm 1983), Trưởng ban (tháng 9 năm 1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3 năm 1989), Phó tổng biên tập (tháng 5 năm 1990) rồi Tổng biên tập tạp chí Cộng sản (tháng 8 năm 1991).

Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.

Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội, ông cùng với 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.

Tháng 8 năm 1996, ông làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học[1], phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy.

Tháng 2 năm 1998, ông phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiệu phó trường KHXH và Nhân Văn.

Từ tháng 8 năm 1999 cho tới hết nhiệm kì của Đại hội VIII, ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.

Tháng 1 năm 2000, ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.

Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX và X; Đại biểu Quốc hội khoá XI.

Ngày 26 tháng 6 năm 2006, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Văn An, xin từ nhiệm.

Trong bài phát biểu của mình trước khi Quốc hội bỏ phiếu bầu, ông Trọng thừa nhận chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội.

Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII, ông tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội.

Tháng Một 19, 2011 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Truyện cổ tân trang: Sự tích cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông

Bọ Lập tham gia kiến nghị về bô xít bằng truyện cổ tân trang Sự tích cao nguyên Lâm Viên và cao nguyên Đắc Nông. Mình cũng té nước theo mưa bằng cách đăng lại truyện cổ tích tân trang này của Bọ Lập, như thông điệp rằng, cao nguyên Lâm Viên và Đắc Nông là vú của mẹ ta, bô xít là sữa của mẹ ta, không cho thằng nào vào bóp vú mẹ ta, không cho lấy sữa của mẹ ta, hi, hi…

Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ thuộc huyện Nông Cống- Thanh Hoá bây giờ có một cô gái tên là Triệu Ẩu cao lớn lạ thường, vô cùng xinh đẹp. Cha mẹ mất sớm, Ẩu ở cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt.

Mới 13 tuổi vú Ẩu đã dài đến rốn. Ẩu sợ, không biết vì sao vú mình lại thế, ngồi ôm vú khóc. 18 tuổi vú Ẩu dài đến đầu gối lại càng sợ hãi khôn xiết. Quốc Đạt nói vú to là phúc lớn của đàn bà sao lại khóc?  Ẩu nói em sợ chị dâu không có vú lại ghen với em.

Vợ Quốc Đạt, tên gì không biết, người khô quắt, trên dưới phẳng lì, tính tính nhỏ nhen, thường hành Ẩu đủ việc trên đời.  Ẩu tức lắm nhưng không làm gì được. Một hôm Ẩu cùng vợ Quốc Đạt đi tắm sông, Vợ Quốc Đạt nói mày vú to hơn tao nhưng tao lông dài hơn mày, huề, ke ke ke.

Ẩu nói vú to để chồng bóp sướng, sữa nhiều cho con bú no, chứ lông  nhiều thì để làm gì. Vợ Quốc Đạt tức, nói để cột cổ ba họ nhà mày. Ẩu tức, cầm  vú quất một phát vào mặt vợ Quốc Đạt, chẳng ngờ vợ Quốc Đạt hộc máu mồm, chết tươi.

Ẩu sợ quá trốn biệt vào rừng, chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ làm thủ hạ, lấy tên là Nhụy Kiều tướng quân.

Quốc Đạt lo lắng, chạy vào  rừng gặp em gái nói về lấy chồng đi em, chớ có làm loạn. Ẩu nói không, Quốc Đạt nói thôi về đi em, vú mày to, đàn ông ai không mê?.

Ẩu nói tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, lấy vú mình đập nát mặt giặc nhà Ngô, chứ không muốn đem vú mình cho lũ ô trọc làm trò khả ố.

Năm Mậu Thìn ( 248 ) vì quan lại nhà Ngô tàn ác, đày ải dân mình  vô cùng khổ sở, Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh, bị vây khốn ở quận Cửu Chân. Bà Triệu Ẩu đem quân ra giúp anh. Bà vắt vú lên vai, cưỡi voi, mặc áo giáp vàng tả xung hữu đột, quân Ngô thua chạy tan tác.

Thứ sử Lục Dận hớt hải chạy về dập đầu trước vua Ngô, kêu to  khởi tấu khởi tấu bọn Triệu Ẩu làm loạn ở quận Cửu Chân. Vua Ngô là Ngô Vĩnh An đang xem bọn cung nữ làm trò thoát y vũ, ngoảnh mặt nói Triệu Ẩu là thằng mô gan to rứa hè.

Lục Dận nói muôn tâu đấy là một con đàn bà. Vua Ngô nói è he, mấy con đó tụi bay không trị được, răng kêu tao? Lục Dận nói muôn tâu con này vú dài ba thước, không lấy chồng, vắt vú lên vai cưỡi voi xông trận, kinh lắm kinh lắm.

Vua Ngô nghe nói vú dài ba thước thì há mồm trợn mắt nói ua chầu chầu hay hè hay hè, rồi lập tức xua quân sang biên giới.

Vua Ngô nói bớ ba quân, Triêụ Ẩu  vú dài ba thước rất ghê tởm, đã thế còn dám làm loạn, quân sĩ dốc lòng quyết đánh, đứa mô can trường trẫm cho bóp vú nó. Quân sĩ sung sướng reo hò như sấm hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!

Giặc Ngô bao vây bốn phương tám hướng, Triệu Ẩu vẫn không hề nao núng, chống trả kiên cường. Vua Ngô nói bớ Triệu Ẩu vú mi mô, chìa ra cho tao coi, tao tha!

Triệu Ẩu lôi hai vú ra, nói bớ giặc già Ngô Vĩnh An, vú ta đây! Rồi bà bóp vú, sữa bắn ra như thác, dòng sữa trắng thơm khi bắn vào lũ giặc bỗng biến thành bùn đỏ như máu trùm lên cả vạn quân Ngô.

Quân Ngô bị bùn đỏ bắn cho tung tóe, kẻ mù mắt đứa hộc máu mồm mà chết. Vua Ngô há mồm trợn mắt, nói chi rứa bay chi rứa bay. Quan quân hét Bô xít Bô xít muôn tâu muôn tâu.

Vua Ngô nói rứa a rứa a, sợ hãi vung gươm hét lớn bớ ba quân không được lui, tụi bay lùi tụi nó được lướt đòi chủ quyền chủ queo, tau lấy ai mà cai trị. Nói rồi xua quân tiến lên.

Quân Ngô ba bề bốn bên bao vây Bà Triệu. Bà cầm hai vú quất lia lịa, đứa dập mũi, đứa gãy răng, ôm đầu máu bỏ chạy, than khóc như ri.

Về sau sữa hết vú xẹp, quân ít thế cô, bà Triệu tính kế lui  binh cố thủ. Đại tướng Văn Công Hùng nói chúa công chúa công, về ngay Tây Nguyên, Tây Nguyên còn thì Đại Việt ta còn. Bà thấy Tây Nguyên xa xôi, núi non hiểm trở hơi chần chừ. Đại tướng Lê Vĩnh Tài rập đầu dưới chân voi, nói chúa công chúa công lúc này nguy cấp, chúa công còn bỏ tây Nguyên là chúa công mê lầm.

Bà Triệu nói các người là đại tướng Đại Việt, ta không nghe các người thì nghe ai. Không lẽ nghe quan quân nhà Ngô dụ dỗ, bỏ Tây Nguyển về với chúng nó. Dứt lời bà thúc voi kéo đại quân tiến về Tây Nguyên.

Vua Ngô thấy đại quân Bà Triệu rút về Tây Nguyên, tức hộc máu mồm, nói cha tổ cha tổ con đàn bà rứa mà khôn hè, thôi ẻ vô không đánh nữa, bèn xua quân về nước.

Từ đó xã tắc yên ninh, bà Triệu sống với Tây Nguyên cả trăm năm thì mất. Trước khi mất bà ôm chân voi mà khóc, nói ta chết Đại Việt có còn không, nói xong thì tắt thở. Con voi rống lên ba tiếng rồi cũng chết theo, biến thành núi Ngok Linh cao ngất.

Nước mắt bà chảy ra như thác, biến thành hai thác Ialy và Đray Sap. Mái tóc dài của bà chia thành hai ngã, biến thành hai dòng sông Pa và Đak Bla. Thân thể bà biến thành núi Langbian hùng vĩ. Hai bầu ngực của bà biến thành cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông màu mỡ và trù phú, có rất nhiều Bô xít.

Sử thần Dương Trung Quốc nói: Lâm Viên và Đak Nông là hai bầu sữa mẹ, hãy để dành cho con cháu, quyết không để cho thiên hạ sờ mó.

Văn nô Nguyễn Quang Lập nói: Phải phải! Bầu sữa mẹ ta lại để cho thiên hạ sờ mó bú mớm là cớ làm sao.

Báo nô Hoàng Kim nói: Chí phải, chí phải! Không thể cho thằng nào sờ mó, bú bầu vú của mẹ ta.

Tháng Mười 16, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Báo Người cao tuổi:Bứt phá ngoạn mục trong đổi mới và phát triển

­­­Minh Trang

Tháng 10-2010 này, Báo Người cao tuổi tròn… 15 tuổi (xuất bản số đầu 1-10-1995 – 1-10-2010). Trong 15 năm ấy, mất 12 năm tờ báo trải bao thăng trầm, có lúc tưởng như phải giải thể. Một vụ án được đưa vào trong số 17 vụ án điểm năm 2007 giáng đòn chí mạng, đẩy tờ báo đến bên bờ vực phá sản, để lại khoản nợ 1,5 tỉ đồng. Trong cơn nguy biến, Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam quyết định mời “cao nhân” về giúp sức vực tờ báo. Đó là nhà báo Kim Quốc Hoa, người từng lăn lộn xây dựng, tham gia sáng lập và vực dậy tới 5 tờ báo trước đó. Và, chỉ trong hơn 3 năm, tờ báo vượt lên tốp đầu, tiếp tục tiến nhanh trên đường phát triển.

Mười lăm tuổi, tờ báo là “thiếu niên” trong làng báo chí Việt Nam, nhưng trên mình đã đầy “thương tích”. Những “thương tích” mà tờ báo phải gánh chịu xuất phát từ tính vị kỉ, chỉ lo vun vén cá nhân của đội ngũ lãnh đạo trước đây. Tính vị kỉ khi được nuôi dưỡng bằng chức quyền sẽ biến thành họa hại, tham ô, tham nhũng có cơ hội nảy nở, kéo theo những di họa cho cộng đồng. Điều này đúng với Báo Người cao tuổi cách đây gần 4 năm trở về trước. Ngày đó, nhắc đến Báo Người cao tuổi, ít ai biết. Nó tồn tại như tờ báo được dựng lên để phục vụ lợi ích cho một nhóm người. Hậu quả là báo phát hành khi nhiều nhất cũng chỉ được trên một vạn bản; không thu hút được những cây bút chuyên nghiệp, nội dung sơ sài và cao điểm là vụ tham ô, thất thoát tới 5,6 tỉ đồng, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an hai lần khởi tố đến 7 bị can, trong đó có 3 cán bộ chủ chốt của Báo.

Đầu năm 2007, nhà báo Kim Quốc Hoa được Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam mời về làm Tổng biên tập tờ báo. Trước muôn vàn khó khăn, làm sao để tờ báo vượt qua nguy nan, tiến tới phát triển bền vững là cả một vấn đề lớn, đòi hỏi phải thật sự tâm huyết, phải có bản lĩnh mới làm được. Việc đầu tiên cần phải làm sau khi nhậm chức, nhà báo Kim Quốc Hoa xây dựng một đề án đổi mới và phát triển Báo Người cao tuổi giai đoạn 2007 – 2010. Trong đề án này, những mục tiêu lớn được đặt ra, đó là: tăng từ 12 trang lên 16 trang/kì; trước mắt tăng lên 2 kì/tuần, năm 2010 tăng lên 3 kì/tuần; bổ sung tôn chỉ, mục đích; cải tiến nội dung, hình thức cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ. Muốn làm được như vậy, yếu tố con người là quyết định. Vì vậy, Báo tiến hành từng bước xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự theo phương thức tinh, gọn, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xây dựng và khai thác tối đa và hiệu quả đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.

Hàng loạt cây bút gạo cội trong làng văn, làng báo được mời cộng tác, hoặc mời về làm việc tại tòa soạn. Nhà báo Kim Quốc Hoa vốn dày dạn kinh nghiệm trong việc sử dụng con người. Đặc thù của nghề báo là, người viết càng lâu năm, càng nhiều tuổi thì càng vững nghiệp vụ, nhiều kinh nghiệm quý báu cần được khai thác. Tuy nhiên, do tuổi tác nên độ xông xáo giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, lớp trẻ vốn sung sức, khát khao thử sức, khẳng định mình cũng là lực lượng lao động quý, cần được phát huy. Song, để kết hợp nhuần nhuyễn hai lực lượng này, biến thành sức mạnh, cần phải tạo nên không khí đoàn kết, thân ái, chia sẻ giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó là nét đặc thù riêng có ở Báo Người cao tuổi mà 3 năm qua, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa đã thành công.

Tập thể Phòng phóng viên Báo Người cao tuổi

Khách đến làm việc ở tòa soạn, hoặc người ở cơ sở không khỏi ngỡ ngàng trước đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên của Báo Người cao tuổi hôm nay. Một số nhà báo dày dạn trong nghề được mời về làm việc, có những người từng quản lí cơ quan báo chí như: Nhà báo, biên tập viên cao cấp Nguyễn Duy Quyền, được mời về làm Phó Tổng biên tập; Đại tá, nhà báo Thanh Cao được mời về phụ trách Phòng phóng viên; nhà báo Đăng Bằng phụ trách Phòng Thư kí biên tập… Những nhà văn, nhà báo có tên tuổi như: nhà văn Trần Nhương, nhà báo Hoàng Dĩnh, nhà báo Hoàng Linh, nhà báo Kim Thoa, nhà báo Nguyễn Chính Hạnh, nhà báo Sĩ Thoại… cũng tụ hội về đây, đảm nhận những mảng nghiệp vụ quan trọng, bên cạnh các phóng viên trẻ thế hệ 7X, 8X xông xáo, năng nổ tạo nên lực lượng mạnh về sức khỏe, dồi dào về chất, giúp nội dung tờ báo ngày càng phong phú, chất lượng, hình thức ngày một nâng cao.

Một lực lượng hết sức quan trọng giúp tờ báo có nhiều thông tin phong phú, chất lượng, đó là đội ngũ cộng tác viên. Báo Người cao tuổi hiện nay có đội ngũ cộng tác viên rất đông đảo. Họ là những cây bút chuyên nghiệp nhiều năm kinh nghiệm, là những cán bộ cơ sở ở BĐD Hội Người cao tuổi tỉnh, thành, quận, huyện; Hội Người cao tuổi xã, phường… hoặc những hội viên Người cao tuổi nhiệt tình viết cho báo v.v… Tất cả những bài báo cộng tác viên gửi đến đều được chọn lọc, biên tập kĩ và cho đăng tải, nhuận bút thì chưa được nhiều nhưng đem lại niềm vui.

Về nội dung, Báo Người cao tuổi tập trung vào các trọng tâm thông tin phục vụ đối tượng chính là người cao tuổi gồm: các phương pháp bảo vệ sức khỏe người già, thể dục dưỡng sinh; các bài thuốc phù hợp với người cao tuổi, phù hợp với đại đa số nhân dân; những tấm gương người tốt, việc tốt, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; những tấm gương người cao tuổi tận tụy với công tác xã hội, phấn đấu làm kinh tế giỏi… được Báo đề cập nhiều nhất. Do đó, trong 3 năm qua Báo Người cao tuổi luôn được biểu dương là tờ báo đưa nhiều gương người tốt, việc tốt nhất. Một mảng nội dung quan trọng, làm nên vị thế của tờ báo là mảng điều tra chống tiêu cực. Trong 3 năm qua, Báo Người cao tuổi góp phần đưa ra ánh sáng nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng. Cụ thể như những vụ việc tiêu cực ở Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Giang, Đồng Nai, Bình Thuận… đều được Báo nêu chính xác, những cán bộ sai phạm phải nhận kỉ luật, quyền lợi hợp pháp của người dân được khôi phục. Gần đây nhất là vụ việc ở Hà Giang. Cách đây 2 năm Báo Người cao tuổi có nhiều bài điều tra về các sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô, kiến nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh, khai trừ Đảng đối với ông Tô, xử lí theo pháp luật. Do đụng chạm tới một cán bộ cao cấp, Báo Người cao tuổi, Tổng biên tập, tác giả các bài báo đã phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, chân lí đã thắng, ông Tô đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị cách chức như Báo Người cao tuổi đã kiến nghị.

Bên cạnh đó, Báo còn có nhiều bài viết về các vấn đề kinh tế – xã hội, văn hóa, văn nghệ; trang thơ người cao tuổi; các tin tức hoạt động Hội khắp nơi, những kinh nghiệm hoạt động Hội qua các tin, bài… Tất cả những nội dung đó thu hút số lượng lớn bạn đọc, là người cao tuổi, lực lượng đông đảo nhiều tiềm năng để phát triển tờ báo.

Hiện ngoài 3 kì/tuần, Báo Người cao tuổi duy trì số cuối tháng (đặc san) ra mỗi tháng một số, trang tin điện tử www.nguoicaotuoi.org.vn. Số lượng phát hành các ấn phẩm của Báo đều tăng. Hết quý 4 năm 2009, lượng phát hành báo tuần tăng 40%; sang quý 4 năm 2009 đặc san tăng 40% so với cùng kì năm 2006; năm 2010 sản lượng tăng 5 lần so với năm 2006. Trang tin điện tử mỗi năm có hàng triệu lượt người trong và ngoài nước truy cập. Ngoài ra, Báo Người cao tuổi còn xuất bản một số đầu sách được bạn đọc quan tâm: Sách Tuổi cao nêu gương sáng (tập 1); Sách Cây Lược vàng quý như vàng, với lượng phát hành trên một vạn bản; Đang chuẩn bị nội dung để xuất bản sách Tuổi cao nêu gương sáng (tập 2)… Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cho biết, Báo đang tích cực kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên, khi điều kiện cho phép sẽ nâng dần lên thành nhật báo.

Kỉ niệm 15 năm, cũng là tổng kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới, phát triển Báo Người cao tuổi. Với những gì đã đạt được trong 3 năm qua, thì mục tiêu phát triển thành nhật báo không phải là quá xa. Chúc Báo Người cao tuổi, với sức Phù Đổng sẽ vươn xa hơn nữa, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với bạn đọc cả nước.

Tháng Mười 16, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:Hồi hộp, bâng khuâng, tự hào và… buồn phảng phất

Hoàng Kim

Màn bắn pháo hoa dài chừng 20 phút tại sân Mỹ Đình đã khép lại 10 ngày Đại lễ. Đan xen, xáo trộn trong lòng người dân Việt với đa dạng sắc thái tình cảm: hồi hộp, bâng khuâng, vui, tự hào nhưng vẫn phảng phất chút buồn. Có lẽ, nỗi buồn xuất phát từ sự phôi phai nét văn hóa Hà Thành, để ngày Đại lễ còn đâu đó trong lòng mỗi chúng ta nỗi vấn vương. Cũng bởi chưng cơn “đại hồng thủy” hoành hành mảnh đất miền Trung thân yêu, để niềm vui, khát khao nghìn năm có một không được trọn vẹn!

Khai hội nghìn năm, dâng tràn cảm xúc

Đúng 8 giờ sáng 1-10-2010, ngọn lửa thiêng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thắp lên đài lửa, trong âm thanh hào hùng của dàn trống, cồng, chiêng… mở màn cho 10 ngày Đại lễ. Hàng vạn người các nơi đổ về Hà Nội, trái tim của cả nước. Các đường phố quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm chật như nêm, tuy nhiên chỉ có khoảng 1.000 khách mời được vào tham dự. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ôn lại lịch sử 1000 năm của thủ đô, từ khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư về đất Thăng Long mở ra kỉ nguyên mới của nước Đại Việt. Trải qua 1000 năm, với bao thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không… Thăng Long – Hà Nội là nơi lắng hồn sông núi, nơi hội tụ các tinh hoa, anh hùng, hào kiệt; nơi lắng đọng những giá trị văn hóa của dân tộc Việt, kết hợp với văn hóa, văn minh nhân loại.

Bí thư Phạm Quang Nghị nói: “Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc, với những áng văn bất hủ, mang hào khí dân tộc như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn độc lập”. Cảm xúc trào dâng khi bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Một đàn chim bồ câu từ quả địa cầu được thả ra, bay lên bầu trời Hà Nội trong xanh, như thông điệp với thế giới về một thành phố yêu chuộng hòa bình. Tiếp sau đó là phần hội, với trên 50 hoạt động, sự kiện khác nhau trong 10 ngày Đại lễ: khai trương trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại công viên Thống Nhất; khánh thành và trao Bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới” cho “Con đường gốm sứ”; khánh thành đại lộ Thăng Long, đại lộ dài nhất Việt Nam; đón chào đoàn đại biểu gồm 1000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng quân đội về thủ đô tham dự Đại lễ…

Đại lễ hoành tráng, đêm hội tái hiện lịch sử

Sáng 10-10-2010, đúng 56 năm sau ngày giải phóng thủ đô, cuộc diễu binh, diễu hành với sự tham gia của 4 vạn người là bộ đội, công an, công nhân, nông dân, trí thức… diễn ra tại Quảng trường Ba Đình và một số đường phố của Hà Nội. Bài diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gây xúc động con tim của tất thảy con dân nước Việt. Diễn văn của Chủ tịch có đoạn: “Chúng ta tôn vinh truyền thống Văn hiến của Thủ đô địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”. Cuối cùng, Chủ tịch không quên nhắc nhở chúng ta: “…khi đang hân hoan mừng ngày Đại lễ, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng cả nước và Thủ đô còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Để xứng đáng với Tổ tiên, với lịch sử hào hùng của dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong nước, ngoài nước nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và tài năng, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp, sánh vai cùng Thủ đô các nước trên thế giới; tích cực góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”.

Buổi tối cùng ngày, lễ hội “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Rồng bay” được tổ chức trang trọng, hoành tráng. Đêm hội với sự tham gia của gần 8.000 nghệ sĩ, diễn viên, xuất hiện trên một sân khấu lớn mang hình tượng trống đồng. Đây là chương trình biểu diễn lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện công phu bằng nghệ thuật xếp hình người, kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và màn hình 3D khổng lồ. Bằng nghệ thuật điêu luyện được dàn dựng công phu nhiều tháng nay, các nghệ sĩ đã tái hiện lịch sử 1000 năm, từ buổi vua Lý Thái Tổ định đô, đến thời đại Hồ Chí Minh. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 “Quyết định trọng đại”; Chương 2 “Hào khí đất thiêng, tinh hoa ngàn năm văn hiến”; Chương 3 “Thời đại Hồ Chí Minh – Ngày hội non sông – Thông điệp thành phố hòa bình”.

Nhiều mốc son lịch sử hiện về khiến người xem như được sống với suốt chiều dài lịch sử 1000 năm. Những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt, từ “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “…Như nước Đại Việt ta từ trước,/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,/Nước non bờ cõi đã chia,/Phong tục Bắc Nam cũng khác;/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,/Song hào kiệt thời nào cũng có…”, đến Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

Ai đó đã thốt lên, tự hào quá dân tộc Việt Nam, tự hào quá Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Màn pháo hoa dài chừng 20 phút, kết hợp với màn biểu diễn ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn pha, làm nên một đêm hội lung linh, huyền ảo. Đêm hội kết lại một Đại lễ nghìn năm mới có một lần, khiến ai nấy đều dưng dưng.

Nhưng vẫn phảng phất đâu đó nỗi buồn

Trời đất đã chiều lòng dân Việt, nhưng sao không trọn vẹn? Trong khi Hà Nội đang tưng bừng Đại lễ, thì ở miền Trung thân thương cơn “đại hồng thủy” hoành hành, cướp đi sinh mạng hàng mấy chục người, đẩy hàng nghìn người dân vào cảnh mất nhà cửa, tài sản… thiệt hại phải tới mấy nghìn tỉ đồng. Cả Hà Nội không yên dạ mà vui, cả đất nước thót tim chờ từng tin về trận lũ lụt, mấy trăm gia đình bị lũ cô lập đã cứu được chưa… Dư luận không yên, hàng trăm bài viết chia sẻ tình cảm với miền Trung, thậm chí có nhiều bài viết thiếu thiện chí, không có tính xây dựng, cũng bởi do quá nặng lòng với đồng bào miền Trung. Báo Người cao tuổi, trang web www.trannhuong.com đăng bài nêu kiến nghị bớt bắn pháo hoa dành tiền cứu trợ. Rất may trong tình thế đó, lãnh đạo TP Hà Nội quyết định hủy cả 29 điểm bắn pháo hoa, chỉ giữ lại một điểm ở sân vận động Mỹ Đình, để lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. “Hoan hô Hà Nội”, dư luận reo lên, dân cư mạng reo lên, thế là một quyết định, tuy muộn, nhưng hợp lòng dân. Ấy là cũng góp phần cho ngày Đại lễ 10-10-2010 được thêm vui vẻ.

Ấy là thiên tai làm hại dân lành. Còn ở nơi trung tâm điểm của Đại lễ, là TP Hà Nội, nhiều biểu hiện thiếu văn hóa cũng khiến tình cảm của người dân Việt đối với Thăng Long – Hà Nội mất đi ít nhiều. Lợi dụng Đại lễ, nhiều dịch vụ ăn theo tự do tăng giá. Ngay trong ngày khai mạc, nhiều người dân phải gửi xe với giá cắt cổ, nơi thì 15 – 20 nghìn/xe, nơi thì 50 – 70 nghìn/xe; rồi giá thực phẩm tăng vọt làm cuộc sống người dân thủ đô thêm khốn khó. Ngay trong đêm hội “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Rồng bay”, những vé mời được giới phe vé đem ra bán giá cắt cổ, rẻ nhất cũng trên triệu đồng một cặp, đắt thì đến 4 triệu đồng. Rồi đêm bế mạc, đám thanh niên hư lại đua xe máy chạy ầm đường, cảnh sát rú còi inh ỏi…

Hà Nội những ngày Đại lễ đèn, hoa rực rỡ, những con đường như: đường Điện Biên, phố Tràng Tiền… đèn chăng như mạng nhện, đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng; những hình rồng, phượng cắt bằng xốp treo lên… tất cả biến Hà Nội như một thành phố nào đó, không phải ở xứ mình. Nhiều cụ buồn buồn thốt lên “Đây không giống Hà Nội, Hà Nội quyết không phải thế này”. Vâng, Hà Nội vốn trầm mặc, là nơi lắng hồn sông núi; người Hà Nội vốn có chiều sâu của tư duy, không quen với những xô bồ, màu mè lòe loẹt. Những đèn, hoa chăng khắp phố phường; những đêm hội đèn đỏ, đèn xanh quét rực trời làm mất đi phần nào giá trị nghìn năm. Rồi các biểu hiện khoa trương, lãng phí không cần thiết được người ta lợi dụng Đại lễ nghìn năm, vung ra phung phí, trong khi đất nước đang còn nghèo, dân ta chưa hết khổ.

Còn nữa những “hạt sạn”, khiến lòng người buồn phảng phất. Phải chăng văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã bị phôi phai, khiến cho lòng người dân Việt mãi vấn vương. Nhưng dù sao Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng thành công, người dân Việt thêm một lần tự hào về dân tộc, tự hào về thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tháng Mười 14, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Hủy bắn pháo hoa dịp Đại lễ

(Vietnannet) – Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thông báo không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm tối chủ nhật này, dành tiền gửi các tỉnh miền Trung.

Thông báo số 412 TB/TU của Thường trực Thành ủy Hà Nội sáng nay (8/10) nêu rõ: Không tổ chức bắn pháo hoa ở toàn bộ 29 điểm trên địa bàn Thành phố trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Những ngày qua, tình hình mưa lũ, diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn, liên tiếp về người và của đối với đồng bào các tỉnh miền Trung. Với tinh thần tương thân, tương ái, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội đã phát động quyên góp, ủng hộ các tỉnh miền Trung và được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng.

Để tiếp tục chia sẻ, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn nữa tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước nói chung, đối với đồng bào các tỉnh miền Trung nói riêng, Thường trực Thành uỷ quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn TP trong dịp Đại lễ như theo kế hoạch đã định. Toàn bộ kinh phí này sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai.

Theo báo Hà Nội mới, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục quyên góp, ủng hộ nhằm giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Thành phố quyết định sẽ cử các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các tỉnh miền Trung.

(Trần Nhương.com) – HOAN HÔ HÀ NỘI HỦY BẮN PHÁO HOA, TIẾT KIỆM TIỀN GIÚP ĐỒNG BÀO BÃO LỤT

Bản tin TV trưa nay 8-10 đã loan Hà Nội quyết định hủy bắn pháo hoa mừng Đại lễ để lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Hoan nghênh chủ trương, quyết định đúng, hợp lòng dân, lòng Trời của Hà Nội. Ngày 5-10, tôi viết lá thư gửi ông Chủ tịch và nêu ý kiến đó. Ngày 7-10 báo Người Cao tuổi in bài đó với cái tít Ơi miền trung, ơi đại lễ. Không biết có phải do báo giấy, báo mạng không nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Việc dám quyết mới quan trọng. Hoan hô Hà Nội. Chắc anh linh Lý Thái Tổ cũng hài lòng vì con cháu…

Tháng Mười 8, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

“Sức Phù Đổng” trên tờ báo… “Người già”

Minh Trang

Tôi không chọn nghề báo, ngược lại nghề báo đã chọn tôi. Gần 20 năm làm báo trong mảng điều tra chống tiêu cực, nhiều lúc cũng thấy oải, muốn “rửa tay gác kiếm”. Thế rồi quãng thời gian 3 năm làm việc tại Báo Người cao tuổi đã giúp tôi lấy lại sinh khí. Nhiều bài viết xôn xao dư luận, vạch trần những sai phạm của bộ phận cán bộ biến chất, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, quản lí kinh tế; những bài viết giúp người dân lấy lại quyền lợi hợp pháp… làm nên uy tín, tên tuổi cho tờ báo “người già” đang còn rất non trẻ này.

Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới và phát triển Báo NCT

Làm báo gần 20 năm, chưa khi nào tôi thấy mình được sống một cách thực sự có ý nghĩa như bây giờ. Tôi không chọn nghề báo, mà ngược lại nghề báo đã chọn tôi. Cái nghiệp đã khoác vào thân, bập vào nghề báo là “chiến” luôn mảng điều tra chống tiêu cực. Hoạt động báo chí trong mảng nhậy cảm này thật vất vả, thậm chí còn nguy hiểm. Nhiều lần tôi đã bị dọa nạt, vu khống, làm hại… Có nhiều lúc oải, vài lần quyết “rửa tay gác kiếm”, đã đến đầu quân với bác Lê Lựu (tác giả Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông…) làm Văn hóa doanh nhân, cho lành. Trời xui đất khiến thế nào, tôi gặp Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, biết bác Hoa đang “chiêu hiền đãi sĩ”, máu nghề nổi lên và… về Báo Người cao tuổi, lại lao vào những cuộc điều tra chống tiêu cực đầy gian nan, thử thách. Đời anh làm báo gặp được “minh quân”, dám quyết, dám làm, dám chịu… là may mắn lắm, điều này đúng với tôi.

Như cá gặp nước, tôi tham gia điều tra, viết bài phản ánh về các sai phạm của UBND tỉnh Hà Giang, trực tiếp là ông Nguyễn Trường Tô đối với Công ty Sông Lô. Ông Tô, khi đó còn đang ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, phản đối quyết liệt, thậm chí còn dọa truy tố, bỏ tù Tổng biên tập và đương nhiên kể cả tôi, tác giả của những bài báo. Chân lí rồi cũng sáng tỏ, ông Nguyễn Trường Tô bị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh, khai trừ ra khỏi Đảng. Rồi còn nhiều vụ việc khác nữa mà tôi được tham gia, được chứng minh quan điểm của mình một cách thẳng thắn qua những bài báo, đó là nhờ sự anh minh của Tổng biên tập, nhà báo Kim Quốc Hoa. Nhưng điều vui nhất đối với tôi là hiệu quả của những bài báo tôi đã thực hiện, góp phần quan trọng lấy lại quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Cách đây khoảng hơn năm, tôi nhận nhiệm vụ Tổng biên tập giao, đi Lạng Sơn xác minh về một trường hợp gia đình liệt sĩ bị thất lạc hồ sơ, chưa được khôi phục quyền lợi. Đó là trường hợp gia đình liệt sĩ Trần Sáu ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Liệt sĩ Trần Sáu hi sinh từ năm 1945 tại Quảng Ninh, đã được công nhận liệt sĩ, gia đình được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, gia đình chạy giặc, các cơ quan cũng chạy giặc nên thất lạc hết hồ sơ. Khi trở về, có năm thì gia đình được nhận quà 27-7, có năm không. Gia đình làm đơn kiến nghị thì cơ quan chức năng trả lời là cụ Trần Sáu chưa được công nhận liệt sĩ. Gia đình đệ đơn đi khắp nơi, Hội Người cao tuổi thị trấn Đồng Đăng cũng tích cực kiến nghị giải quyết quyền lợi cho gia đình liệt sĩ, nhưng cũng không được đáp ứng như mong mỏi. Mọi tư liệu được xác minh chính xác, tôi viết bài phản ánh, đề nghị các cơ quan giải quyết. Sau đó, rất may tôi lại được gặp người trực tiếp an táng các liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Trần Sáu. Tôi lại viết bài thứ hai để khẳng định tính chính xác của thông tin. Cùng với hai bài báo, Lãnh đạo báo có công văn gửi các cơ quan chức năng. Và qua Báo Người cao tuổi, kiến nghị của gia đình liệt sĩ đã thấu đến tai các cơ quan chức năng, ngày 26-7-2010, UBND thị trấn Đồng Đăng tổ chức trọng thể lễ truy điệu liệt sĩ Trần Sáu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình, chấm dứt hành trình gần 20 năm gia đình kiên trì kiến nghị.

Nhờ Báo NCT,  gia đình liệt sĩ Trần Sáu đã được khôi phục quyền lợi

Mới đây, CCB Hoàng Sĩ Thao, Bí thư Chi bộ 8A và Nguyễn Phú Nho, Bí thư Chi bộ 4A thuộc Đảng bộ phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội đến tận tòa soạn gửi văn bản đề nghị: Báo Người cao tuổi lên tiếng bảo vệ cho một gia đình lão thành cách mạng. Đó là gia đình cụ Vũ Thành Quý, lão thành cách mạng, thương binh 2/4, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và vợ là Vũ Thị Nguôn, 40 năm tuổi Đảng không được UBND quận Ba Đình cấp phép xây dựng. Sau khi tìm hiểu kĩ sự thật, đối chiếu hồ sơ nhà, đất và thủ tục xin cấp phép xây dựng của gia đình cụ Quý, tôi nhận thấy đây là hậu quả của hành vi hành chính trái pháp luật của một số cán bộ thuộc UBND quận Ba Đình. Bài báo: “Một gia đình lão thành cách mạng bị đẩy cùng đường” chứng minh tính hợp pháp trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng của gia đình cụ Quý, nêu lên sự vô lí khi UBND quận Ba Đình cấp phép cho 17 nhà cùng dãy xây cao tầng, lại không cấp phép cho một mình gia đình cụ Quý. Tiếp đó, Tổng biên tập có công văn gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội, kèm theo bài báo của tôi, đã tác động trực tiếp đến đồng chí Bí thư. Mới đây, UBND phường Vĩnh Phúc tổ chức cuộc họp với sự có mặt của đại diện Đảng ủy phường, Chủ tịch MTTQ, cán bộ thanh tra xây dựng phường và đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường quận Ba Đình. Cuộc họp thống nhất đề nghị UBND quận cấp phép xây dựng theo nguyện vọng của gia đình. Như vậy, sau 3 năm nộp hồ sơ xin phép xây dựng không được giải quyết, nhờ tác động của Báo Người cao tuổi, gia đình đã được toại nguyện.

Trong lĩnh vực quản lí đất đai, hơn 3 năm trở lại đây, Báo Người cao tuổi có hàng trăm bài báo điều tra, phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi của người dân theo đúng pháp luật. Nhờ sự can thiệp của Báo, không ít vụ việc được giải quyết, lấy lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Tôi tự hào cũng góp phần nhỏ bé của mình trong đó. Đặc thù của Báo Người cao tuổi là sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa báo với các luật sư, trong đó có những luật sư có tên tuổi như: Phạm Hồng Hải, Vũ Văn Lợi, Trần Đình Triển… Nhờ đó, các bài báo đưa ra được các căn cứ pháp luật chặt chẽ và đủ sức thuyết phục. Thêm vào đó, quan điểm của Tổng biên tập là đã làm vụ nào thì làm cho đến cùng. Vì vậy, phần lớn vụ việc Báo Người cao tuổi đã “ra tay” thì đều đạt kết quả.

Hành trình 15 năm, kể từ ngày ra số báo đầu tiên, Báo Người cao tuổi trải qua biết bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng như tờ báo không thể tồn tại. Hơn 3 năm lại đây, thực hiện Đề án đổi mới, với sự điều hành vừa kiên quyết, vừa anh minh của Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, từ chỗ đứng trước bờ vực phá sản, Báo Người cao tuổi vươn lên thành một trong những tờ báo có uy tín nhất hiện nay, trong đó có phần quan trọng của mảng điều tra chống tiêu cực và… có cả sự đóng góp của tôi. Bằng “sức vươn Phù Đổng”, Báo Người cao tuổi đang vững bước trên đường phát triển, đóng góp vào sự lớn mạnh của ngành báo chí nước nhà. Nhân dịp kỉ niệm 15 năm Báo Người cao tuổi ra số đầu, nhìn lại cả quá trình hình thành và phát triển, thật tự hào với sự lớn mạnh của Báo ngày hôm nay. Chúng tôi cũng tự hào được đứng trong hàng ngũ những phóng viên sung sức của “Tờ báo người già”, tự hào được là chiến sĩ của “người lính già” Kim Quốc Hoa.

Tháng Mười 8, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trần Nhương
Mô
Kính gửi: Ông Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Tôi là Trần Nhương, Nhà văn, công dân thủ đô. Tôi viết thư này xin đề nghị mấy điểm sau đây:
– Cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung. Nhân dân chúng tôi sẵn sàng xem pháo hoa qua TV cũng không sao. Hà Nội tổ chức kỉ niệm ngàn năm kéo dài tới 10 ngày liệu có quá lãng phí, phô trương không ? Một nước nghèo vào nhóm cuối của thế giới mà lễ hội quá linh đình liệu có nên không ?

– Sau đại lễ Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu. Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Kính thư
Trần Nhương

Bức thư này của bác Trần Nhương thật chí lí. Cần phải có thái độ ứng xử cho có văn hóa. Trong khi ở nơi khác người dân đang phải chịu sự tàn phá của thiên tai, mà ở Hà Nội lại cứ phung phí tiền bạc để làm những việc phù phiếm, xa hoa thì liệu có nên không? Tôi là người gốc Hà Nội cũng thấy chạnh lòng và xấu hổ. Tôi đồng tình với bác Trần Nhương, Hà Nội nên giảm bắn pháo hoa đi, dân chúng tôi ngồi nhà xem tivi cũng tốt rồi. Thú thật, trong mấy ngày đại lễ vừa qua người dân phố cổ chúng tôi hầu như không ai đi ra đường. Hồ gươm đông vậy là dân ở các tỉnh lân cận đổ về đấy thôi chứ ít người Hà Nội lám.

Tháng Mười 6, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này