Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Tổng Giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện: Độc đoán, chuyên quyền, trù dập người lao động?

Hoàng Linh

Đó là nội dung người lao động tại Cty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện tố cáo bà Đặng Thị Bích Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty. Do giữ 3 chức vụ quan trọng nhất trong Cty, bà Hòa ngang nhiên làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế, tài chính; cố ý làm trái pháp luật trong lĩnh vực đầu tư; tham nhũng; dùng quyền lực để trù dập, sa thải hàng loạt CBCNV, trong đó có cả Phó Tổng giám đốc…

Sự việc bắt đầu từ ngày 5-11-2010, trên 80 người lao động kí đơn kiến nghị gửi tới các cấp trong Tổng Cty Bưu chính Việt Nam, trong đó trực tiếp cho bà Đặng Thị Bích Hòa, Tổng giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện, yêu cầu trả lời một số kiến nghị liên quan đến hiệu quả kinh doanh, các khoản chi phí đầu tư và đời sống người lao động… Song, thay vì trả lời những kiến nghị của đông đảo người lao động, bà Hòa tung ra một loạt động thái gây sức ép đối với những người kí đơn: Chỉ đạo trưởng các đơn vị triệu tập nhiều cuộc họp, mục đích buộc mọi người phải kí văn bản xin rút lại đơn, với lời hăm dọa nếu không kí sẽ bị đuổi việc. Kết quả là vì “cơm áo gạo tiền”, nên phần lớn người lao động phải nghe theo, còn lại 12 người kiên trì đấu tranh thì phải nhận quyết định sa thải của Tổng giám đốc. Không những thế, bà Hòa còn tiến hành khai trừ Đảng, cách chức ông Trần Xuân Quý, Phó Tổng giám đốc, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Cty vì ông Quý “dám” nói lên tiếng nói của người lao động.

Sau nhiều lần gửi đơn, kiến nghị của người lao động cũng tới được với Công đoàn Tổng Cty Bưu chính Việt Nam. Theo tin từ cơ quan này, 25 văn bản chỉ đạo đã được gửi tới Công đoàn Cty CP Chuyển phát nhanh, với nội dung: Tập trung giải quyết đơn kiến nghị của người lao động theo thẩm quyền; chủ động gặp gỡ, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, công nhân viên, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và giải thích động viên họ bình tĩnh, tập trung sản xuất trong thời gian chờ kết quả giải quyết đơn của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nội dung chỉ đạo này của Công đoàn Tổng Cty Bưu chính Việt Nam cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Ngày 8-12-2010, Công đoàn Tổng Cty có Văn bản số 517/CĐBC đề nghị bà Hòa gặp và làm việc để tìm ra hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị, nhưng bà Hòa không trả lời. Ngày 15-12-2010, Công đoàn Tổng Cty tiếp tục có Văn bản số 539/CĐBC đề nghị gặp và làm việc với Tổng giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh. Đáp lại, bà Hòa gửi Công văn số 2657/CV-CPN, rằng đang bận, để hết tháng cao điểm sẽ làm việc sau; rằng Công đoàn không có trách nhiệm làm những việc này, họ sẽ đưa nhau ra tòa án lao động.

Xe Công ten nơ mua về không dùng, là chỗ người dân để rác thải

Theo thông tin từ Báo Thanh tra, ông Trần Văn Dinh, Chủ tịch Công đoàn Tổng Cty Bưu chính Việt Nam cho biết: Đến nay Công đoàn Tổng Cty Bưu chính Việt Nam vẫn không thể làm việc với bà Hòa, theo chỉ đạo của Công đoàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là đi theo hướng hòa giải. Hiện 12 người lao động bị sa thải nói trên đã kiện bà Hòa ra tòa về tranh chấp lao động. Điều đáng nói là, Tổng giám đốc sa thải người lao động mà không có biên bản họp xét kỉ luật. Sau đó, “sửa sai” bằng cách ra văn bản hủy bỏ tất cả thông báo và quyết định kỉ luật trước đó, rồi lại tiếp tục ra quyết định kỉ luật. Công đoàn Tổng Cty không thể vào Cty CP Chuyển phát nhanh để tìm hiểu có lập hay không lập biên bản kỉ luật này. Cty Luật TNHH InvestPro & Hoàng Giao được Công đoàn Tổng Cty mời, để tiến hành nghiên cứu, tư vấn, đánh giá một cách khách quan tình hình thực tế, đề xuất phương thức tiến hành hòa giải nhưng không thành.

Đối chiếu với thực tế đã diễn ra ở Cty CP Chuyển phát nhanh, việc viết đơn kiến nghị là quyền của người lao động, quy định tại Hiến pháp và pháp luật về lao động. Sau khi nhận đơn, Tổng giám đốc không xem xét, trả lời kiến nghị là trái pháp luật, khiến người lao động mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Tổng giám đốc. Đơn của người lao động Cty phản ánh, Tổng giám đốc còn đề nghị công an vào Cty để tìm hiểu tình hình. Đây là biểu hiện của hành vi hình sự hóa quan hệ lao động, là không thể chấp nhận. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc cho thấy, Tổng giám đốc tiến hành sa thải những người lao động kí đơn kiến nghị, thể hiện sự độc đoán, chuyên quyền, coi thường pháp luật của bà Đặng Thị Bích Hòa. Tất cả các bước xử lí kỉ luật người lao động do bà Hòa tiến hành, không tuân thủ theo quy định của pháp luật, đó là: Không có quyết định thành lập Hội đồng kỉ luật, không có biên bản chứng minh vi phạm của người lao động, không tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở…

Riêng trường hợp cách chức, sa thải ông Trần Xuân Quý, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh, Quyết định sa thải số 279/QĐ-CPN cho rằng ông Quý đã: “Soạn thảo đơn kiến nghị sai sự thật để lừa dối những người lao động lâu năm, tâm huyết với ngành và một số người lao động khác. Tổ chức họp kín với các nhóm lao động khác để bàn biện pháp khiếu kiện sai quy định. Có hành vi tiết lộ bí mật công nghệ kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về uy tín, danh dự, tài sản lợi ích của Cty. Căn cứ hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 85 Bộ luật Lao động”. Tuy nhiên, thực tế cho đến thời điểm này, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận việc kiến nghị của người lao động là vi phạm pháp luật. Do đó, quyết định sa thải ông Trần Xuân Quý là không có cơ sở pháp lí.

Kì II: Bị tố tham nhũng, Tổng giám đốc quyết “triệt đường sống của người lao động”

Tháng Năm 17, 2011 - Posted by | Pháp luật và đời sống

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này