Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Văn hóa doanh nhân

Văn hóa doanh nghiệp – Những điều cơ bản

30/10/2008 15:45

Minh Trang

(VHDN.VN) – Văn hóa – như có học giả đã nói, đó là cái cân bằng khi xã hội có nhiều nguy cơ biến động. Hoặc có thể hiểu nôm na rằng, mọi vật chất có thể mất đi, cái còn đọng lại chính là văn hóa. Bất kể quốc gia nào, tổ chức nào, giáo phái nào muốn trường tồn thì phải có văn hóa riêng, và doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh trên một môi trường ngày càng phẳng, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng.

Văn hóa doanh nghiệp hiện nay đang là đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn của giới doanh nghiệp, các nhà quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp là gì, thì không phải doanh nghiệp nào cũng thấu hiểu, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước hết, khái niệm văn hóa doanh nghiệp nói riêng và văn hóa nói chung là rất khó phân định, bởi có đến hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Song, có thể hiểu văn hóa theo các cách sau: Theo bộ Từ Hải xuất bản vào năm 1989, thì văn hóa có nghĩa là Văn trị và Giáo hóa. Theo ngôn ngữ của phương Tây, thì văn hóa có nghĩa là tạo dựng, giữ gìn và chăm sóc. Trong nhân loại học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến theo một nghĩa rộng nhất, đó là bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người. Văn hóa không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần mà bao gồm cả vật chất. Theo cách hiểu thông thường thì văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ăn mặc, ăn uống, cư xử, đức tin và tri thức… Theo đó, có thể hiểu văn hóa doanh nghiệp như là các giá trị tinh thần, vật chất và tri thức… được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, trở thành quan niệm, tập quán, truyền thống của doanh nghiệp đó. Trên thế giới có một số định nghĩa văn hoá doanh nghiệp như sau:

1. Phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực. (Gold, K.A.)

2. Văn hóa thể hiện tổng hợp các giá trị và cách hành xử phụ thuộc lẫn nhau phổ biến trong doanh nghiệp và có xu hướng tự lưu truyền, thường trong thời gian dài. (Kotter, J.P. & Heskett, J.L.)

3. Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp. (Williams, A., Dobson, P. & Walters, M.)

Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ dễ nhận biết đến ẩn sâu trong tiềm thức của tập thể mà phải qua thời gian dài mới hình dung ra được. Cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp gồm 4 nhóm: nhóm yếu tố giá trị, nhóm yếu tố chuẩn mực, nhóm yếu tố không khí và phong cách quản lý của doanh nghiệp và nhóm yếu tố hữu hình. Trong đó, giá trị là thước đo các hành xử, xác định những gì doanh nghiệp phải làm, xác định những gì doanh nghiệp cho là đúng. Giá trị ở đây gồm 2 loại. Loại thứ nhất là các giá trị đã tồn tại trong doanh nghiệp hình thành theo lịch sử, có thể do rèn luyện có chủ đích, có thể hình thành tự phát. Loại thứ hai là các giá trị mới mà lãnh đạo mong muốn doanh nghiệp mình có để đáp ứng với tình hình mới và phải xây dựng từng bước trong thời gian dài. Chuẩn mực là những quy định không thành văn nhưng được mọi người tự giác tuân thủ. Cũng có thể xếp các yếu tố nghi lễ được sử dụng trong các sự kiện quan trọng của doanh nghiệp, logo… vào nhóm này. Không khí có thể hiểu là các ngầm định về cung cách ứng xử hàng ngày của các thành viên trong tổ chức, có thể niềm nở hay nghiêm túc, vui đùa xuề xòa hay công thức, trang trọng, giữ khoảng cách hay thân mật, ăn nói thoải mái có phần bỗ bã hay hình thức hàn lâm…. Phong cách quản lý của doanh nghiệp thể hiện ở thái độ và quyền lực của người quản lý trong việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Phong cách quản lý được thể hiện theo nhiều cách khác nhau như: độc đoán, dân chủ, cứng nhắc hay mềm dẻo… Cuối cùng nhóm yếu tố hữu hình là phần nổi dễ nhìn thấy như: bàn ghế, trang thiết bị, công nghệ, máy móc, nhà xưởng, khẩu hiệu… hoặc các chuẩn mực hành vi như nghi lễ, nghi thức, các nguyên tắc, hệ thống thủ tục, chương trình…

Từ những đặc tính đó của văn hóa doanh nghiệp, hai tác giả Julie Heifetz & Richard Hagberg đã đề xuất một mô hình 11 bước cụ thể như sau:

Bước 1: Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược doanh nghiệp trong tương lai. Xem xét có yếu tố nào làm thay đổi chiến lược doanh nghiệp trong tương lai.

Bước 2: Xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công. Đây là bước cơ bản nhất để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi phải là các giá trị không phai nhòa theo thời gian, là trái tim và linh hồn của doanh nghiệp.

Bước 3: Xây dựng tầm nhìn mà doanh nghiệp sẽ vươn tới. Tầm nhìn chính là bức tranh lý tưởng về doanh nghiệp trong tương lai. Tầm nhìn chính là định hướng để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp mà ta mong muốn xây dựng hoàn khác biệt so với doanh nghiệp hiện mình đang có.

Bước 4: Đánh giá văn hóa hiện tại và xác định những yếu tố văn hoá nào cần thay đổi. Sự thay đổi hay xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc đánh giá xem văn hoá hiện tại như thế nào và kết hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đánh giá văn hoá là một việc cực kỳ khó khăn vì văn hoá thường khó thấy và dễ nhầm lẫn về tiêu chí đánh giá. Những ngầm định không nói ra hay không viết ra thì càng khó đánh giá. Thường thì con người hoà mình trong văn hoá và không thấy được sự tồn tại khách quan của nó.

Bước 5: Khi chúng ta đã xác định được một văn hoá lý tưởng và cũng đã có sự thấu hiểu về văn hoá đang tồn tại trong doanh nghiệp mình, thì sự tập trung tiếp theo là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị chúng ta hiện có và những giá trị chúng ta mong muốn. Các khoảng cách này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, truyền thông, đối xử.

Bước 6: Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi văn hóa. Lãnh đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng văn hoá. Lãnh đạo là người đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên.

Bước 7: Soạn thảo một kế hoạch hành động bao gồm các mục tiêu hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể.

Bước 8: Phổ biến nhu cầu thay đổi, kế hoạch hành động và động viên tinh thần, tạo động lực cho sự thay đổi.

Bước 9: Nhận biết các trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi và xây dựng các chiến lược để đối phó. Lôi kéo mọi người ra khỏi vùng thoải mái của mình là một công việc rất khó. Vì vậy người lãnh đạo phải khuyến khích, động viên và chỉ cho nhân viên thấy lợi ích của họ tăng lên trong quá trình thay đổi.

Bước 10: Thể chế hóa, mô hình hóa và củng cố sự thay đổi văn hóa. Các hành vi, quyết định của lãnh đạo phải thể hiện là mẫu hình cho nhân viên noi theo và phù hợp với mô hình văn hoá đã xây dựng. Các hành vi theo mẫu hình lý tướng cần được khuyến khích, động viên; hệ thống khen thưởng phải được thiết kế phù hợp với mô hình xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Bước 11: Tiếp tục đánh giá văn hóa doanh nghiệp và thiết lập các chuẩn mực mới về không ngừng học tập và thay đổi. Văn hoá không phải là bất biến vì vậy khi ta đã xây dựng được một văn hoá phù hợp thì việc quan trọng là liên tục đánh giá và duy trì các giá trị tốt và truyền bá những giá trị đó cho nhân viên mới./.

Văn hóa Doanh nghiệp nhìn từ thực tế của Việt Á

03/10/2008 12:08

Hoàng Linh

(VHDN.VN) – Một điều hiển nhiên, không cần phải bàn cãi rằng, bất kỳ tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển phải có một nền văn hóa riêng biệt, và các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Song, xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào, thì cho đến nay vẫn là câu hỏi lớn đối với không ít các doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, có rất nhiều khái niệm về văn hóa khác nhau và văn hóa doanh nghiệp cũng theo đó mà có nhiều cách hiểu phong phú. Vì vậy, không dễ gì đưa ra một khái niệm chung mà tất cả cộng đồng cùng chấp nhận, nhưng cũng có một cách hiểu chung nhất như sau: Văn hoá doanh nghiệp là hệ thống niềm tin, giá trị và chuẩn mực giải quyết vấn đề được xây dựng trong quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, được thể hiện trong các hình thái vật chất và hành vi của các thành viên. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là văn hóa giao tiếp hay văn hóa kinh doanh, cũng không phải chỉ là những khẩu hiệu của Ban lãnh đạo, mà chính là các ý tưởng, triết lý sống, triết lý kinh doanh được xác định từ lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó đưa vào cuộc sống sản xuất kinh doanh để trở thành bản sắc riêng có của doanh nghiệp đó. Văn hoá doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp ngày càng trở nên cần thiết. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, đây chính là sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hoá, tri thức thì khó có thể đứng vững được.

Thấu hiểu vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Việt Á đã dành nhiều thời gian và công sức để gây dựng, đào tạo, truyền tải các giá trị của văn hóa tới tất cả cán bộ công nhân viên. Trong đó, Việt Á xác định triết lý kinh doanh là: Khách hàng là thượng đế, Bạn hàng là trường tồn, Con người là cuội nguồn, Chất lượng là vĩnh cửu. Từ triết lý đó, Việt Á đã xây dựng nên các chuẩn mực về thu hút, gìn giữ và phát triển nhân tài; về phong cách giao tiếp với khách hàng, đối tác và ngay cả đối với đồng nghiệp; cách ăn mặc; đi đứng; trả lời điện thoại, cách cúi chào, động tác bắt tay cho đến những cam kết về tiến độ, số lượng và chất lượng các sản phẩm… đều được tập thể rèn rũa, duy trì.

Xuyên suốt quá trình phát triển, mục tiêu của Việt Á là hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thị trường, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, hòa nhập với văn hóa quản lý kinh doanh tiên tiến nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa Việt, văn hóa con người Việt Á. Với tinh thần ấy, người “nhạc trưởng” Phạm Thị Loan đã tạo ra một Đạo kinh doanh riêng cho Việt Á, đó là:

– Có một tập thể những con người có tri thức, có văn hóa, năng động, sáng tạo, hiệu quả, ham học hỏi, tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và luôn coi “Công ty là gia đình, đồng nghiệp là anh em”.

– Những sản phẩm, dịch vụ của Việt Á là những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao kết tinh từ những tinh hoa trí tuệ của con người Việt Á cộng với công nghệ máy móc tiên tiến, quy trình tổ chức sản xuất tuân thủ Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 được kiểm soát chặt chẽ đến từng khâu, từng chi tiết.

– Có hệ thống nhà cung cấp được chọn lọc, có uy tín, chất lượng cao, giá cạnh tranh. Luôn hợp tác, tôn trọng, chia sẻ, hỗ trợ nhau đồng hành và cùng phát triển. Có hệ thống khách hàng truyền thống lớn. Được khách hàng tin cậy trên cơ sở sản phẩm dịch vụ tốt, tận tâm với khách hàng. Có khả năng dễ dàng mở rộng và phát triển hệ thống khách hàng dựa trên cơ sở uy tín về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và danh tiếng về thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp.

– Bộ máy Lãnh đạo đoàn kết, có năng lực cao, có tư cách chuẩn mực, luôn hướng tới lợi ích cộng đồng, trong đó quan tâm đến lợi ích của cán bộ công nhân viên và nhà đầu tư (cổ đông); Luôn triệt để thực hiện những cam kết của mình. Tính minh bạch và trách nhiệm cao của Lãnh đạo tạo ra sự tin cậy của tất cả những ai có liên quan và dễ dàng có được sự hợp tác, hỗ trợ từ nhiều phía, thúc đẩy cho Tập đoàn phát triển nhanh, mạnh, vững chắc.

Việc áp dụng những quy tắc, hướng dẫn cùng với sự ủng hộ và đồng thuận của mọi cá nhân trong Tập đoàn đã hình thành nên nét văn hóa riêng, những giá trị quy chuẩn, là “thức ăn” hàng ngày không thể thiếu được trong quá trình hoạt động. Những ai đã một lần làm việc, tiếp xúc với Việt Á hẳn sẽ không bao giờ quên được sức hút của vị Tổng Giám Đốc Phạm Thị Loan và tập thể của bà không chỉ ở tài thao lược kinh doanh khắp thị trường trong và ngoài nước, mà còn bởi phong cách làm việc công nghiệp, sáng tạo, quyết đoán mạnh mẽ, nụ cười tươi sáng và cách diễn đạt đầy thuyết phục.

Nhờ có văn hóa doanh nghiệp, mà Việt Á đã có sức vươn lớn, một sự phát triển hết sức thuyết phục. Từ một doanh nghiệp nhỏ, chỉ vẻn vẹn có 5 thành viên với một văn phòng chưa đầy 20 m2, sau 13 năm đã trở thành một trong những tập đoàn lớn ở Việt Nam với 17 công ty, đơn vị thành viên; 7 nhà máy và 6 văn phòng đại diện; gần 2.000 cán bộ công nhân viên làm việc thường xuyên.

Cùng với sự phát triển về nhân sự, thương hiệu Việt Á được khẳng định thông qua sự gia tăng doanh số SXKD hàng năm. Nếu như năm 1999 doanh số của công ty mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn 20 tỷ đồng/năm, thì đến năm 2007 doanh số đã đạt tới 1.500 tỷ đồng. Sự tăng trưởng doanh số đều đặn hàng năm thêm một lần nữa minh chứng cho sự phát triển bền vững của Việt Á. Đằng sau yếu tố thành công của Việt Á hôm nay ẩn chứa nhiều điều, trong đó không thể không nhắc tới Văn hóa doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất, mà bà Phạm Thị Loan, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vẫn thường nhắc tới trong các buổi tiếp xúc với đối tác, với các phương tiện truyền thông và trong những cuộc nói chuyện, tâm sự, động viên với công nhân tại nhà máy./.

(Trong bài viết có sử dụng một số tư liệu do Tập đoàn Việt Á cung cấp)

 

Giọt nước mắt hội ngộ

25/08/2008

Hoàng Linh

 

VHDN.VN) – Chờ đợi mãi, rồi cái buổi sáng đầy ý nghĩa đấy cũng tới. Quảng trường Cách mạng tháng 8 trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội nườm nượp từng đoàn người kéo về. Những cựu chiến binh ngực đầy huân chương; những anh thương binh trên mình còn đầy vết thương, những thân thể không còn lành lặn…

 

Cảm xúc trào dâng, họ ôm chầm lấy nhau, xúc động kể cho nhau nghe những kỷ niệm một thời binh lửa, những cực khổ, gian nan trên hành trình lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai. Vâng, họ là đồng đội của nhau, những người đã từng một thời xông pha nơi chiến trường, những con người từng một thời “chia bom xẻ đạn”, một thời từng nhường nhau từng cọng rau rừng, chia nhau từng hơi thuốc lá… Và hôm nay họ là những Doanh nhân ưu tú, lại cùng nhau “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế, trong sự nghiệp chấn hưng đất nước. Xúc động quá đi chứ. Đã lâu lắm rồi, các anh mới được gặp nhau trong buổi hội ngộ mang tên: “Đồng đội tôi – Những người Lính là Doanh nhân” do Trung tâm – Tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Những giọt nước mắt hội ngộ đã lăn dài trên những khóe mắt đầy vết chân chim, trên những khuôn mặt da đã ngả đồi mồi… Xúc động hơn, chương trình đã được đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư và đón các đồng chí: Trần Đức Lương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Phạm Văn Thọ: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Văn Tuấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; Lê Ngọc Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đến dự, động viên chương trình.

 Đúng 9 giờ sáng, chương trình bắt đầu. Cả khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội hơn 500 ghế ngồi đã chật kín chỗ. Mọi người đều lặng đi khi dàn đồng ca của CLB Ca khúc Đồng đội và CLB Thương binh Hà Nội cùng cất lên bài hát: “”. Họ những ca sỹ không chuyên nhưng bằng cả tấm lòng, gan ruột của mình cùng cất lên tiếng ca, gửi tới các đồng đội, những người còn sống hôm nay và cả những người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ; những con người vượt khó đi lên thành đạt, thành những doanh nhân tiêu biểu trên mặt trận kinh tế và cả những người đang còn chịu bao nỗi khó nhọc của đời thường. Cả khán phòng cùng lặng đi nghe họ hát, những khúc ca nói về ngày hội ngộ của các cựu chiến binh, những lời nhắn nhủ cùng nhau gắng sức dựng xây đất nước của những con người một thời là lính, kiên cường chiến đấu chống quân thù, nay lại bền chí trong sự nghiệp phát triển kinh tế…Lặng đi, để rồi òa ra những tràng vỗ tay rần rật: “Những thươg binh, cựu chiến binh này hát hay quá, nói không ngoa chứ cứ gọi là hơn đứt cái đám Sao mai điểm hẹn đang phát trên TV ấy chứ!” – Đã có ai đó thốt lên trầm trồ.

Thay mặt Ban tổ chức, NSƯT Phạm Đông với chất giọng từng làm đắm say nhiều khán giả màn ảnh nhỏ của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đọc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thay cho lời khai mạc. Các tiết mục lần lượt diễn ra theo kịch bản, mà không hề vấp váp, đúng thời gian đã định, vì đây là chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Điều đặc biệt của chương trình này là, tất cả các tiết mục ca múa nhạc đều do các thương binh, cựu chiến binh của CLB Ca khúc đồng đội và CLB Thương binh Hà Nội đảm nhận. Tuy không phải là những nghệ sỹ chuyên nghiệp, nhưng bằng cả tấm lòng vì đồng đội, các giọng ca không chuyên ấy đã truyền cho khán giả, những khách mời tình cảm đặc biệt. Cả khán phòng một lần nữa lại lặng đi khi tốp ca của CLB Ca khúc đồng đội trình bày bài “Đồng đội ơi”. Lời bài hát thật da diết, thật cảm động lại được hát ra từ gan ruột những “ca sỹ thương binh”, đã làm nao lòng người nghe. Những tiếng gọi đồng đội cứ da diết mãi không thôi. Các anh ơi, đồng đội của tôi ơi! Chiến tranh đã đi vào quá vãng mấy chục năm rồi, mà sao không thấy các anh về chung vui với dân tộc, để chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp! Giặc đã hết rồi, sao các anh còn nằm mãi ở cái nơi mà chỉ có trời trắng xóa, mây trắng xóa, hương khói trắng và bướm trắng chập chờn bay. Lạnh lẽo quá, càng thương các anh càng biết ơn các anh đã nằm lại cho cả dân tộc hôm nay được sống trong ấm no, hạnh phúc. Thôi thì hãy cứ để chúng tôi được khóc cho linh hồn các anh như một lời tri ân, cho nhẹ bớt nỗi lòng với đồng đội.

Có lẽ đó cũng là nỗi lòng, tình cảm chung của tất cả những khách mời tham gia chương trình, nên bất giác trong khán phòng đã có những tiếng nấc nhè nhẹ, những cựu chiến binh gan góc một thời cũng kín đáo đưa tay gạt những giọt nước mắt chực tuôn rơi. Xúc động quá đi chứ! Ngay như chúng tôi, những người làm chương trình đã được duyệt đi, duyệt lại bài hát cũng vẫn còn không cầm nổi nữa là. Ngay như các ca sỹ không chuyên của chúng ta, đã biểu diễn bài hát này không biết bao lần rồi, mà trong giọng hát vẫn còn ầng ậc nước. Nói sao cho hết những tình cảm giạt dào, xúc động của khán giả qua các tiết mục của chương trình. Những đoạn video clip được chúng tôi thực hiện khá công phu, những câu chuyện kể về những tấm lòng vì đồng đội, những con người đầy nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, qua mọi tật nguyền để vươn lên thành đạt, tô điểm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn đã khiến cho khán giả phải rưng rưng.

Rồi để ghi công, tôn vinh những con người đầy bản lĩnh ấy, Trung tâm Văn hóa doanh nhân đã dành trên 70 Kỷ niệm chương, tặng cho các đồng đội – những người lính là doanh nhân. Đích thân đồng chí Trần Đức Lương – nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Trần Văn Tuấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã lên sân khấu trao Kỷ niệm chương cho các doanh nhân là cựu chiến binh, thương binh. Lễ trao Kỷ niệm chương đã diễn ra thật long trọng, nhưng không kém phần hào hứng. Là những người dày dạn kinh nghiệm trong các cuộc tổ chức sự kiện, nên phần trao Kỷ niệm chương lần này đã được diễn ra gọn gàng, không hề vấp váp dù chỉ là một chi tiết nhỏ.

Nói vậy chứ, để làm được tốt, chúng tôi đã phải trải qua các khâu chuẩn bị rất chu đáo, từ bông hoa cho đến khay đựng; từ Kỷ niệm chương đến việc sắp xếp như thế nào cho hợp lý, đảm bảo tính khoa học. Việc sắp xếp chỗ ngồi cho những người được nhận để đến lúc trao đảm bảo lần lượt bước lên sân khấu từng người một cũng đã được bố trí gọn gàng và phân công người giám sát, phân bổ theo danh sách cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Riêng việc bưng khay, bước ra sân khấu, nâng khay cho người trao, rồi hướng dẫn người nhận đứng đúng vào vị trí trên sân khấu đòi hỏi kỹ năng của nhuần nhuyễn của từng thành viên trong đội. Tất cả những động tác nói trên đã được tập đi, tập lại ngay từ hôm trước và phải làm như thật ngay từ lúc tập dượt. Các tiết mục khác cũng thế, từ chiều ngày 19/7/2008, Ban tổ chức đã phải chỉnh trang từng ly, bấm giờ cho từng tiết mục, đảm bảo khớp với thời lượng phát sóng của truyền hình.

Công việc bề bộn, lo lắng xen lẫn tình cảm dạt dào với những đồng đội, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam, Đại tá, nhà văn Lê Lựu đã bị cơn bạo bệnh quật xuống. Nhưng bản chất kiên cường của “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong ông đã trỗi dậy. Ông vẫn gắng gượng điều hành từng công việc một, không bỏ sót chi tiết nào, dù là nhỏ nhất. Là cấp dưới của ông, làm việc với ông nhiều năm chúng tôi hiểu, ông sẽ không chịu ngồi yên nếu chưa nhìn thấy công việc được tiến hành một cách suôn sẻ. Nhưng dù sao thì ông cũng chỉ là một con người, bệnh tật đâu có chịu buông tha. Cho đến chiều ngày 19/7/2008, thì ông đã gần như kiệt sức. Mặc dù vậy, ông vẫn gắng gượng đến Nhà hát lớn chỉ huy, điều hành buổi tổng duyệt. Bởi đây là một chương trình đặc biệt, là tình cảm của ông với đồng đội, nếu có gì sơ sẩy, ông sẽ cảm thấy có lỗi với những người từng hy sinh xương máu, công sức cho tổ quốc. Khi thấy các tiết mục đã ăn khớp ông mới chịu ra về theo lời đề nghị của chúng tôi, để chúng tôi làm nốt những phần còn lại. Lòng chúng tôi sắt lại khi thấy bóng ông liêu xiêu bên cạnh người dìu đi ra khỏi cửa nhà hát. Những cán bộ chủ chốt của cơ quan quyết định đưa ông đi chụp phim. May mắn thay, ông chỉ bị xuất huyết não nhẹ, bác sỹ kết luận, ông bị teo một phần não và bị tụ máu bằng hạt ngô trước trán. Buổi tối, một cuộc họp bất thường các cán bộ chủ chốt đã diễn ra. Kết luận, Giám đốc phải vào viện điều trị, tất cả anh chị em CBCNV cố gắng hoàn thành tốt phần việc của mình để khỏi phụ lòng mong đợi của ông. NSƯT Phạm Đông được Nhà văn Lê Lựu ủy thác cho việc đọc thư của Chủ tịch nước và là tổng đạo diễn chương trình.

Mọi việc đã sắp xếp xong, chương trình chắc chắn sẽ diễn ra như mong đợi. Vậy mà buổi sáng 20/7/2008, trên đường đi vào viện 108 để nằm điều trị, Đại tá, Nhà văn Lê Lựu vẫn cứ tạt qua trước cửa Nhà hát lớn, cho gọi từng người ra dặn dò cặn kẽ. Cảm phục trước nghị lực và tình cảm của ông, anh chị em càng gắng sức tập trung cao độ vào công việc được giao. Và chương trình đã thành công ngoài dự kiến. Kết thúc chương trình, cả khán phòng mấy trăm con người đều trầm trồ tán thưởng xen lẫn chút tiếc nuối. Chương trình đã để lại tình cảm sâu sắc cho những khách mời tham dự và cho cả những người vinh dự được nhận Kỷ niệm chương.

Ngay sau khi hoàn tất các công việc còn lại, toàn thể anh chị em CBCNV đã vào viện thăm, báo cáo kết quả với Giám đốc. Gương mặt ông rạng ngời, bệnh tật đã vợi đi đáng kể./.     

 

Văn hóa doanh nghiệp: Những giá trị đích thực của công ty

19/08/2008

Minh Trang

 

(VHDN.VN) – Ngày nay, cụm từ “Văn hoá doanh nghiệp” được nhắc nhiều trong các diễn đàn và trong cả đời sống sản xuất, kinh doanh của các công ty. Tuy nhiên, để xây dựng thành công Văn hoá doanh nghiệp, cần một quá trình tìm tòi và sự đầu tư không nhỏ cả về tinh thần lẫn vật chất từ doanh nghiệp.

 

Điều này khiến Văn hoá doanh nghiệp trở nên quá “cao sang”, nhiều doanh nghiệp khó chấp nhận nếu không thấu hiểu những giá trị đích thực của nó. Theo nhiều nhà phân tích thì Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình của công ty, giúp công ty phát triển bền vững, thậm chí có thể vượt qua “bão tố”, ngay cả khi doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Một điều hiển nhiên là, khi công ty đang trong thời kỳ khó khăn, không thể trông chờ vào sự hy sinh và nỗ lực của một người hay một nhóm người. Hơn lúc nào hết, một tập thể đoàn kết nhất trí cùng hy sinh cho một mục đích, sẽ là sức mạnh giúp công ty vượt qua mọi khó khăn. Và muốn đạt được như vậy, thì doanh nghiệp phải có một văn hoá mạnh, trong đó có văn hoá của sự hy sinh. Một dẫn chứng tiêu biểu cho điều này là Lee Iacocca và các nhân viên của công ty Chrysler. Năm 1978, khi công ty đang rơi vào tình cảnh phá sản với 130.000 cán bộ nhân viên có nguy cơ thất nghiệp, thì Lee và các cộng sự đã đưa vào công ty một văn hoá của sự hy sinh quên mình. Ai ai cũng cố gắng làm việc, tất cả vì sự sống còn của công ty, vì sự bình an của mọi người. Và mọi khó khăn đã vượt qua, công ty đã đứng vững và phát triển (Đinh Việt Hoà – Lanhdao.net). Còn khi “xuôi chèo mát mái” thì văn hoá sẽ giúp nâng giá trị của công ty lên gấp nhiều lần. Nghiên cứu của những nhà xã hội học Mỹ cho thấy, những công ty tuân thủ văn hoá doanh nghiệp chính đáng thì giá trị của công ty có thể tăng lên tới 200%, thậm chí hiệu quả còn cao hơn, ví dụ như: General Electric (GE), Southwest Airline, IBM…

Một công ty có môi trường văn hóa sẽ luôn chứa đựng: Tầm nhìn rõ ràng; Sứ mệnh và nhiệm vụ cụ thể; Kiên định trong mục tiêu; Mạnh mẽ trong lãnh đạo; Tuyển những người tài giỏi; Tự do trong hợp tác; Quyền lực được chia sẻ; Mục tiêu là khách hàng; Ý tưởng được xem xét; Cải tiến được ủng hộ; Thành công được ghi nhận…(Đinh Việt Hoà – Lanhdao.net). Trên thực tế thì ở mỗi công ty, những tiêu chuẩn này được sắp xếp, ưu tiên theo trình tự khác nhau, song ở các công ty lớn và thành công trên thế giới, những tiêu chuẩn đó đều được kiên định tuân thủ một cách chặt chẽ. Bởi lẽ, khi tuân thủ các chuẩn mực đó, doanh nghiệp sẽ tạo nên sức mạnh, theo đó, mọi thành viên trong công ty luôn xác định được vai trò của mình trong tổ chức. Với những mục tiêu rất cụ thể, họ được sống trong môi trường cống hiến, được chia sẻ ý tưởng và được ghi nhận khi thành công… Tất cả đều hiểu rằng, họ là thành phần không thể thiếu của công ty.

Văn hóa doanh nghiệp còn tạo ra được sự khích lệ, động lực cho mọi người và tạo nên một khí thế chiến thắng. Ngày nay, khi những chuẩn mực thành công không còn được đo bằng tính cá nhân nữa, mà đã được đẩy lên tầm tập thể, thì một cá nhân cho dù có thành công ở một lĩnh vực nào đó cũng không được ghi nhận, nếu tập thể chứa dựng cá nhân đó không thành công. Đây là một quan niệm rất mới trong giới lãnh đạo hôm nay, đó là: chỉ có làm việc tập thể thì giấc mơ thành công mới trở thành hiện thực. Hoặc nói một cách khác, khả năng lãnh đạo được đo bằng kết quả lãnh đạo một tập thể, tập thể càng lớn thì khả năng lãnh đạo càng cao, càng có nhiều người cùng tham gia thì công việc càng sớm được hoàn thành. Khi tất cả tập thể cùng tập trung vào một mục tiêu, tinh thần tập thể phấn chấn thì khả năng thành công là vô cùng lớn. Ở đây vai trò của người lãnh đạo trở nên rất quan trọng, đó là khả năng tập hợp những người dưới quyền hướng vào mục tiêu, được thể hiện rất rõ bởi tính gương mẫu của người lãnh đạo. Và chìa khóa của sự thành công chính là Văn hóa doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Linh – Phó viện trưởng Viện các vấn đề xã hội, thì khi xây dựng Văn hoá doanh nghiệp, có bốn giá trị quan trọng cần được đề cao gồm: Sự hoàn thành công việc; Sự giúp đỡ, cảm thông, học hỏi; Sự lương thiện; Sự công minh, công bằng. PGS.TS Nguyễn Thu Linh cho rằng: Để tạo dựng được giá trị văn hóa, doanh nghiệp phải mất nhiều năm và giá trị chỉ khẳng định được sự xác lập của nó thông qua việc thâm nhập, chuyển tải các biểu hiện của giá trị vào các nhóm yếu tố chuẩn mực và yếu tố hữu hình. Điều này cho thấy, giá trị khi đã được xác lập muốn xóa bỏ nó cũng không dễ trong ngày một ngày hai, nhưng giá trị cũng có thể bị suy thoái, bị thay đổi trong một số điều kiện.

Như vậy, trước hết, cái quan trọng nhất khi nhìn doanh nghiệp ở góc độ văn hóa là các giá trị văn hóa nào đã được doanh nghiệp đề xướng, quán triệt hay tuân thủ. Đây không chỉ là câu khẩu hiệu treo trên tường, hoặc bài phát biểu của Giám đốc doanh nghiệp, mà chúng ta phải tìm thấy sự hiện diện của các giá trị này qua nhiều nhóm yêu tố văn hóa khác. Ví dụ, một doanh nghiệp đề cao sự tận tụy với khách hàng là một trong những giá trị mà họ theo đuổi, thì người ta phải thấy giá trị này được tôn vinh qua phiếu đánh giá của khách hàng về nhân viên, giá trị này cũng phải được chuyển tải trong việc tuyển dụng nhân viên.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể nhận một nhân viên còn non yếu về kỹ năng, nhưng nhân viên ấy thích thú khi được phục vụ, hơn là nhận một người có kinh nghiệm nhưng không có động cơ phục vụ. Bởi yếu kém về nhận thức, kỹ năng có thể học để bù đắp, còn sự thay đổi động cơ sẽ khó khăn hơn. Và dĩ nhiên, nhân viên nào làm việc có hiệu quả, phục vụ khách hàng tốt sẽ là người được thăng tiến, khen thưởng trong doanh nghiệp. Do đó, người ta có thể nói: “Hãy cho tôi biết trong cơ quan anh chị người được trọng dụng là người như thế nào, tôi sẽ nói được văn hóa của tổ chức anh chị là văn hóa như thế nào”…

Văn hóa làm nên giá trị đích thực của một công ty và là tài sản vô hình của công ty đó, điều này không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, đâu là những giá trị đích thực của một doanh nghiệp cụ thể thông qua việc xây dựng Văn hóa doanh nghiệp thì còn là một câu chuyện dài. Trong khuôn khổ bài viết có hạn này, chỉ có thể nêu lên những nét chính và một số ví dụ cụ thể để bạn đọc có được khái niệm về giá trị đích thực của công ty có được bởi văn hóa. Chuyên mục “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, Tạp chí Văn hóa doanh nhân Việt Nam rất mong nhận được nhiều ý kiến của các học giả, doanh nhân… xung quanh vấn đề này./.

 

Đêm thơ Nguyên Tiêu giữa chốn rừng núi thiêng liêng

21/04/2008

Hoàng Linh

 

(VHDN.VN) – Bắt đầu bằng ý tưởng rất chông chênh, rất táo bạo, đã hai năm nay Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu. Sáng kiến này bắt nguồn từ việc tạo sân chơi cho các doanh nhân đến với thi ca, lấy từ tiêu đề một bài thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ Nguyên Tiêu.

Đối với giới doanh nhân, Bác Hồ kính yêu đã từng dành những tình cảm đặc biệt bằng lá thư khen ngợi, cổ vũ gửi cho giới công thương ngay từ khi Cách mạng còn trứng nước. Ấy cũng là ý nghĩa sâu xa của Đêm thơ Nguyên Tiêu mà Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam khởi xướng, để giới doanh nhân Việt Nam gửi tới Bác Hồ lòng biết ơn và là nén tâm nhang thành kính dâng lên các bậc anh linh của dân tộc.

Năm nay, Đêm thơ Nguyên Tiêu, với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam với đêm thơ Nguyên Tiêu”, có sự phối hợp của UBND tỉnh Hải Dương đã được tổ chức tại Côn Sơn, ngay trong khuôn viên Đền thờ Nguyễn Trãi. Giữa nơi rừng núi linh thiêng, nơi gặp gỡ của hai tư tưởng lớn, hai vị anh hùng dân tộc, hai nhà văn hóa lớn của nhân loại, Đêm thơ Nguyên Tiêu càng trở nên huyền diệu, mang một sắc thái văn hóa cao siêu. Có lẽ cũng vì thế mà Đêm thơ Nguyên Tiêu năm nay đã khiến cho Ban tổ chức vừa bất ngờ, vừa mừng vui và tự hào bởi sự thành công ngoài sức tưởng tượng. Dễ đến một nghìn khán giả yêu thơ là doanh nhân, các vị khách mời và nhân dân Hải Dương, Chí Linh đã tới dự, đứng ngồi chật cứng cả khoảng sân ngay trước Đền thờ Ức Trai. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, mà toàn là những việc đại sự quốc gia, những việc ảnh hưởng trực tiếp đến quốc dân đồng bào, nhưng đồng chí Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam cũng đã tới dự. Đồng chí Bùi Thanh Quyến – Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã xếp hết công việc để về dự một đêm thơ đáng nhớ với các Doanh nhân. Một chi tiết nữa cũng thật thú vị, đó là khi bắt đầu khai mạc, hàng mấy chục hàng quán trong khu vực lễ hội đồng loạt đóng cửa để đến nghe thơ, mặc dù không mấy khi có một đêm khách khứa đổ về đông như thế. Thế mới biết, tình yêu với thơ ca của dân ta nói chung, của người dân Hải Dương nói riêng khó có nơi nào trên thế giới bì kịp. Đêm thơ Nguyên Tiêu 2008 đã kết thúc trong sự hân hoan của toàn thể Ban tổ chức, các vị khách quý, các doanh nhân và gần một nghìn khán giả. 

Ấy thế nhưng để có được thành công đó, Ban tổ chức đã phải đổ không biết bao công sức tâm huyết trong suốt thời gian từ trước Tết âm lịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam đã tổ chức tới hai cuộc, một là tổ chức cho giới doanh nhân cả nước chào xuân mới vào ngày 20 tháng chạp, sau đó là nghỉ Tết, rồi bắt tay ngay vào chuẩn bị cho Đêm thơ Nguyên Tiêu. Ấy là cả một núi công việc chồng chất. Vừa nghỉ Tết ra, tất cả guồng máy lại tăng tốc chạy đua với thời gian, nào là chuẩn bị các vật chất cần thiết cho việc tổ chức Đên thơ, nào là viết kịch bản, đi Hải Dương để thống nhất chương trình phối hợp với Ủy ban tỉnh… Tất thảy đều tất bật, nhưng không ai là không vui, cơ quan lúc nào cũng như có hội. Tích cực, sát sao và cụ thể, đó là những động thái của UBND tỉnh Hải Dương, mà trực tiếp là chị Đặng Thị Bích Liên – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Người tích cực và có trách nhiệm rất cao nữa phải kể tới là anh Đặng Việt Cường – Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương. Anh đã không quản ngại vất vả, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo sát sao từng phần việc ngay từ lúc khởi xướng cho tới tận khi Đêm thơ kết thúc. Các cơ quan được Ủy ban tỉnh giao nhiệm vụ cũng đã vào cuộc từ rất sớm. Các phương án: sân bãi, phông màn, tiết mục thơ, văn nghệ… được chuẩn bị một cách chu đáo. Mặc dù sẽ phải căng ra để phục vụ một loạt lễ hội và các hoạt động văn hóa trong dịp sau Tết, nhưng hai đoàn nghệ thuật của Hải Dương là Đoàn Chèo và Đoàn Ca múa nhạc đã không quản ngày đêm tập dượt để dành cho Đêm thơ hai tiết mục đặc sắc.

Cẩn thận, chỉn chu tới mức cực kỳ khó tính vẫn là cái chất muôn thuở của vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam – nhà văn Lê Lựu. Cho tới tận chiều 14 tháng giêng (là ngày tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu), mà ông vẫn rà soát lại kịch bản và bài phát biểu khai mạc, rồi lại sửa chữa, hiệu chỉnh… khiến anh em cán bộ, đạo diễn chương trình, MC và các nghệ sỹ của Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam chạy cứ như “đèn cù”. Ấy thế nhưng vì đã hiểu rõ tính ông, phần vì biết chắc làm như vậy sẽ khiến chương trình chạy êm, tránh được những vấp váp, nên tất thảy anh chị em đều vui vẻ hoàn tất phần việc của mình, thật là một buổi làm việc vất vả…

Nhờ thế chương trình đã được khai mạc đúng như dự kiến. Mở đầu là lễ dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Trãi. Lời tấu trong lễ dâng hương được Ban Tổ chức phân công cho Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hải Dương, anh Trần Minh đọc trước giờ khai mạc có vài tiếng. Thế nhưng như có phép lạ, anh đã thể hiện rất thành công lời tế không kém gì nghệ sỹ chuyên nghiệp: “Hôm nay tại Đển thờ Nguyễn Trãi, Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, chúng con: Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam – UBND tỉnh Hải Dương làm lễ dâng hương kính xin Người cho phép chúng con được tổ chức chương trình Doanh Nhân Việt Nam với Đêm thơ Nguyên Tiêu.

Tại nơi non xanh nước biếc này – những bài thơ tuyệt tác đầy tâm trạng nhân tình, thế thái của một bậc vĩ nhân, nhà hiền triết đã ra đời với bao nhiêu buồn vui, trắc ẩn. Côn Sơn đã trở thành nơi thành kính thiêng liêng của bao tấm lòng người con nước Việt hướng về Nguyễn Trãi – như hướng về nguồn cội non nước Việt Nam. Và sau Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là hiện thân của dòng chảy lịch sử hào hùng đã tiếp nối một cách xứng đáng cho con cháu muôn đời noi theo. Đêm Nguyên tiêu tại Côn Sơn hôm nay, con cháu của Nguyễn Trãi – Hồ Chí Minh lại tụ họp về đây với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, cùng nhau làm lễ dâng hương tưởng nhớ các vị thánh nhân, các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới tại đền thờ anh linh của Người – xin bái tấu…”. Giọng anh sang sảng, vọng vào núi rừng Côn Sơn, hòa với tiếng thông reo vi vút tựa như tiếng hồn sông núi từ ngàn xưa vọng lại. Các vị đại biểu đại diện cho Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Hải Dương, đại diện cho giới doanh nhân và Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam lần lượt lên dâng hương với tầm lòng thành kính.

Sau lễ dâng hương, màn múa trống do các nghệ sỹ Đoàn Chèo Hải Dương thể hiện khiến màn đêm như vỡ òa ra bằng những hồi trống khi thì trầm hùng, khi lại giục giã. Xen lẫn với tiếng trống là những vũ điệu mang đậm bản sắc Việt, khiến khán giả lặng đi, cùng phiêu diêu vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Vẫn mang khí phách ấy, giọng ngâm của nghệ sỹ Phan Muôn đã tiếp nối màn múa trống bằng bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ Tịch Hồ Chí Minh với những vần thơ hào sảng, thấm đượm tình yêu thiên nhiên, đất nước, chứa đựng biết bao khí phách hào hùng của hồn thiêng sông núi Việt Nam và lạc quan vô bờ bến với con đường kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đêm thơ Nguyên Tiêu năm nay, nhà văn Lê Lựu đã có bài phát biểu khai mạc hoành tráng, nhưng cũng đầy tình cảm và xúc động chưa từng thấy. Bài phát biểu của ông ngắn gọn, súc tích song hàm chứa những tình cảm sâu sắc của ông với hồn thiêng sông núi, anh linh các vị anh hùng dân tộc, hai nhà văn hóa lớn của nhân loại và với giới doanh nhân cả nước. Ông nói: “Doanh nhân Việt Nam từ tầng lớp thị dân của xã hội, nay đã trở thành những hình ảnh đẹp đẽ trong lòng người dân. Họ là những dũng sỹ tiên phong trong sự nghiệp làm giàu cho đất nước. Họ không chỉ là những người chỉ biết lăn mình vào thương trường cạnh tranh khốc liệt, mà họ còn là những người có tâm huyết, có trí tuệ, tài năng, có văn hoá biết làm ra đồng tiền sạch trong một ý tưởng lớn, tầm nhìn xa, rộng, tạo dựng một ý thức sống bền vững – làm doanh nhân phải có văn hoá. Văn hoá là cái vô hình nhưng là cái mãi mãi cho muôn đời”. Trong bài phát biểu, ông cũng nêu rõ ý nghĩa của Đêm thơ Nguyên Tiêu và ý nghĩa sâu xa của chương trình “Doanh nhân Việt Nam với Đêm thơ Nguyên Tiêu” được tổ chức tại Đền thờ Nguyễn Trãi năm nay. Theo đó, việc tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu năm nay không còn đơn giản là một hoạt động văn hóa, mà là nén hương thành kính từ đáy lòng chúng ta để cùng nhau thắp sáng lên sự biết ơn và niềm tin sâu sắc của giới Doanh nhân và toàn thể nhân dân ta, nguyện mãi mãi đi theo ánh sáng của các bậc anh linh. Giữa giờ phút linh thiêng của đêm thơ Nguyên Tiêu tại đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, nhà văn Lê Lựu đã thay mặt BTC, trịnh trọng tuyên bố khai mạc chương trình.

 Lời chào mừng của Phó chủ tịch tỉnh Đặng Thị Bích Liên đại diện cho UBND tỉnh Hải Dương cũng thật xúc động. Bài nói của chị ăm ắp tình cảm với giới doanh nhân, với Đêm thơ Nguyên Tiêu và thành kính với các bậc tiền nhân. UBND tỉnh Hải Dương cũng cảm ơn Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam đã có ý tưởng phối hợp, giúp tỉnh Hải Dương có một đêm thơ, một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa ngay trên mảnh đất linh thiêng này.

Ấn tượng nhất trong Đêm thơ là tiết mục ngâm thơ của doanh nhân Phạm Thị Loan – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á. Bài thơ chị chọn ngâm là bài Côn Sơn ca, Một tác phẩm bất hủ của Nguyễn Trãi. Bài thơ dài, nhiều tâm sự, khi thì tự tại siêu thoát, lúc thì ai oán trách đời… là một bài khó ngâm ngay cả với nghệ sỹ chuyên nghiệp. Cả khán trường hồi hộp chờ xem một doanh nhân sẽ thể hiện nó như thế nào. Ban Tổ chức còn lo gấp mấy lần, đến mức phải “nín thở” để theo dõi. Nói dại, chứ nhỡ ra chị Loan ngâm mà “gãy” thì thật là chẳng hay chút nào. Nhưng thật bất ngờ, chị đã ngâm hết sức thành công, mà lại còn rất hay nữa. Một số câu như: “Về đi sao chẳng sớm toan”… chị còn dùng làn điệu Bồng mạc sa mạc một cách rất chuyên nghiệp. Kết thúc bài thơ, cả khán trường òa lên những tràng vỗ tay tán thưởng, ai cũng xúc động trước giọng ngâm của chị, còn Ban Tổ chức thì… thở phào nhẹ nhõm. Nghệ sỹ ưu tú Vũ Hà, nguyên là Phó trưởng ban Văn học Nghệ thuật của Đài TNVN chỉ còn biết tấm tắc nhận xét: “Không kém gì chuyên nghiệp”. Thế mới nói, ai đó cứ nghĩ rằng doanh nhân là những người khô cứng, thực dụng, chỉ biết đến đồng tiền thì thật là sai lầm. Thực ra họ là những người luôn khát khao cái đẹp, cũng lãng mạn và yêu thơ ca nghệ thuật, thậm chí còn có lúc thăng hoa hơn cả nghệ sỹ. Và còn bất ngờ hơn nữa, cách đêm biểu diễn có 2 ngày, chị mới nhận được bài thơ này. Gấp như thế thì có như nghệ sỹ chuyên nghiệp còn “choáng” nữa là. Thế mà chị đã rất cố gắng để học thuộc và tập ngâm thơ trong khi bản thân chị, với cương vị lãnh đạo cao nhất của một tập đoàn, bận trăm công ngàn việc, nếu không có tình yêu với nghệ thuật thì phỏng có làm được chăng! Hỏi, chị nở nụ cười rất tươi cho biết, Chị đã dành nguyên hai buổi tối để tập đi, tập lại rồi ngâm thử cho chồng nghe và bắt anh phải nhận xét xem đã được chưa. Chẳng may đúng buổi tối diễn ra Đêm thơ Nguyên Tiêu thì chị bị viêm họng. Rất nhanh trí, chị làm ngay một cốc nước quất pha muối thì giọng mới đỡ khàn. Giá như chị không bị viêm họng thì chắc là ngâm thơ còn hay hơn nữa. Chị bảo: “Sở trường của tôi là ngâm bài “Núi Đôi” của Vũ Cao cơ”.

Thế rồi như được thổi thêm hồn, các tiết mục về sau cứ thế diễn ra với những hồn thơ lai láng, những bài hat, bài thơ bất hủ của các bậc tiền nhân. GS. TS. Vũ Hiền – Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam cũng đọc rất hay bài “Nỗi nhớ quê nhà” do chính ông sáng tác. Bài thơ này đã được nhạc sỹ Trần Thanh Tùng phổ nhạc, đêm đó được ca sỹ Việt Hoàn thể hiện bằng tấm lòng, tình cảm của anh với quê hương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng có một đêm thăng hoa và có bài nói hay chưa từng thấy. Anh nói về thơ, về tác động của thơ đối với cuộc sống, tình yêu. Thơ còn xuất hiện trong đời sống như sứ giả của hòa bình, tín hiệu cho một cuộc sống bình yên, ở đâu có thơ và có nhiều người yêu thơ thì ở đó tình yêu vượt lên mọi đau thương mất mát, đó là nơi người ta dành cho nhau tình cảm thay vì giương súng lên bắn vào đồng loại. Anh cũng đã tặng cho khán giả của Đêm thơ Nguyên Tiêu bài thơ do anh sáng tác ngay trong những ngày chính biến ở Maxcơva. Bài thơ của anh là tiếng gọi của tình yêu giữa cái đêm tăm tối của nước Nga, giữa sự náo loạn của cuộc chính biến thì “Em ơi hãy cứ yên lòng, đêm tối rồi cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng qua đi chỉ có tình yêu là còn mãi mãi.”… Nhân Đêm thơ này, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam cũng tổ chức trao Biểu tượng vàng Vì sự nghiệp Văn hóa doanh nhân Việt Nam cho 11 doanh nhân suất sắc của tỉnh Hải Dương, nhằm tôn vinh những cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Chương trình kết thúc bằng màn hợp xướng của Đoàn Ca múa nhạc Hải Dương với các vũ công thể hiện màn múa hoành tráng. Khán giả ra về mà lòng như tiếc nuối một đêm thơ đầy ấn tượng. “Hay quá, hoành tráng quá!” – đó là câu mà tác giả bài viết này tình cờ nghe được trong dòng người nườm nượp từ sân Đền thờ Nguyễn Trãi đi ra phía cổng để về nhà.

Tháng Một 27, 2010 Posted by | Văn hóa doanh nhân | Bình luận về bài viết này