Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Tại UBND phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội: Ông Phó Chủ tịch ngang nhiên thách thức công luận

Hoàng Linh – Quang Thuận

Như Báo Người cao tuổi phản ánh, ngày 21-10-2010, UBND phường Hà Cầu ra Quyết định số 236/QĐ-UBND, cưỡng chế nhà bà Nguyễn Thị Hà, vợ liệt sĩ Bùi Xuân Liên. Lí do UBND phường đưa ra là để mở rộng đường vào khu dân cư. Cùng với gia đình bà Hà còn có 2 gia đình nữa cũng chung số phận. Việc cưỡng chế nhà ở của 3 gia đình là hoàn toàn trái pháp luật. Trong khi các gia đình đang khiếu kiện, thì nhà ông Trịnh Thế Dũng, Đại tá công an xây dựng lấn chiếm ngay chỗ đất trống, mà UBND phường đã thu hồi trái pháp luật của các gia đình. Vậy mà, ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Cầu còn ngang nhiên thách thức công luận…

Bà Nguyễn Thị Hoài, 73 tuổi ở khu Cầu Đơ 2, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội trình bày: Gia đình bà đang sử dụng hợp pháp mảnh đất 20,1 m2 suốt từ năm 1982, không có tranh chấp. Ngày 28-10-2010, UBND phường Hà Cầu tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của 3 gia đình, trong đó có gia đình bà và gia đình bà Nguyễn Thị Hà, vợ liệt sĩ Bùi Xuân Liên. Toàn bộ cuộc cưỡng chế này chỉ có Bản thông báo yêu cầu tháo dỡ công trình và quyết định cưỡng chế của UBND phường Hà Cầu, không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền là UBND quận Hà Đông, không có phê duyệt quy hoạch và các thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Theo Bản đồ địa chính số 14 (2B-I-B-d) đo vẽ năm 1998, khi đó là xã Hà Cầu, thì thửa đất gia đình bà Hoài sử dụng mang số 21, diện tích 20,1 m2, kí hiệu T (tức thổ cư). Tại sổ mục kê hiện lưu giữ UBND phường Hà Cầu thì chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị Hoài.
Như vậy, cũng như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Hà, đây là đất ở hợp pháp, thỏa mãn quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, đất ở ổn định trước 15-10-1993, không có tranh chấp, có tên trong bản đồ địa chính, đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ, hoặc được đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cho dù UBND phường Hà Cầu giải thích rằng, cưỡng chế thu hồi đất nhằm mục đích quy hoạch mở rộng đường vào khu dân cư, song không hề có hồ sơ phê duyệt quy hoạch của cấp có thẩm quyền, không có quyết định thu hồi đất và các bước trình tự, thủ tục khi thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật.

Trong khi các gia đình đang khiếu kiện hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật về đất đai của UBND phường Hà Cầu, thì mới đây gia đình ông Trịnh Thế Dũng, Đại tá giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an, vợ là bà Hoàng Thị Bạn tiến hành xây nhà, lấn sang phần đất trống mà UBND phường Hà Cầu đã thu hồi trái pháp luật của các gia đình, với giải thích “để mở rộng đường”… Không những lấn chiếm đất, gia đình ông Dũng, bà Bạn còn đua ban công ra khoảng không, mở nhiều cửa to sang phần đất nói trên. Xác minh tại thực địa cho thấy, phần công trình gia đình ông Dũng, bà Bạn xây lấn có chiều rộng khoảng 1 m, kéo dài hơn chục mét, diện tích khoảng hơn chục mét vuông. Phần đua ban công ra khoảng không cũng khoảng hơn 1 m. Theo tính toán sơ bộ, diện tích đất gia đình ông Dũng, bà Bạn lấn chiếm giá trị khoảng trên 1 tỉ đồng. Nhân dân phản ánh, việc xây dựng lấn chiếm đất của gia đình ông Dũng, bà Bạn được UBND phường, trực tiếp là ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách kinh tế – đô thị dung túng, bảo kê.

Công trình XD lấn chiếm đất của GĐ ông Dũng bà Bạn

Nhận được đơn tố cáo của công dân, phóng viên Báo Người cao tuổi 3 lần tới UBND phường Hà Cầu, gặp ông Nguyễn Hữu Vĩnh đăng kí làm việc, nhưng 2 lần ông Vĩnh cáo bận họp không tiếp. Mặc dù đã có hẹn trước, nhưng sáng thứ ba, 19-4-2011, chúng tôi có mặt theo lịch hẹn thì ông Vĩnh vẫn cáo bận, giục chúng tôi có việc gì thì nhanh lên. Chúng tôi cũng chỉ dám “xin” ông Vĩnh 5 phút để trao đổi, nhưng khi vừa nghe chúng tôi muốn xác minh nội dung nhân dân tố cáo gia đình ông Dũng, bà Bạn xây lấn chiếm đất, ông Vĩnh đã giãy lên như đỉa phải vôi, lớn tiếng quát nhà báo là: “Căn cứ đâu mà bảo người ta lấn chiếm?”. Chúng tôi trình bày, vì như vậy nên mới phải đến UBND phường xác minh. Song, ông Vĩnh vẫn cứ lấn át chúng tôi bằng thái độ hung hăng, bất hợp tác, rồi bỏ ngay ra cửa, mặc chúng tôi đứng như trời trồng trong phòng làm việc của ông ta. Ra ngoài sân rồi mà ông Vĩnh vẫn lớn giọng thách thức: “Làm gì thì làm đi, làm gì được nhau nào?”.

Thái độ nói trên của ông Vĩnh với chúng tôi, quả thật không thể chấp nhận được. Là một cán bộ lãnh đạo địa phương mà ngang nhiên thách thức công luận rằng “làm gì được nhau nào”, thì càng sai trái. Rõ ràng đằng sau thái độ hung hăng, kém văn hóa của ông Phó Chủ tịch UBND phường này có điều khuất tất. Đành rằng, thưa ông Phó Chủ tịch, báo chí chúng tôi chẳng làm gì được ông, nhưng pháp luật, dư luận nhân dân sẽ không buông tha cho ông, nếu ông vẫn cứ ngang nhiên vi phạm pháp luật, ngang nhiên thách thức dư luận như vậy.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương nên khẩn trương xem xét lại tư cách của ông cán bộ này. Ngày bầu cử HĐND các cấp đang đến gần, cũng nên xem xét lại tư cách ông Nguyễn Hữu Vĩnh, nếu ông ta được giới thiệu ra ứng cử HĐND phường. Có như vậy mới yên được lòng dân, ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.

Tháng Tư 26, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh: Nhiều sai phạm trong ngành giáo dục, trù dập người tố cáo!

Hoàng Kim

Báo Người cao tuổi nhận được đơn của bà Ngô Thị Bích, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Trưởng phòng, Bí thư Chi bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Trong đơn, bà Bích nêu: Ông Vũ Ngọc Thân, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện mắc nhiều sai phạm trong thời gian làm Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo, nhưng vẫn được cất nhắc lên chức. Bà Ngô Thị Bích tố giác những sai phạm của ông Thân, thì bị trù dập, dẫn đến “án” kỉ luật Đảng oan sai…

Trong thời gian làm Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Cô Tô, ông Vũ Ngọc Thân thu nhận nhiều người dùng bằng giả, mua và mượn bằng mang tên người khác để tuyển lọt vào biên chế, giảng dạy trong ngành giáo dục. Một số đơn tố giác đã được Thanh tra Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Ninh giải quyết, một số người bị buộc thôi việc, đó là các bà: Phan Thị Én, Lương Thị Thu Hương, Phạm Thị Sâm; buộc chuyển công tác khác đối với bà Vương Thị Sâm. Còn 2 trường hợp khác không bị xử lí, nay vẫn dạy học, đó là bà Phạm Thị Măng và ông Phạm Đức Đào. Không những thế, ông Thân còn tự ý cất nhắc, tiến cử để bổ nhiệm Hiệu phó, Hiệu trưởng các trường; điều động cán bộ giáo viên, nhân viên các trường mà không thông qua tập thể; tự ý điều ông Dương Văn Đại từ cán bộ phụ trách chuyên môn, xuống làm giáo viên giảng dạy. Năm 1998, bà Bích làm Chủ tịch công đoàn giáo dục huyện Cô Tô, nhận được đơn và bản tường trình của cô giáo Nguyễn Thị H, tố cáo ông Thân nhiều lần lợi dụng chức vụ, định “sàm sỡ” cô H nhưng không thành. Bà Bích chuyển đơn của cô H tới cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, thì bị ông Thân quy chụp là xúi bẩy cô H. Từ đó, ông Thân quyết tâm trả thù, trù dập bà Bích. Trong cuộc họp bình xét, xếp loại đảng viên cuối năm 1999, ông Thân cho cả đảng viên dự bị biểu quyết, nhằm lấy số đông ép kỉ luật bà Bích… Từ khi việc xét tuyển công chức, viên chức ngành giáo dục theo phân cấp quản lí thuộc UNBD huyện, thì ông Phạm Văn Khôn, Trưởng phòng Nội vụ huyện đã thu nhận nhiều bảng điểm giả, để xét tuyển vào biên chế; tự ý cắt một số đề xuất quan trọng của ngành giáo dục. Sự việc giáo viên sử dụng bảng điểm giả đã được UBKT Huyện ủy, UBKT Tỉnh ủy kết luận là đúng, mà những giáo viên này chưa bị xử lí. Bà Bích gửi kèm theo đơn các tài liệu, bằng chứng chứng minh cho những nội dung tố cáo của bà.

Sau khi xem xét, thẩm định các tài liệu, chứng cứ cho thấy: Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, bà Phạm Thị Măng là vợ ông Nguyễn Mộng Điệp, Chỉ huy trưởng quân sự huyện Cô Tô. Tại bản sơ yếu lí lịch cá nhân, ông Nguyễn Mộng Điệp khai phần tên vợ là: Phạm Thị Măng, sinh năm 1967, quê quán Thụy Hà, Thái Thụy, Thái Bình, nghề nghiệp giáo viên trường mầm non thị trấn Cô Tô. Học bạ của Nguyễn Thế Long, con trai ông Điệp, bà Măng thể hiện, mẹ là Phạm Thị Măng, nghề nghiệp làm ruộng. Bản sao Giấy xác nhận tốt nghiệp số 1053/THPT do Sở GD-ĐT Thái Bình cấp ngày 3-9-2002 dán ảnh của bà Măng, nhưng mang tên Lê Thị Chuyên, sinh năm 1965, tốt nghiệp năm 1982. Như vậy, tố cáo của bà Bích là có cơ sở, bởi năm 1982 bà Măng mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi tốt nghiệp THPT, hơn nữa một đằng là họ Lê, một đằng họ Phạm thì không thể là của một người. Vậy mà, trong Kết luận thanh tra số 91/T.Tr ngày 16-5-2005 và QĐ số 106/QĐ-T.Tr ngày 27-5-2005 của Sở GD-ĐT Quảng Ninh đều công nhận trường hợp sử dụng văn bằng nói trên là hợp pháp, với lí do Lê Thị Chuyên có bí danh Tuyết Măng, tên thường gọi là Măng?!

Đối với ông Phạm Đức Đào, đúng là có sử dụng bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc năm 2002 của Phạm Đức Túc. Tuy nhiên, đến ngày 5-2-2004 Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh Nguyễn Xuân Phương lại kí QĐ số 15 QĐ/GD, cho phép chuyển tên từ Phạm Đức Túc tại các hồ sơ dự thi, xét tốt nghiệp và danh sách cấp bằng tốt nghiệp thành tên Phạm Đức Đào; cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT hệ bổ túc cho Phạm Đức Đào?! Các nội dung tố cáo khác đều có bằng chứng.

Điều đáng nói là, những sai phạm đều được các cơ quan chức năng kết luận, nhưng những người có vai trò chính trong các sai phạm đó thì vẫn an toàn, thậm chí còn được cất nhắc lên vị trí cao hơn, như ông Vũ Ngọc Thân từ Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo lên vị trí Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện. Hoặc như ông Nguyễn Mộng Điệp, Chỉ huy trưởng quân sự huyện không trung thực trong việc khai man lí lịch của vợ, cũng không bị xử lí. Nay cả 2 ông này lại được hiệp thương ra ứng cử Đại biểu HĐND huyện khóa 2011 – 2016, là điều không thể chấp nhận. Ngược lại, bà Ngô Thị Bích không mắc sai phạm gì đáng kể, nhưng do thẳng thắn đấu tranh thì bị trù dập, phải chịu “án” kỉ luật Đảng, với mức độ khiển trách, rồi bị “đẩy” sang làm Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Những sai phạm nêu trên xảy ra ở ngành giáo dục huyện đảo Cô Tô là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng các thế hệ học sinh. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Quảng Ninh nghiêm túc xem xét, xử lí dứt điểm, lấy lại môi trường trong sạch cho một ngành quan trọng trong “sự nghiệp trồng người” này.

Tháng Tư 26, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội: Ai dung túng cho hành động hủy hoại tài sản của công dân?

Hoàng Kim – Minh Đạo

Khoảng gần 100 người dân đồng loạt tràn vào khu đất do gia đình ông Nguyễn Văn Đích đang quản lí, sử dụng tại thôn Giao Quang, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội hủy hoại cây cối, tài sản để biến nơi này thành khu đất trống. Lí do được họ đưa ra là để lấy chỗ chuẩn bị cho sự kiện chùa Giao Quang đón nhận Bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa, toàn bộ những hành động trái pháp luật nói trên được hậu thuẫn bởi một số vị lãnh đạo xã Đại Mỗ…

Nguyên khu đất này do gia đình ông Nguyễn Văn Thước thuê để phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực Hồ Song 10 năm nay. Ngày 4-11-2010, UBND xã Đại Mỗ từng tiến hành cưỡng chế 2 căn lều trông cá của ông Thước do không tuân thủ quy định của pháp luật. Một lãnh đạo xã còn yêu cầu máy xúc húc đổ trụ cổng vào khu vực Hồ Song, làm hỏng hoàn toàn hệ thống máy ca-mê-ra bảo vệ trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình ông. Ông Thước đã có đơn tố cáo, Báo Người cao tuổi cũng có bài trên số báo 839, ngày 10-12-2010, đến nay sự việc chưa được giải quyết, không may ông Thước bị chết do tai nạn giao thông. Người kế thừa tài sản và các hợp đồng thuê đất của ông Thước đương nhiên thuộc về ông Nguyễn Văn Đích, con trai ông Thước.

Ông Phạm Khắc Hải, Giám đốc Cty TNHH Thành Ba Đình cho biết, Cty đã liên kết với gia đình ông Đích để trồng, kinh doanh cây cảnh, nuôi trai lấy ngọc và chăn nuôi gia cầm cách đây vài năm. Cty đã lập dự án kè hồ Song, cải tạo thành khu vui chơi, giải trí được UBND TP Hà Nội chấp thuận Cty làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cty luôn bị gây cản trở từ phía chính quyền xã. Sát tết Nguyên đán, UBND xã Đại Mỗ lại ra quyết định cưỡng chế hai gian nhà ông Đích xây cách đây gần 10 năm để trông giữ tài sản. Chỉ đến khi có sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội họ mới dừng lại. Ông Hải bức xúc: “Xâu chuỗi các sự việc, tôi thấy động cơ của một vài cán bộ xã có vấn đề. Có thể họ đang cố tình gây sức ép với chúng tôi để ủng hộ cho một Cty chưa có đường đi ở phía trong. Việc hủy hoại tài sản của chúng tôi như thế là vi phạm pháp luật”.

Hàng trăm người dân tràn vào khu đất gia đình ông Đích đang sử dụng

Chiều ngày 20-3-2011, ông Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ cùng cán bộ và hàng trăm người dân trong xã đến phá tài sản, dỡ tường rào ngăn với nhà chùa, rào chắn lối đi của gia đình ông một cách bất hợp pháp. Vào thời điểm đó, một số thương binh Cty 27-7 chở hàng cho Cty Thành Ba Đình đang có mặt đã phản đối quyết liệt. Vài đối tượng quá khích đã khiêng một thương binh định quẳng xuống Hồ Song. Rất may lực lượng cảnh sát 113 của CA huyện Từ Liêm có mặt và ngăn chặn kịp thời. Một thương binh Cty 27-7 cũng xác nhận thông tin bị hành hung và cho biết, sẽ tố cáo vụ việc với cơ quan điều tra. Chị Hằng ở thị xã Sơn Tây, người chứng kiến vụ việc cho biết, dù lực lượng CA huyện đã yêu cầu không ai được phá tài sản của gia đình ông Đích nhưng yêu cầu đó bị phớt lờ, thậm chí có đối tượng còn thách thức…

Ông Đỗ Tiến Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đại Mỗ giải thích: “Vì sắp tới chùa Giao Quang đón nhận sự kiện được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa nên cần một khoảng đất trống để tổ chức. Do gia đình ông Đích không hợp tác, nên nhiều người dân trong xã đã bức xúc tràn ra để san lấp, dọn vệ sinh trên phần đất sát khuôn viên của chùa. Vì thế, nên đã có lời qua tiếng lại với gia đình ông Đích và một số thương binh. Khi được báo cáo có thể xảy ra xô xát giữa hai bên, tôi đã yêu cầu đồng chí Chủ tịch xã đến hiện trường để ổn định trật tự. Tuy nhiên, thực tế khác hẳn với lời giải thích của ông Sơn. Vào lúc tình hình “nóng” nhất, ông Giảng không những không có động thái gì để “ổn định trật tự”, mà còn có những câu nói gây kích động… Theo ông Sơn, diện tích đất đó là của nhà chùa. Cách đây chục năm, sư trụ trì chùa Giao Quang kí hợp đồng cho ông Thước thuê để làm kinh tế với thời hạn 20 năm. Gần đây, nhà sư tuyên bố đơn phương hủy hợp đồng đó. Sắp tới, xã sẽ phối hợp với nhà chùa để xây tường bao, diện tích đất đang tranh chấp sẽ nằm trong tường bao.

Như vậy, việc để xảy ra bất ổn về an ninh, trật tự tại khu vực này rõ ràng có động cơ không trong sáng của một số vị lãnh đạo xã. Cho rằng, đất này là của chùa, do sư trụ trì kí hợp đồng cho ông Thước thuê không đúng pháp luật, thì đây cũng là giao dịch dân sự đã hoàn thành. Hơn nữa, suốt 10 năm qua không hề có tranh chấp. Nay, nhà chùa muốn đơn phương hủy hợp đồng, cũng là trái pháp luật, cần được giải quyết tại Tòa án dân sự. Việc UBND xã đứng ra can thiệp là trái thẩm quyền. Hơn nữa, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương chấp thuận cho Cty Thành Ba Đình lập dự án cải tạo Hồ Song thành nơi vui chơi giải trí, thì UBND xã càng không có lí do gì để can thiệp.

Gia đình ông Đích và đối tác đã làm đơn tố cáo việc bị phá hoại tài sản đến CA huyện Từ Liêm, CA TP Hà Nội. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lí dứt điểm, đúng pháp luật vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên tranh chấp, đồng thời xử lí nghiêm minh đối với các cán bộ cố ý làm trái pháp luật ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.

Tháng Tư 7, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Tại chung cư Sky City Towers (88 Láng Hạ, Hà Nội): Thu phí dịch vụ quá cao, Hanotex coi thường pháp luật

Hoàng Linh

Hàng trăm hộ dân tại khu chung cư cao cấp Sky City Towers (88 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) phản đối chủ đầu tư áp giá phí dịch vụ quá cao so với quy định của UBND TP Hà Nội. Các hộ dân kiên trì đề nghị nhà đầu tư, Cty TNHH Hanotex, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của UBND TP Hà Nội về giá thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô-tô trên địa bàn thành phố, song ông Dương Thành Đạt vẫn ngang nhiên thách thức pháp luật…

Cuối năm 2010, đầu năm 2011, hơn 200 hộ dân trong tổng số gần 500 căn hộ đã chuyển đến nhận nhà tại tòa chung cư cao tầng Sky City Towers tại số 88 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, trở thành những người sở hữu khu căn hộ cao cấp, được cho là vào loại số một của nội thành. Cty TNHH Hanotex đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt lí tưởng cho các hộ dân. Từ thời điểm bàn giao căn hộ, chủ đầu tư chưa thu phí dịch vụ, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Đa phần cư dân chấp nhận với việc mua nhà, họ tin tưởng rằng với việc bỏ ra ít nhất 4-5 tỉ đồng mua một căn hộ, bao gồm các dịch vụ sân chơi cho trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng, bể bơi miễn phí, siêu thị, hầm để xe… Tuy nhiên, trong thời gian bảo hành, cư dân ở đây đã gặp nhiều trục trặc về trang thiết bị trong các căn hộ, đặc biệt là hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, bình nước nóng lạnh, máy điều hòa, hệ thống gas trung tâm chưa thể hoạt động theo cam kết của chủ đầu tư.

Tòa nhà Sky City rất hiện đại, nhưng dịch vụ rất tồi

Và, “giọt nước tràn li” kể từ ngày 22-3-2011, khi Hanotex và Ban quản lí tòa nhà đơn phương thông báo về mức phí dịch vụ, phí quản lí, áp dụng từ 1-4-2011. Các hộ dân hết sức bất bình, đặc biệt là về mức phí trông giữ xe ô-tô, xe máy, xe đạp đều vượt quá mức giá trần do UBND TP Hà Nội quy định tới hơn 2 lần. Theo thông báo của Ban quản lí tòa nhà, phí quản lí và vận hành tòa nhà đối với căn hộ là 8.000 đồng/m2/tháng (nhân với tổng diện tích căn hộ), khối văn phòng và dịch vụ là 21.000 đồng/m2/tháng; Phí đỗ xe trên sân đối với ô-tô là 30.000 đồng/giờ, xe máy là 10.000 đồng/giờ. Một thông báo khác về phí gửi xe khu vực tầng hầm do Hanotex đưa ra: mỗi căn hộ được gửi một xe ô-tô du lịch dưới 7 chỗ; hai xe máy và một xe đạp. Giá phí gửi xe ô-tô là 2.500.000 đồng/tháng, xe máy 150.000 đồng/tháng; xe đạp: 50.000 đồng/tháng. Với những mức thu phí vô lí này, các hộ dân không thể chấp nhận.

Ngày 29-3-2011, Hanotex tiếp tục gửi thông báo: Những khách hàng không đăng kí và trả tiền gửi xe theo mức phí quy định, họ sẽ không chịu trách nhiệm về an toàn của các tài sản. Một thông báo khác do ông Uff Bieler, Giám đốc Ban quản lí tòa nhà Sky City Towers: Cấm đỗ xe trên sân của tòa nhà; xe chỉ được dừng, đón trả khách không quá 10 phút. Với các hộ chưa thanh toán phí dịch vụ quản lí và vận hành tòa nhà (8.000đ/m2/tháng), sau ngày 15-4-2011, Ban quản lí sẽ tạm ngưng cung cấp các dịch vụ tiện ích. Họ còn đưa ra “tối hậu thư” rằng, không chịu trách nhiệm đối với các xe để tại tầng hầm, mà không trả tiền theo giá dịch vụ do Hanotex áp đặt.

Đây là việc làm vi phạm trắng trợn Khoản 5, Điều 50 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở: “Các chi phí dịch vụ khi sử dụng nhà chung cư, kể cả phí dịch vụ trông giữ xe ô-tô không được cao hơn mức giá dịch vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định”. Tại QĐ số 107/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định phí trông giữ xe ô-tô tháng là: “a. Xe có dung tích máy từ 1.750 cm3 trở lên và có thời gian sử dụng trong vòng 3 năm kể từ năm sản xuất xe đến thời điểm kí hợp đồng trông giữ xe, mức tối đa cho xe đến 9 chỗ tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) là 1.250.000 đồng/tháng”. Ngay tại Điều 17.3 Nội quy tòa nhà chung cư Sky City Towers, do chính Cty TNHH Hanotex cung cấp cho các hộ dân cũng ghi rõ: “…Phí gửi xe dành cho chủ sở hữu căn hộ sẽ do chủ đầu tư quy định vào từng thời điểm và phù hợp với quy định của pháp luật”.

Ông Dương Thành Đạt, Tổng giám đốc Cty TNHH Hanotex ngang nhiên tuyên bố: Tầng hầm thuộc sở hữu của tôi. Tôi bỏ ra mấy trăm tỉ đầu tư nên tôi có quyền kinh doanh dưới mọi hình thức. Cty chỉ cần căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự để quyết định các mức phí, mà không cần quan tâm đến Nghị định của Chính phủ và quyết định của UBND TP Hà Nội. Ông Đạt cũng thách thức các hộ dân, cứ việc đưa ra tòa án giải quyết. Không chỉ ngang nhiên coi thường pháp luật, chiều ngày 1-4-2011, trong khi các hộ dân đang tập trung đấu tranh với nhà đầu tư một cách trật tự, đúng pháp luật, thì phía chủ đầu tư đã cho một nhân viên tung ra rất nhiều văn bản có tiêu đề “Kế hoạch tổ chức gây rối”, nhằm “đổ vấy” cho các hộ dân có hành vi trái pháp luật. Rất may nhân viên này bị bắt quả tang trong khi thực hiện hành vi phát tán tài liệu. Trước sự đấu tranh kiên quyết của các hộ dân và phóng viên Báo Người cao tuổi, nhân viên này buộc phải kí nhận đã phát văn bản nói trên với tên “Nguyễn Thu Trang, phụ trách khách hàng của Sky City”.

Cô gái này phát tán tài liệu đổ vấy cho các hộ dân “gây rối”

Qua sự việc này cho thấy, Nhà nước cần phải có biện pháp, chế tài mạnh mẽ, cụ thể hơn đối với các chủ đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị mới tại các thành phố, về việc áp dụng giá thu phí dịch vụ theo quy định của pháp luật. Thực tế trên địa bàn TP Hà Nội đã từng xảy ra các vụ việc tương tự tại các tòa nhà: The Manor, Golden Westlake… Cuối cùng, chủ đầu tư các tòa nhà này đều phải nghiêm chỉnh chấp hành theo giá quy định của UBND TP Hà Nội, sau khi các cơ quan quản lí Nhà nước kịp thời can thiệp

Tháng Tư 6, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Viết tiếp bài “Ai dã tâm đẩy một phụ nữ đến chỗ khốn cùng?”: Cần xử lí nghiêm minh những kẻ cố tình gây rối

Hoàng Linh – Quốc Dũng

Báo Người cao tuổi các số: 878 ngày 11-3-2011, 879 ngày 12-3-2011 và 881 ngày 18-3-2011 đăng bài “Ai dã tâm đẩy một phụ nữ đến chỗ khốn cùng?”. Ngay khi Báo phát hành, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn với những ngôn từ xấc xược, thiếu văn hóa. đặc biệt là các cuộc gọi, tin nhắn từ cô Vũ Thị Thơm, người đang chiếm giữ trái pháp luật khách sạn Phú Hưng. Mặc dù Tổng biên tập có nhã ý mời ông Lê Trọng Cường và cô Vũ Thị Thơm đến Tòa soạn làm việc, nhưng họ cố tình không đến, mà còn phản ứng gay gắt. Bà Phạm Thị Niêm cho biết, ông Lê Trọng Cường và cô Vũ Thị Thơm cũng liên tục gọi điện, nhắn tin cho mẹ con bà, lời lẽ rất bất nhã, hăm dọa, thậm chí cô Thơm còn đến tận nơi con bà là Lê Diệu Thúy đang tá túc để chửi bới, đe dọa sẽ “xử lí”…

Sau nhiều lần ông Lê Trọng Cường, bà Hằng vợ ông Cường và Vũ Thị Thơm gọi điện, nhắn tin với những lời lẽ khiếm nhã, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi vẫn kiên trì mời ông Cường và Vũ Thị Thơm đến Tòa soạn làm việc. Họ không những không thèm đến, mà bà Hằng và Vũ Thị Thơm còn có nhiều lần phản ứng thiếu văn hóa. Mới đây nhất, ngày 25-3-2011, Báo Người cao tuổi lại nhận được văn bản của ông Lê Trọng Cường, cho rằng: “Báo Người cao tuổi đã bịa đặt, xuyên tạc sự thật để vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân và gia đình tôi…” (trích nguyên văn – PV). Tại văn bản này, ông Cường viện dẫn 6 điểm được ông khẳng định là không đúng sự thật: “Lôi kéo Lê Diệu Thúy bỏ việc cơ quan nhà nước để xây khách sạn”, “Thuê xã hội đen cưỡng đoạt khách sạn”, “Tác động các cơ quan pháp luật để đẩy chị Thúy vào tù”, “Hăm dọa, trấn áp, buộc Thúy kí vào một số giấy tờ do họ soạn sẵn”, “Thúy nhiều lần bị Thơm hành hung ngay trước mặt ông Cường…”, “Mạo danh bà Niêm, vu khống Báo Người cao tuổi nhận tiền…”. Từ đó, ông Cường đưa ra yêu cầu Báo Người cao tuổi cải chính, xin lỗi ông công khai trên báo theo quy định của pháp luật.

Thật nực cười, không biết ông Cường có đọc kĩ các bài báo hay không, mà không hiểu rằng, đó là những nội dung Báo trích đăng đơn của bà Phạm Thị Niêm và Lê Diệu Thúy, trình bày với Báo Người cao tuổi, Bộ Nội vụ và rất nhiều cơ quan chức năng và báo chí khác. Hơn nữa, trong buổi đối chất giữa bà Niêm với ông Cường, có sự chứng kiến của bà Trần Thị Hà, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, những nội dung tố cáo như trên cũng được bà Niêm đề cập tới, tại sao không thấy ông Cường phản ứng gì? Từng là Chánh án TAND TP Yên Bái, sao ông Cường không hiểu nguyên tắc tối thiểu là phải có những bằng chứng kèm theo, để chứng minh cho những cáo buộc của ông đối với các bài báo?! Ngược lại, nếu không đưa ra được bằng chứng, thì ông Cường đã phạm sai lầm tiếp khi đưa ra cáo buộc với Báo Người cao tuổi.

Việc ông Cường có mối quan hệ với Lê Diệu Thúy, rồi rủ Thúy chung tiền mua đất xây khách sạn như trình bày của bà Niêm, là có cơ sở, thiết nghĩ chẳng cần nói nhiều, bởi không chỉ ông Cường, bà Niêm và Lê Diệu Thúy biết, mà nhiều người ở TP Yên Bái cũng biết. Hơn 500 triệu đồng Lê Diệu Thúy gửi vào tài khoản cá nhân của ông Cường, số 8700205032085 tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Yên Bái, là bằng chứng rõ ràng nhất về mối quan hệ này. Vậy mà, tại bản tường trình của Lê Nam gửi CA TP Yên Bái và CA phường Minh Tân, cũng như biên bản làm việc tại CA phường Minh Tân, Lê Nam đều trình bày là Lê Diệu Thúy không chuyển tiền lợi tức một năm kinh doanh cho Nam. Tuy nhiên, tài liệu có trong hồ sơ thể hiện ít nhất có 3 lần Thúy gửi tiền vào tài khoản nêu trên của ông Cường, với tên người nhận là Lê Trọng Cường, lí do gửi được Thúy giải thích là tiền chia lãi kinh doanh khách sạn Phú Hưng, là khoản tiền nằm ngoài khoản hơn 500 triệu đồng nêu trên. Mặc dù trong các tài liệu đều do Lê Nam, con trai ông Cường đứng tên. Song, như đã phân tích, thời điểm đó Lê Nam không thể có khả năng bỏ ra 800 triệu đồng, vay ngân hàng thêm một tỉ đồng nữa, để chung vốn mua đất xây khách sạn cùng với Thúy được. Qua kết quả xác minh, thì những điều bà Niêm và Lê Diệu Thúy trình bày đều được các nhân chứng xác nhận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Vậy mà ông Cường không những không đưa bằng chứng để phản biện, hơn nữa cũng không thèm đến Tòa soạn làm việc, lại chụp mũ rằng Báo vu khống, bôi nhọ, xúc phạm ông, rồi yêu cầu Báo đính chính, xin lỗi ông, là điều không thể chấp nhận.

Không chỉ điện thoại, nhắn tin quấy rối Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, ông Cường, bà Hằng, Vũ Thị Thơm còn nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho bà Niêm với những lời lẽ bất nhã, hăm dọa mẹ con bà, thậm chí Vũ Thị Thơm còn trực tiếp đến tận nơi Lê Diệu Thúy đang tá túc để chửi bới, đe dọa sẽ “xử lí” Thúy… Ngay trong ngày 13-3-2011, từ số máy 01276791018, được xác định là của bà Hằng vợ ông Cường, một loạt tin nhắn gửi đến số máy của bà Phạm Thị Niêm (0988179201), ngôn từ rất thiếu văn hóa, xin trích: Tin nhắn thứ nhất vào 9 giờ 58 phút “Thế bà đến cơ quan để sủa có lâu không. Đã cắn được B… chồng tôi chưa”; tin nhắn thứ 2 vào 10 giờ 17 phút “Con làm đĩ mà còn hãnh diện à. Ngu thế. Đi khoe khắp nơi để con mình thêm nổi tiếng à”; tin nhắn thứ 3 vào lúc 11 giờ 24 phút “Em cướp chồng của nhiều người mà không nhớ hết à. Mẹ em nói ra điều đó. Đấy là chứng cứ chính xác nhất để chị xử lí em đấy”; tin nhắn thứ tư “Thúy ơi mẹ em già rồi mà còn ngu thế. Đi đâu cũng bôi nhọ là con gái mình là có chồng rồi lại đi đánh đĩ tứ phương. Đi cướp chồng người khác mà không sợ người ta băm cho nát L… ra à”… Ngoài ra còn nhiều tin nhắn và điện thoại trực tiếp đến máy của bà Niêm mà chúng tôi không tiện nêu ra. Không những thế, bà Niêm còn tố cáo, rất nhiều lần ông Cường dùng sim rác với các số thuê bao: 01664124046, 01664124055, 016641412918, 01686365822, 01675544537, 01664122873, 01294653733,… gọi vào máy bàn của nhà bà Niêm từ 11 giờ đêm đến hơn 5 giờ sáng, quấy rối giấc ngủ của gia đình bà.

Những tin nhắn gửi vào máy của bà Niêm

Như vậy, thiết nghĩ chẳng cần phải bình luận nhiều, bạn đọc cũng có thể hình dung ra bản chất của sự việc. Hơn nữa, hành vi sử dụng điện thoại, tin nhắn để quấy rối, xúc phạm người khác là vi phạm pháp luật, cần được xem xét xử lí. Được biết, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã chuyển đơn của bà Niêm cho cơ quan CSĐT, Bộ Công an xử lí theo pháp luật. Thông tin từ TP Yên Bái cũng cho biết, ông Cường đã tìm đến một số cơ quan xin “xác nhận” ông không có mặt ở Yên Bái 2 ngày 30 và 31 tháng 10 năm 2010, nhằm ngụy tạo chứng cứ ngoại phạm, nhưng không được nơi nào đáp ứng.

Từ những thông tin trên, Báo Người cao tuổi đề nghị cơ quan CSĐT, Bộ Công an sớm điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của Vũ Thị Thơm trong vụ việc ép Lê Diệu Thúy ra khỏi nơi cư trú hợp pháp, là khách sạn Phú Hưng, nhắn tin, đe dọa đối với mẹ con bà Niêm. Đặc biệt, xem xét vai trò của vợ chồng ông Lê Trọng Cường – bà Hằng trong vụ việc này, xử lí nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tháng Tư 1, 2011 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này