Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Quỳnh Lưu, Nghệ An: Ai tiếp tay cho ông Lê Duy Nguyên chiếm đoạt rừng của dân?

Hoàng Kim – Xuân Nam

Ông Trần Xuân Lập phát hiện ông Lê Duy Nguyên giả mạo giấy chuyển nhượng, chiếm gọn tiền đền bù đất khi tỉnh Nghệ An thực hiện dự án làm đường, đi qua lâm phần của gia đình ông. Không chỉ có vậy, ông Lê Duy Nguyên còn ngang nhiên cho người vào chặt cây ở cánh rừng của gia đình ông Lập trồng, chăm sóc. Điều đáng nói, việc chiếm đoạt rừng nói trên của ông Lê Duy Nguyên lại được sự “hậu thuẫn” của chính quyền địa phương.

Đoạn đường đang thi công qua lâm phần của GĐ ông Trần Xuân Lập

Tháng 1-1993, ông Trần Xuân Lập được UBND huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cấp cho 36,5 ha đất trồng rừng tại vùng Vệ, xã Quỳnh Lập. Cùng được cấp lâm bạ với gia đình ông Lập còn có 3 hộ khác, trong đó có hộ ông Lê Duy Nguyên. Sau khi được cấp đất, 4 gia đình cùng nhau trồng cây, tạo nên khu rừng bạch đàn và keo cho hiệu quả kinh tế. Cuối năm 2009, ông Lập phát hiện ông Nguyên lập giấy chuyển nhượng giả, hòng chiếm đoạt thành quả lao động của gia đình nên viết đơn tố cáo gửi đến các cấp chính quyền. Song, đơn tố cáo của ông Lập không được các cấp chính quyền mảy may giải quyết. Ông Trần Xuân Lập đệ đơn ra TAND huyện Quỳnh Lưu. Tòa thụ lí đơn từ ngày 6-1-2010, nhưng cho đến nay vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ, chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong khi vụ án tranh chấp rừng chưa được giải quyết, thì ngày 9-3-2010 UBND huyện Quỳnh Lưu có Quyết định số 379/QĐ-UBND, thu hồi đất tại xã Quỳnh Lập để thực hiện Dự án: “Xây dựng đường giao thông nối Quốc lộ 1A đến cảng Đông Hồi”, theo Quyết định phê duyệt Dự án số 4782/QĐ-UBND-CN ngày 29-10-2008 của UBND tỉnh Nghệ An. Điều 1 quyết định này ghi: “Thu hồi 61.632,7m2 đất lâm nghiệp của Tổ hợp trồng rừng Lê Duy Nguyên tại xã Quỳnh Lập…”. Theo vị trí, ranh giới thu hồi tại trích lục bản đồ xã Quỳnh Lập được UBND huyện phê duyệt, có 1.562m, diện tích 4,5ha thuộc lâm bạ số 02 của gia đình ông Trần Xuân Lập. Suốt quá trình Ban đền bù GPMB huyện tiến hành các bước kiểm đếm, lập phương án đền bù, hỗ trợ… gia đình ông Lập không hề biết. Đến tháng 5-2010, đơn vị thi công tiến hành san ủi làm đường, gia đình ông Lập mới biết rằng toàn bộ tiền đền bù, hỗ trợ đã thanh toán cho ông Lê Duy Nguyên, với tư cách là “Tổ hợp trồng rừng Lê Duy Nguyên”. Khi gia đình ông Lập có đơn khiếu nại và yêu cầu UBND huyện kiểm tra, lập lại hồ sơ thu hồi đất, thì UBND huyện không trả lời, thậm chí ông Hồ Phúc Hợp, Chủ tịch UBND huyện còn đe dọa sẽ cho công an bắt giam, nếu gia đình ngăn cản đơn vị thi công.

Cái gọi là “Tổ hợp trồng rừng Lê Duy Nguyên” chưa bao giờ tồn tại trên thực tế. Nó xuất hiện trong Quyết định số 379/QĐ-UBND là căn cứ vào tờ trình số 52/TTr-UBND ngày 19-1-2010 của UBND xã Quỳnh Lập, do ông Trần Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã kí, với nội dung đề nghị thu hồi đất của Tổ hợp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Tại Giấy xác nhận của UBND xã Quỳnh Lập, không đề ngày tháng, do ông Chiểu kí cũng thể hiện đất giao cho ông Lê Duy Nguyên. Đây là sự bịa đặt trắng trợn, tiếp tay cho ông Lê Duy Nguyên chiếm đất rừng của gia đình ông Trần Xuân Lập, trái với sổ lâm bạ số 02 UBND huyện Quỳnh Lưu đã cấp cho gia đình ông Lập từ tháng 1-1993. Với những “bảo bối” đó, ông Lê Duy Nguyên đã ẵm trọn tiền đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước làm đường qua diện tích đất rừng do gia đình ông Trần Xuân Lập quản lí, sử dụng. Tổng số tiền được đền bù, hỗ trợ là bao nhiêu thì cho đến nay gia đình ông Lập vẫn chưa được biết.

Trước đó, từ ngày 24-10-2009, ông Lê Duy Nguyên ngang nhiên cho người vào chặt, phá cây trên phần lâm bạ số 02 của ông Trần Xuân Lập, diện tích khoảng 10ha. Ngày 28-10-2009, ông Lập có đơn gửi UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị giải quyết, nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ phía chính quyền huyện này. Sau đó, anh Trần Xuân Nam, được sự ủy quyền của ông Lập đã có nhiều đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An. Ngày 30-7-2010, cơ quan CSĐT, CA tỉnh Nghệ An có phiếu chuyển đơn số 159/PC-PC14, yêu cầu CSĐT, CA huyện Quỳnh Lưu giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 7-10-2010, anh Nam tiếp tục có đơn gửi công an huyện. Tại buổi làm việc ngày 19-10-2010 giữa CSĐT, CA huyện Quỳnh Lưu và nguyên đơn là anh Trần Xuân Nam, cơ quan điều tra huyện này viện dẫn Khoản 6, Điều 32 Luật Khiếu nại – Tố cáo, cho rằng TAND huyện Quỳnh Lưu đang thụ lí vụ án, để từ chối giải quyết đơn tố cáo của anh Nam. Việc TAND huyện Quỳnh Lưu đang thụ lí giải quyết là tranh chấp dân sự, nguyên đơn ông Trần Xuân Lập, bị đơn ông Lê Duy Nguyên, nội dung tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản. Đơn tố cáo của anh Nam có nội dung: tố cáo ông Lê Duy Nguyên lập hồ sơ giả, với sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương để chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước lấy đất làm đường. Do đó, cơ quan điều tra, CA huyện Quỳnh Lưu từ chối giải quyết là trốn tránh trách nhiệm.

Ông Lê Duy Nguyên cho người chặt cây, phá rừng của GĐ ông Lập

Hành vi lập hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền hỗ trợ, đền bù của ông Lê Duy Nguyên; Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập Trần Đình Chiểu kí tờ trình và giấy xác nhận, tạo điều kiện cho ông Nguyên chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ là vi phạm pháp luật, cần phải điều tra xử lí nghiêm minh. Quyết định số 379/QĐ-UBND của UBND huyện Quỳnh Lưu thu hồi đất của “Tổ hợp trồng rừng…” là trái pháp luật. Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Lưu cần nghiêm túc xem xét, xử lí, thu hồi số tiền ông Nguyên đã chiếm đoạt, trả lại cho người được hưởng chính đáng theo pháp luật là gia đình ông Trần Xuân Lập.

Tháng Mười 27, 2010 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Ông Nguyễn Đình Chiến bị cáo buộc tội lừa đảo…: Nhiều tài liệu, tình tiết bị hiểu sai; truy tố oan người vô tội

Hoàng Linh

Ngày 20-10-2010, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Thương mại Bắc Hà. Ông Nguyễn Đình Chiến bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc sử dụng tài liệu giả, ngụy tạo năng lực tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tổng số 26,5 tỉ đồng của 2 đối tác. Tại phiên tòa, ông Chiến đã chứng minh đây chỉ là những quan hệ kinh tế bình thường. Do có nhiều tình tiết, tài liệu chưa được làm rõ, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND TP Hà Nội điều tra bổ sung. Luật sư Trần Đình Triển, văn phòng Luật sư Vì dân cho biết, trong vụ án này ông Chiến hoàn toàn vô tội.

Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông và Cty CP Đầu tư Thương mại Bắc Hà (Cty Bắc Hà) do ông Nguyễn Đình Chiến làm đại diện theo pháp luật không có khả năng tài chính, không có nguồn tiền cho vay nhưng bằng thủ đoạn dùng các giấy tờ, tài liệu giả của các ngân hàng nước ngoài bằng tiếng Anh để kí các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tín dụng cho Cty Đại viễn dương và Trường Đại học Nguyễn Trãi vay vốn đầu tư vào dự án của 2 đơn vị này. Ngược lại Cty Đại viễn dương và Trường Đại học Nguyễn Trãi phải chuyển cho Cty Bắc Hà một khoản vốn đối ứng. Thực hiện hợp đồng, Cty Đại viễn dương đã chuyển 6,484 tỉ đồng và Trường Đại học Nguyễn trãi chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của Cty Bắc Hà. VKSND TP Hà Nội cáo buộc ông Nguyễn Đình Chiến đã chiếm đoạt số tiền trên. Từ đó truy tố ông Chiến với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự. Bản cáo trạng cũng nêu chi tiết những lần Cty Bắc Hà kí các hợp đồng, phụ lục hợp đồng với Cty Đại viễn dương và Trường Đại học Nguyễn Trãi. Riêng với Trường Đại học Nguyễn Trãi, Cty Bắc Hà còn kí một hợp đồng đặt cọc quyền sử dụng đất và sở hữu nhà để đảm bảo thanh toán khoản tiền 20 tỉ đồng mà đơn vị này đã chuyển vào tài khoản của Cty Bắc Hà…

Như vậy, toàn bộ diễn biến của vụ việc đều được thực hiện công khai, ngay tình trên cơ sở tự nguyện của các bên, nên không có tính chất lừa đảo. Hơn nữa, ông Nguyễn Đình Chiến kí các hợp đồng, phụ lục hợp đồng với các đối tác với tư cách Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Cty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông. Do đó, đây phải được coi là giao dịch kinh tế bình thường giữa các pháp nhân là: Cty Bắc Hà, Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông, Cty Đại viễn dương và Trường Đại học Nguyễn Trãi, không có vai trò cá nhân của ông Chiến. Hồ sơ vụ việc cũng thể hiện, cả ông Phạm Trọng Thuần, Giám đốc Cty Đại viễn dương và ông Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi đều chủ động gặp ông Nguyễn Đình Chiến tại trụ sở Cty Bắc Hà. Điều đó chứng minh ông Nguyễn Đình Chiến không dùng thủ đoạn gian dối nào đối với ông Nguyễn Tiến Luận và ông Phạm Trọng Thuần, nên không thể có hành vi lừa đảo.

Bản cáo trạng dẫn ra các tài liệu được cho là giả mạo, để kết tội ông Nguyễn Đình Chiến sử dụng các tài liệu này “tạo lòng tin”, nhằm chiếm đoạt tiền của các đối tác. Ở đây cả cơ quan an ninh điều tra và VKSND TP Hà Nội đều thể hiện một loạt nhầm lẫn, dẫn đến kết tội oan sai cho ông Chiến. Thứ nhất, giấy bảo lãnh ngân hàng Barclays LonDon phát hành (bản coppy), trị giá 500 triệu Euro, viết tắt là BG500M là một nghiệp vụ ngân hàng, tín dụng không phải là tiền để chứng minh tài chính. BG500M có thể thuê, mua trên thị trường tài chính quốc tế. Đây là giao dịch cá nhân ông Nguyễn Đình Chiến với đối tác, thông qua ông Nguyễn Xuân Mão, Giám đốc Cty Thiên Khôn Phú TP Hồ Chí Minh bằng hợp đồng mua bán, không liên quan gì đến giao dịch của Cty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông với Trường Đại học Nguyễn Trãi. Cáo trạng cho rằng ông Chiến sử dụng BG500M để “tạo lòng tin” với Trường Đại học Nguyễn Trãi, nơi có nhiều chuyên gia về tài chính, ngân hàng là không phù hợp. Hơn nữa, nếu BG500M là giả mạo thì người bị hại phải là ông Nguyễn Đình Chiến, vì ông Chiến đã chuyển 10,5 tỉ đồng vào tài khoản của Thiên Khôn Phú để mua BG500M. Điều này không được cáo trạng làm rõ.

Cáo trạng cho rằng Cty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông không có khả năng tài chính, không có nguồn tiền cho vay… lại là sự hiểu sai rất nghiêm trọng. Sự thật là Cty Bắc Hà nhận được ủy thác đầu tư từ Tập đoàn tài chính dầu khí châu Âu do bà Manana đại diện, đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam, với giá trị 50 tỉ Euro, được thỏa thuận tại thư ngỏ ngày 18-6-2008. Đây là thỏa thuận thông thường giữa các đối tác trên thị trường đầu tư quốc tế, không phải là tiền mặt, nhưng có giá trị đảm bảo bằng uy tín doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Chiến còn được ông Aixenjuelou VU HHO hiện sống tại Viêng Chăn (Lào) ủy quyền sử dụng giá trị viên ngọc được định giá 1,2 tỉ USD đang gửi tại ngân hàng làm vốn đối ứng, để huy động vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam và Lào. Ở đây phải được hiểu rằng, ông Chiến được sử dụng giá trị của viên ngọc để đảm bảo cho các giao dịch vay vốn, hoặc kêu gọi vốn đầu tư chứ không phải được sử dụng viên ngọc như cách hiểu của cơ quan tố tụng. Bên cạnh đó, Tập đoàn BaSown Hồng Kông nhận nợ ông Nguyễn Đình Chiến 20 triệu USD, các cổ phiếu do BaSown phát hành, người thụ hưởng là ông Nguyễn Đình Chiến, trong đó cổ phiếu số 16/BaSown trị giá 300 triệu USD. Điều đó minh chứng việc cáo trạng kết luận Cty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông không có khả năng tài chính là không có căn cứ.

Tuy nhiên, do tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2007 – 2008, nên Cty Bắc Hà chưa thực hiện được cam kết với các đối tác nêu trên, dẫn đến các đối tác yêu cầu rút tiền về. Cty Bắc Hà đã và đang đáp ứng yêu cầu của các đối tác, chuyển trả cho Cty Đại viễn dương 3,1 tỉ đồng và 1.500 USD; trả cho Trường Đại học Nguyễn Trãi 570 triệu đồng và 10.000 USD. Việc trả nợ đang được tiến hành thì ông Nguyễn Đình Chiến bị cơ quan an ninh điều tra, CA Hà Nội khởi tố, bắt giam.

Về hành vi “chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng buộc tội cho ông Chiến lại càng sai. Thứ nhất, trong các hợp đồng không có điều khoản nào ràng buộc khoản tiền đối ứng phải được gửi vào tài khoản phong tỏa. Do đó, việc Cty Bắc Hà sử dụng vào các mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh là hợp pháp, không thể coi là chiếm đoạt. Theo Nghị định số 64/2001/NĐ-CP thì: “Chủ tài khoản có quyền sử dụng số tiền trên tài khoản thanh toán thông qua các lệnh thanh toán phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật khác có liên quan”. Hơn nữa, ông Chiến chưa khi nào thể hiện ý chí chiếm đoạt tiền của các đối tác. Bằng chứng là cả Trường Đại học Nguyễn Trãi và Cty Đại viễn dương đều đơn phương chấm dứt hợp đồng và đòi rút lại tiền đối ứng. Không những thế, ông Chiến còn thực hiện việc đặt cọc giá trị quyền sử dụng đất và sở hữu nhà để đảm bảo việc thanh toán tiền đặt cọc cho Trường Đại học Nguyễn Trãi, càng chứng tỏ ông Chiến, đại diện cho Cty Bắc Hà rất minh bạch trong giao dịch kinh tế với các đối tác trong vụ án này.

Trong các hợp đồng đều có điều khoản thể hiện nếu có tranh chấp thì hai bên giải quyết tại tòa kinh tế, nhưng các đối tác nêu trên của Cty Bắc Hà không hề thực hiện việc khởi kiện ra tòa kinh tế, mà lại tố cáo với công an là trái với thỏa thuận. Việc cơ quan an ninh điều tra, CA Hà Nội vội vã khởi tố vụ án, khởi tố bị can; VKSND TP Hà Nội vội vã truy tố đối với ông Nguyễn Đình Chiến là không có căn cứ như trên đã phân tích. Do đó, vụ việc phải được xét xử công minh, tránh gây oan khuất cho người vô tội. Tại cơ quan điều tra và VKSND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đình Chiến cũng như luật sư của ông Chiến nhiều lần đề nghị được đối chất với ông Bạch Minh Sơn, ông Nguyễn Xuân Mão để làm rõ các khoản tiền ông Chiến được thụ hưởng từ Tập đoàn BaSown Hồng Kông, cũng như tài liệu BG500M, liên quan đến ông Nguyễn Xuân Mão. Song, kiến nghị chính đáng này của ông Chiến và luật sư đã không được cơ quan an ninh điều tra, VKSND TP Hà Nội chấp thuận.

Do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ trong giai đoạn điều tra, nên Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND TP Hà Nội điều tra bổ sung, làm rõ một số tình tiết: Làm rõ số tiền 10,5 tỉ đồng Cty Bắc Hà chuyển vào tài khoản Cty CP Thiên Khôn Phú; làm rõ vai trò của ông Nguyễn Xuân Mão… Yêu cầu làm rõ các giấy tờ, tài liệu được cho là giả… Cần thiết phải cho ông Chiến và ông Bạch Minh Sơn đối chất làm rõ khoản nợ của Tập đoàn BaSown Hồng Kông với Bắc Hà…

Tháng Mười 23, 2010 Posted by | Pháp luật và đời sống | Bình luận về bài viết này

Truyện cổ tân trang: Sự tích cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông

Bọ Lập tham gia kiến nghị về bô xít bằng truyện cổ tân trang Sự tích cao nguyên Lâm Viên và cao nguyên Đắc Nông. Mình cũng té nước theo mưa bằng cách đăng lại truyện cổ tích tân trang này của Bọ Lập, như thông điệp rằng, cao nguyên Lâm Viên và Đắc Nông là vú của mẹ ta, bô xít là sữa của mẹ ta, không cho thằng nào vào bóp vú mẹ ta, không cho lấy sữa của mẹ ta, hi, hi…

Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ thuộc huyện Nông Cống- Thanh Hoá bây giờ có một cô gái tên là Triệu Ẩu cao lớn lạ thường, vô cùng xinh đẹp. Cha mẹ mất sớm, Ẩu ở cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt.

Mới 13 tuổi vú Ẩu đã dài đến rốn. Ẩu sợ, không biết vì sao vú mình lại thế, ngồi ôm vú khóc. 18 tuổi vú Ẩu dài đến đầu gối lại càng sợ hãi khôn xiết. Quốc Đạt nói vú to là phúc lớn của đàn bà sao lại khóc?  Ẩu nói em sợ chị dâu không có vú lại ghen với em.

Vợ Quốc Đạt, tên gì không biết, người khô quắt, trên dưới phẳng lì, tính tính nhỏ nhen, thường hành Ẩu đủ việc trên đời.  Ẩu tức lắm nhưng không làm gì được. Một hôm Ẩu cùng vợ Quốc Đạt đi tắm sông, Vợ Quốc Đạt nói mày vú to hơn tao nhưng tao lông dài hơn mày, huề, ke ke ke.

Ẩu nói vú to để chồng bóp sướng, sữa nhiều cho con bú no, chứ lông  nhiều thì để làm gì. Vợ Quốc Đạt tức, nói để cột cổ ba họ nhà mày. Ẩu tức, cầm  vú quất một phát vào mặt vợ Quốc Đạt, chẳng ngờ vợ Quốc Đạt hộc máu mồm, chết tươi.

Ẩu sợ quá trốn biệt vào rừng, chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ làm thủ hạ, lấy tên là Nhụy Kiều tướng quân.

Quốc Đạt lo lắng, chạy vào  rừng gặp em gái nói về lấy chồng đi em, chớ có làm loạn. Ẩu nói không, Quốc Đạt nói thôi về đi em, vú mày to, đàn ông ai không mê?.

Ẩu nói tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, lấy vú mình đập nát mặt giặc nhà Ngô, chứ không muốn đem vú mình cho lũ ô trọc làm trò khả ố.

Năm Mậu Thìn ( 248 ) vì quan lại nhà Ngô tàn ác, đày ải dân mình  vô cùng khổ sở, Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh, bị vây khốn ở quận Cửu Chân. Bà Triệu Ẩu đem quân ra giúp anh. Bà vắt vú lên vai, cưỡi voi, mặc áo giáp vàng tả xung hữu đột, quân Ngô thua chạy tan tác.

Thứ sử Lục Dận hớt hải chạy về dập đầu trước vua Ngô, kêu to  khởi tấu khởi tấu bọn Triệu Ẩu làm loạn ở quận Cửu Chân. Vua Ngô là Ngô Vĩnh An đang xem bọn cung nữ làm trò thoát y vũ, ngoảnh mặt nói Triệu Ẩu là thằng mô gan to rứa hè.

Lục Dận nói muôn tâu đấy là một con đàn bà. Vua Ngô nói è he, mấy con đó tụi bay không trị được, răng kêu tao? Lục Dận nói muôn tâu con này vú dài ba thước, không lấy chồng, vắt vú lên vai cưỡi voi xông trận, kinh lắm kinh lắm.

Vua Ngô nghe nói vú dài ba thước thì há mồm trợn mắt nói ua chầu chầu hay hè hay hè, rồi lập tức xua quân sang biên giới.

Vua Ngô nói bớ ba quân, Triêụ Ẩu  vú dài ba thước rất ghê tởm, đã thế còn dám làm loạn, quân sĩ dốc lòng quyết đánh, đứa mô can trường trẫm cho bóp vú nó. Quân sĩ sung sướng reo hò như sấm hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!

Giặc Ngô bao vây bốn phương tám hướng, Triệu Ẩu vẫn không hề nao núng, chống trả kiên cường. Vua Ngô nói bớ Triệu Ẩu vú mi mô, chìa ra cho tao coi, tao tha!

Triệu Ẩu lôi hai vú ra, nói bớ giặc già Ngô Vĩnh An, vú ta đây! Rồi bà bóp vú, sữa bắn ra như thác, dòng sữa trắng thơm khi bắn vào lũ giặc bỗng biến thành bùn đỏ như máu trùm lên cả vạn quân Ngô.

Quân Ngô bị bùn đỏ bắn cho tung tóe, kẻ mù mắt đứa hộc máu mồm mà chết. Vua Ngô há mồm trợn mắt, nói chi rứa bay chi rứa bay. Quan quân hét Bô xít Bô xít muôn tâu muôn tâu.

Vua Ngô nói rứa a rứa a, sợ hãi vung gươm hét lớn bớ ba quân không được lui, tụi bay lùi tụi nó được lướt đòi chủ quyền chủ queo, tau lấy ai mà cai trị. Nói rồi xua quân tiến lên.

Quân Ngô ba bề bốn bên bao vây Bà Triệu. Bà cầm hai vú quất lia lịa, đứa dập mũi, đứa gãy răng, ôm đầu máu bỏ chạy, than khóc như ri.

Về sau sữa hết vú xẹp, quân ít thế cô, bà Triệu tính kế lui  binh cố thủ. Đại tướng Văn Công Hùng nói chúa công chúa công, về ngay Tây Nguyên, Tây Nguyên còn thì Đại Việt ta còn. Bà thấy Tây Nguyên xa xôi, núi non hiểm trở hơi chần chừ. Đại tướng Lê Vĩnh Tài rập đầu dưới chân voi, nói chúa công chúa công lúc này nguy cấp, chúa công còn bỏ tây Nguyên là chúa công mê lầm.

Bà Triệu nói các người là đại tướng Đại Việt, ta không nghe các người thì nghe ai. Không lẽ nghe quan quân nhà Ngô dụ dỗ, bỏ Tây Nguyển về với chúng nó. Dứt lời bà thúc voi kéo đại quân tiến về Tây Nguyên.

Vua Ngô thấy đại quân Bà Triệu rút về Tây Nguyên, tức hộc máu mồm, nói cha tổ cha tổ con đàn bà rứa mà khôn hè, thôi ẻ vô không đánh nữa, bèn xua quân về nước.

Từ đó xã tắc yên ninh, bà Triệu sống với Tây Nguyên cả trăm năm thì mất. Trước khi mất bà ôm chân voi mà khóc, nói ta chết Đại Việt có còn không, nói xong thì tắt thở. Con voi rống lên ba tiếng rồi cũng chết theo, biến thành núi Ngok Linh cao ngất.

Nước mắt bà chảy ra như thác, biến thành hai thác Ialy và Đray Sap. Mái tóc dài của bà chia thành hai ngã, biến thành hai dòng sông Pa và Đak Bla. Thân thể bà biến thành núi Langbian hùng vĩ. Hai bầu ngực của bà biến thành cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông màu mỡ và trù phú, có rất nhiều Bô xít.

Sử thần Dương Trung Quốc nói: Lâm Viên và Đak Nông là hai bầu sữa mẹ, hãy để dành cho con cháu, quyết không để cho thiên hạ sờ mó.

Văn nô Nguyễn Quang Lập nói: Phải phải! Bầu sữa mẹ ta lại để cho thiên hạ sờ mó bú mớm là cớ làm sao.

Báo nô Hoàng Kim nói: Chí phải, chí phải! Không thể cho thằng nào sờ mó, bú bầu vú của mẹ ta.

Tháng Mười 16, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Báo Người cao tuổi:Bứt phá ngoạn mục trong đổi mới và phát triển

­­­Minh Trang

Tháng 10-2010 này, Báo Người cao tuổi tròn… 15 tuổi (xuất bản số đầu 1-10-1995 – 1-10-2010). Trong 15 năm ấy, mất 12 năm tờ báo trải bao thăng trầm, có lúc tưởng như phải giải thể. Một vụ án được đưa vào trong số 17 vụ án điểm năm 2007 giáng đòn chí mạng, đẩy tờ báo đến bên bờ vực phá sản, để lại khoản nợ 1,5 tỉ đồng. Trong cơn nguy biến, Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam quyết định mời “cao nhân” về giúp sức vực tờ báo. Đó là nhà báo Kim Quốc Hoa, người từng lăn lộn xây dựng, tham gia sáng lập và vực dậy tới 5 tờ báo trước đó. Và, chỉ trong hơn 3 năm, tờ báo vượt lên tốp đầu, tiếp tục tiến nhanh trên đường phát triển.

Mười lăm tuổi, tờ báo là “thiếu niên” trong làng báo chí Việt Nam, nhưng trên mình đã đầy “thương tích”. Những “thương tích” mà tờ báo phải gánh chịu xuất phát từ tính vị kỉ, chỉ lo vun vén cá nhân của đội ngũ lãnh đạo trước đây. Tính vị kỉ khi được nuôi dưỡng bằng chức quyền sẽ biến thành họa hại, tham ô, tham nhũng có cơ hội nảy nở, kéo theo những di họa cho cộng đồng. Điều này đúng với Báo Người cao tuổi cách đây gần 4 năm trở về trước. Ngày đó, nhắc đến Báo Người cao tuổi, ít ai biết. Nó tồn tại như tờ báo được dựng lên để phục vụ lợi ích cho một nhóm người. Hậu quả là báo phát hành khi nhiều nhất cũng chỉ được trên một vạn bản; không thu hút được những cây bút chuyên nghiệp, nội dung sơ sài và cao điểm là vụ tham ô, thất thoát tới 5,6 tỉ đồng, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an hai lần khởi tố đến 7 bị can, trong đó có 3 cán bộ chủ chốt của Báo.

Đầu năm 2007, nhà báo Kim Quốc Hoa được Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam mời về làm Tổng biên tập tờ báo. Trước muôn vàn khó khăn, làm sao để tờ báo vượt qua nguy nan, tiến tới phát triển bền vững là cả một vấn đề lớn, đòi hỏi phải thật sự tâm huyết, phải có bản lĩnh mới làm được. Việc đầu tiên cần phải làm sau khi nhậm chức, nhà báo Kim Quốc Hoa xây dựng một đề án đổi mới và phát triển Báo Người cao tuổi giai đoạn 2007 – 2010. Trong đề án này, những mục tiêu lớn được đặt ra, đó là: tăng từ 12 trang lên 16 trang/kì; trước mắt tăng lên 2 kì/tuần, năm 2010 tăng lên 3 kì/tuần; bổ sung tôn chỉ, mục đích; cải tiến nội dung, hình thức cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ. Muốn làm được như vậy, yếu tố con người là quyết định. Vì vậy, Báo tiến hành từng bước xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự theo phương thức tinh, gọn, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xây dựng và khai thác tối đa và hiệu quả đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.

Hàng loạt cây bút gạo cội trong làng văn, làng báo được mời cộng tác, hoặc mời về làm việc tại tòa soạn. Nhà báo Kim Quốc Hoa vốn dày dạn kinh nghiệm trong việc sử dụng con người. Đặc thù của nghề báo là, người viết càng lâu năm, càng nhiều tuổi thì càng vững nghiệp vụ, nhiều kinh nghiệm quý báu cần được khai thác. Tuy nhiên, do tuổi tác nên độ xông xáo giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, lớp trẻ vốn sung sức, khát khao thử sức, khẳng định mình cũng là lực lượng lao động quý, cần được phát huy. Song, để kết hợp nhuần nhuyễn hai lực lượng này, biến thành sức mạnh, cần phải tạo nên không khí đoàn kết, thân ái, chia sẻ giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó là nét đặc thù riêng có ở Báo Người cao tuổi mà 3 năm qua, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa đã thành công.

Tập thể Phòng phóng viên Báo Người cao tuổi

Khách đến làm việc ở tòa soạn, hoặc người ở cơ sở không khỏi ngỡ ngàng trước đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên của Báo Người cao tuổi hôm nay. Một số nhà báo dày dạn trong nghề được mời về làm việc, có những người từng quản lí cơ quan báo chí như: Nhà báo, biên tập viên cao cấp Nguyễn Duy Quyền, được mời về làm Phó Tổng biên tập; Đại tá, nhà báo Thanh Cao được mời về phụ trách Phòng phóng viên; nhà báo Đăng Bằng phụ trách Phòng Thư kí biên tập… Những nhà văn, nhà báo có tên tuổi như: nhà văn Trần Nhương, nhà báo Hoàng Dĩnh, nhà báo Hoàng Linh, nhà báo Kim Thoa, nhà báo Nguyễn Chính Hạnh, nhà báo Sĩ Thoại… cũng tụ hội về đây, đảm nhận những mảng nghiệp vụ quan trọng, bên cạnh các phóng viên trẻ thế hệ 7X, 8X xông xáo, năng nổ tạo nên lực lượng mạnh về sức khỏe, dồi dào về chất, giúp nội dung tờ báo ngày càng phong phú, chất lượng, hình thức ngày một nâng cao.

Một lực lượng hết sức quan trọng giúp tờ báo có nhiều thông tin phong phú, chất lượng, đó là đội ngũ cộng tác viên. Báo Người cao tuổi hiện nay có đội ngũ cộng tác viên rất đông đảo. Họ là những cây bút chuyên nghiệp nhiều năm kinh nghiệm, là những cán bộ cơ sở ở BĐD Hội Người cao tuổi tỉnh, thành, quận, huyện; Hội Người cao tuổi xã, phường… hoặc những hội viên Người cao tuổi nhiệt tình viết cho báo v.v… Tất cả những bài báo cộng tác viên gửi đến đều được chọn lọc, biên tập kĩ và cho đăng tải, nhuận bút thì chưa được nhiều nhưng đem lại niềm vui.

Về nội dung, Báo Người cao tuổi tập trung vào các trọng tâm thông tin phục vụ đối tượng chính là người cao tuổi gồm: các phương pháp bảo vệ sức khỏe người già, thể dục dưỡng sinh; các bài thuốc phù hợp với người cao tuổi, phù hợp với đại đa số nhân dân; những tấm gương người tốt, việc tốt, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; những tấm gương người cao tuổi tận tụy với công tác xã hội, phấn đấu làm kinh tế giỏi… được Báo đề cập nhiều nhất. Do đó, trong 3 năm qua Báo Người cao tuổi luôn được biểu dương là tờ báo đưa nhiều gương người tốt, việc tốt nhất. Một mảng nội dung quan trọng, làm nên vị thế của tờ báo là mảng điều tra chống tiêu cực. Trong 3 năm qua, Báo Người cao tuổi góp phần đưa ra ánh sáng nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng. Cụ thể như những vụ việc tiêu cực ở Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Giang, Đồng Nai, Bình Thuận… đều được Báo nêu chính xác, những cán bộ sai phạm phải nhận kỉ luật, quyền lợi hợp pháp của người dân được khôi phục. Gần đây nhất là vụ việc ở Hà Giang. Cách đây 2 năm Báo Người cao tuổi có nhiều bài điều tra về các sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô, kiến nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh, khai trừ Đảng đối với ông Tô, xử lí theo pháp luật. Do đụng chạm tới một cán bộ cao cấp, Báo Người cao tuổi, Tổng biên tập, tác giả các bài báo đã phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, chân lí đã thắng, ông Tô đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị cách chức như Báo Người cao tuổi đã kiến nghị.

Bên cạnh đó, Báo còn có nhiều bài viết về các vấn đề kinh tế – xã hội, văn hóa, văn nghệ; trang thơ người cao tuổi; các tin tức hoạt động Hội khắp nơi, những kinh nghiệm hoạt động Hội qua các tin, bài… Tất cả những nội dung đó thu hút số lượng lớn bạn đọc, là người cao tuổi, lực lượng đông đảo nhiều tiềm năng để phát triển tờ báo.

Hiện ngoài 3 kì/tuần, Báo Người cao tuổi duy trì số cuối tháng (đặc san) ra mỗi tháng một số, trang tin điện tử www.nguoicaotuoi.org.vn. Số lượng phát hành các ấn phẩm của Báo đều tăng. Hết quý 4 năm 2009, lượng phát hành báo tuần tăng 40%; sang quý 4 năm 2009 đặc san tăng 40% so với cùng kì năm 2006; năm 2010 sản lượng tăng 5 lần so với năm 2006. Trang tin điện tử mỗi năm có hàng triệu lượt người trong và ngoài nước truy cập. Ngoài ra, Báo Người cao tuổi còn xuất bản một số đầu sách được bạn đọc quan tâm: Sách Tuổi cao nêu gương sáng (tập 1); Sách Cây Lược vàng quý như vàng, với lượng phát hành trên một vạn bản; Đang chuẩn bị nội dung để xuất bản sách Tuổi cao nêu gương sáng (tập 2)… Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cho biết, Báo đang tích cực kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên, khi điều kiện cho phép sẽ nâng dần lên thành nhật báo.

Kỉ niệm 15 năm, cũng là tổng kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới, phát triển Báo Người cao tuổi. Với những gì đã đạt được trong 3 năm qua, thì mục tiêu phát triển thành nhật báo không phải là quá xa. Chúc Báo Người cao tuổi, với sức Phù Đổng sẽ vươn xa hơn nữa, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với bạn đọc cả nước.

Tháng Mười 16, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:Hồi hộp, bâng khuâng, tự hào và… buồn phảng phất

Hoàng Kim

Màn bắn pháo hoa dài chừng 20 phút tại sân Mỹ Đình đã khép lại 10 ngày Đại lễ. Đan xen, xáo trộn trong lòng người dân Việt với đa dạng sắc thái tình cảm: hồi hộp, bâng khuâng, vui, tự hào nhưng vẫn phảng phất chút buồn. Có lẽ, nỗi buồn xuất phát từ sự phôi phai nét văn hóa Hà Thành, để ngày Đại lễ còn đâu đó trong lòng mỗi chúng ta nỗi vấn vương. Cũng bởi chưng cơn “đại hồng thủy” hoành hành mảnh đất miền Trung thân yêu, để niềm vui, khát khao nghìn năm có một không được trọn vẹn!

Khai hội nghìn năm, dâng tràn cảm xúc

Đúng 8 giờ sáng 1-10-2010, ngọn lửa thiêng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thắp lên đài lửa, trong âm thanh hào hùng của dàn trống, cồng, chiêng… mở màn cho 10 ngày Đại lễ. Hàng vạn người các nơi đổ về Hà Nội, trái tim của cả nước. Các đường phố quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm chật như nêm, tuy nhiên chỉ có khoảng 1.000 khách mời được vào tham dự. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ôn lại lịch sử 1000 năm của thủ đô, từ khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư về đất Thăng Long mở ra kỉ nguyên mới của nước Đại Việt. Trải qua 1000 năm, với bao thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không… Thăng Long – Hà Nội là nơi lắng hồn sông núi, nơi hội tụ các tinh hoa, anh hùng, hào kiệt; nơi lắng đọng những giá trị văn hóa của dân tộc Việt, kết hợp với văn hóa, văn minh nhân loại.

Bí thư Phạm Quang Nghị nói: “Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc, với những áng văn bất hủ, mang hào khí dân tộc như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn độc lập”. Cảm xúc trào dâng khi bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Một đàn chim bồ câu từ quả địa cầu được thả ra, bay lên bầu trời Hà Nội trong xanh, như thông điệp với thế giới về một thành phố yêu chuộng hòa bình. Tiếp sau đó là phần hội, với trên 50 hoạt động, sự kiện khác nhau trong 10 ngày Đại lễ: khai trương trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại công viên Thống Nhất; khánh thành và trao Bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới” cho “Con đường gốm sứ”; khánh thành đại lộ Thăng Long, đại lộ dài nhất Việt Nam; đón chào đoàn đại biểu gồm 1000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng quân đội về thủ đô tham dự Đại lễ…

Đại lễ hoành tráng, đêm hội tái hiện lịch sử

Sáng 10-10-2010, đúng 56 năm sau ngày giải phóng thủ đô, cuộc diễu binh, diễu hành với sự tham gia của 4 vạn người là bộ đội, công an, công nhân, nông dân, trí thức… diễn ra tại Quảng trường Ba Đình và một số đường phố của Hà Nội. Bài diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gây xúc động con tim của tất thảy con dân nước Việt. Diễn văn của Chủ tịch có đoạn: “Chúng ta tôn vinh truyền thống Văn hiến của Thủ đô địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”. Cuối cùng, Chủ tịch không quên nhắc nhở chúng ta: “…khi đang hân hoan mừng ngày Đại lễ, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng cả nước và Thủ đô còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Để xứng đáng với Tổ tiên, với lịch sử hào hùng của dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong nước, ngoài nước nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và tài năng, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp, sánh vai cùng Thủ đô các nước trên thế giới; tích cực góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”.

Buổi tối cùng ngày, lễ hội “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Rồng bay” được tổ chức trang trọng, hoành tráng. Đêm hội với sự tham gia của gần 8.000 nghệ sĩ, diễn viên, xuất hiện trên một sân khấu lớn mang hình tượng trống đồng. Đây là chương trình biểu diễn lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện công phu bằng nghệ thuật xếp hình người, kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và màn hình 3D khổng lồ. Bằng nghệ thuật điêu luyện được dàn dựng công phu nhiều tháng nay, các nghệ sĩ đã tái hiện lịch sử 1000 năm, từ buổi vua Lý Thái Tổ định đô, đến thời đại Hồ Chí Minh. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 “Quyết định trọng đại”; Chương 2 “Hào khí đất thiêng, tinh hoa ngàn năm văn hiến”; Chương 3 “Thời đại Hồ Chí Minh – Ngày hội non sông – Thông điệp thành phố hòa bình”.

Nhiều mốc son lịch sử hiện về khiến người xem như được sống với suốt chiều dài lịch sử 1000 năm. Những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt, từ “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “…Như nước Đại Việt ta từ trước,/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,/Nước non bờ cõi đã chia,/Phong tục Bắc Nam cũng khác;/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,/Song hào kiệt thời nào cũng có…”, đến Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

Ai đó đã thốt lên, tự hào quá dân tộc Việt Nam, tự hào quá Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Màn pháo hoa dài chừng 20 phút, kết hợp với màn biểu diễn ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn pha, làm nên một đêm hội lung linh, huyền ảo. Đêm hội kết lại một Đại lễ nghìn năm mới có một lần, khiến ai nấy đều dưng dưng.

Nhưng vẫn phảng phất đâu đó nỗi buồn

Trời đất đã chiều lòng dân Việt, nhưng sao không trọn vẹn? Trong khi Hà Nội đang tưng bừng Đại lễ, thì ở miền Trung thân thương cơn “đại hồng thủy” hoành hành, cướp đi sinh mạng hàng mấy chục người, đẩy hàng nghìn người dân vào cảnh mất nhà cửa, tài sản… thiệt hại phải tới mấy nghìn tỉ đồng. Cả Hà Nội không yên dạ mà vui, cả đất nước thót tim chờ từng tin về trận lũ lụt, mấy trăm gia đình bị lũ cô lập đã cứu được chưa… Dư luận không yên, hàng trăm bài viết chia sẻ tình cảm với miền Trung, thậm chí có nhiều bài viết thiếu thiện chí, không có tính xây dựng, cũng bởi do quá nặng lòng với đồng bào miền Trung. Báo Người cao tuổi, trang web www.trannhuong.com đăng bài nêu kiến nghị bớt bắn pháo hoa dành tiền cứu trợ. Rất may trong tình thế đó, lãnh đạo TP Hà Nội quyết định hủy cả 29 điểm bắn pháo hoa, chỉ giữ lại một điểm ở sân vận động Mỹ Đình, để lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. “Hoan hô Hà Nội”, dư luận reo lên, dân cư mạng reo lên, thế là một quyết định, tuy muộn, nhưng hợp lòng dân. Ấy là cũng góp phần cho ngày Đại lễ 10-10-2010 được thêm vui vẻ.

Ấy là thiên tai làm hại dân lành. Còn ở nơi trung tâm điểm của Đại lễ, là TP Hà Nội, nhiều biểu hiện thiếu văn hóa cũng khiến tình cảm của người dân Việt đối với Thăng Long – Hà Nội mất đi ít nhiều. Lợi dụng Đại lễ, nhiều dịch vụ ăn theo tự do tăng giá. Ngay trong ngày khai mạc, nhiều người dân phải gửi xe với giá cắt cổ, nơi thì 15 – 20 nghìn/xe, nơi thì 50 – 70 nghìn/xe; rồi giá thực phẩm tăng vọt làm cuộc sống người dân thủ đô thêm khốn khó. Ngay trong đêm hội “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Rồng bay”, những vé mời được giới phe vé đem ra bán giá cắt cổ, rẻ nhất cũng trên triệu đồng một cặp, đắt thì đến 4 triệu đồng. Rồi đêm bế mạc, đám thanh niên hư lại đua xe máy chạy ầm đường, cảnh sát rú còi inh ỏi…

Hà Nội những ngày Đại lễ đèn, hoa rực rỡ, những con đường như: đường Điện Biên, phố Tràng Tiền… đèn chăng như mạng nhện, đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng; những hình rồng, phượng cắt bằng xốp treo lên… tất cả biến Hà Nội như một thành phố nào đó, không phải ở xứ mình. Nhiều cụ buồn buồn thốt lên “Đây không giống Hà Nội, Hà Nội quyết không phải thế này”. Vâng, Hà Nội vốn trầm mặc, là nơi lắng hồn sông núi; người Hà Nội vốn có chiều sâu của tư duy, không quen với những xô bồ, màu mè lòe loẹt. Những đèn, hoa chăng khắp phố phường; những đêm hội đèn đỏ, đèn xanh quét rực trời làm mất đi phần nào giá trị nghìn năm. Rồi các biểu hiện khoa trương, lãng phí không cần thiết được người ta lợi dụng Đại lễ nghìn năm, vung ra phung phí, trong khi đất nước đang còn nghèo, dân ta chưa hết khổ.

Còn nữa những “hạt sạn”, khiến lòng người buồn phảng phất. Phải chăng văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã bị phôi phai, khiến cho lòng người dân Việt mãi vấn vương. Nhưng dù sao Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng thành công, người dân Việt thêm một lần tự hào về dân tộc, tự hào về thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tháng Mười 14, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Trần Nhương viết đơn hộ Cụ Rùa

Theo lời kể của bác Trần Nhương, Tổng tư lệnh trang web http://www.trannhuong.com: Đêm hôm nọ Cụ Rùa hồ Gươm mò đến nhà bác Nhương, nhờ nhà văn viết hộ đơn xin về quê (vì thấy nhà văn nhiều chữ, đăng nhiều bài “lề trái” trên trang mạng). Sau đây là bản coppy lời kể của bác Trần Nhương:

VIẾT ĐƠN HỘ CỤ RÙA

Trần Nhương

Tôi đang thiu thiu ngủ, bỗng thấy bên má mình có gì buồn buồn, mát mát. Tôi nghĩ em nào lại đặt nụ hôn vào cái má già nua của mình. Đúng là giầu trí tưởng…bở. Tôi choàng tỉnh. Ô hóa ra Cụ Rùa. Tôi lễ phép con xin chào Cụ ạ.

– Này anh Nhương, tôi nhờ anh một việc.

– Dạ, Cụ dạy gì con xin vâng.

– Tôi nhờ anh thảo hộ cái đơn. Tôi biết anh có con web cũng đường được chắc văn hay chữ tốt.

– Cụ lại định khiếu kiện đất đai hay tố cáo tham nhũng. Cụ nhớ là không được nhiều người cùng kí là đơn của cụ bị out đấy nhé.

– Ao là thế nào, tôi đang ở hồ chứ ao nào.

– Xin lỗi Cụ, con quen đệm tí tiếng Anh như các nhà báo. Ao đây là tiếng Anh tức bỏ đi, ra ngoài kiểu như nốc ao ấy.

– Thôi anh cứ nói lằng nhằng, có giúp không thì bảo.

– Vâng con xin hầu cụ ngay đây ạ.

Cụ Rùa bỗng dựng đứng lên chỉ cho tôi xem khắp cơ quan đoàn thể rồi nói:

– Anh nhìn mình mẩy tôi đây này chẳng còn chỗ nào lành lặn.

– Vâng, trông Cụ te tua như mấy con trâu vừa chọi dưới Đồ Sơn về. Thế Cụ định viết đơn khiếu kiện việc gì ?

– Tôi viết đơn xin về quê anh Nhương ạ.

– Chết chết, Cụ đang chốn kinh kì, Cụ là niềm tự hào của Hà Nội chúng con, Cụ về quê thì chúng con lấy đâu vui vẻ phập phồng mỗi lần cụ nổi lên nhìn Thăng Long thay đổi từng ngày.

– Thôi anh ạ, cực chẳng đã anh cứ giúp tôi đi, thù lao tôi chi sòng phỏng. Anh viết cho tôi cái đơn tôi chi nhuận bút có khi bằng mấy cái tiểu thuyết ấy chứ.

– Không con không dám nhận đâu ạ. Thế Cụ cho con nội dung. Cái gì chứ viết minh họa cho chủ trương chính sách, viét thuê thì giới văn nhân chúng con hơi bị thạo.

Cụ Rùa hẵng giọng một cái rồi kể:

Tôi vốn theo Lê tiên vương từ đất Thanh Hóa ra đây. Qua bao thế kỉ được cư ngụ tại hồ Lục thủy. Vui sướng, tự hào lắm. Tôi đã làm cho Thăng Long thêm huyền thoại với tích đòi kiếm mà bao thế hệ người Việt vẫn truyền tụng nhau. Nhưng đến thế kỉ 21 này thì tôi không yên. Hà Nôi xây dựng búa máy, dàn khoan ầm ầm, bao nhiêu rác rưởi xuế uế, nươc thải đổ vào nơi tôi cư ngụ. Anh thử xem nếu bên giường ngủ của anh như thế anh có chịu được không. Cho đến mấy ngày đại lễ này thì tôi không thể chịu nổi. Tiếng trống, tiếng súng, pháo bắn, người xe tấp nập, nhảy múa như nhập đồng gõ búa suốt ngày vào mang tai tôi. Đêm đêm tưởng yên giấc một lúc cũng không sao chợp mắt được đèn đóm xanh đỏ lập lòe như chọc vào mắt mình. Lại còn nỗi khổ rác vứt , nước tiểu họ tương xuống hồ vô tư như ao nhà. Tôi bị đẫm mình trong thứ nước khai mù như vậy. Anh xem như thế tôi có sống nổi không ? Ấy là chưa kể lũ câu trộm lưỡi câu chùm làm khắp người tôi be bét thương tích. Các anh nếu có thương tật thì còn giám định kiếm mấy đồng trợ cấp của nhà nước. Còn tôi thì ai lo anh Nhương ? Mỗi khi tôi ngoi lên đớp không khí cho dễ thở thì hàng ngàn cặp mắt, máy ảnh, camera, rồi reo hò nhưng ai có thấu nỗi đau đời của tôi…
Thôi tôi xin về quê anh ạ. Quê tôi sông Chu sông Mã mênh mông chỗ nào chả sống được. Người quê rau cháo nhưng cái tình nó đầm ấm, hiền hòa chứ không dữ dằn như đất kinh kì. Đấy nội dung là vậy anh thảo cho tôi cái đơn…

– Nhưng thưa Cụ đơn gửi cho ai đây ?

– Thì anh cứ gửi cac vị lãnh đạo, ở nước mình cứ lãnh đạo là trên hết, là đại diện hết anh ạ.

– Vâng con mở laptop gõ nhoáy là xong. Con ghi là ĐƠN XIN VỀ QUÊ CỦA CỤ RÙA được không Cụ?

– Chết, anh đừng xưng cụ với lãnh đạo, lãnh đạo tối cao mình là thảo dân không phạm thượng được. Viết thế thì đơn của mình họ cho out ngay…

– Vâng con sửa là đơn xin về quê của công dân Rùa được không ạ?
Cụ Rùa OK rõ to rồi vội đi vì lên bờ lâu quá khô hết cả người. Cụ vội nhưng vẫn kịp nói với lại anh gửi meo cho tôi ngay nhé, nick nem là roimurua@yahoo.com hiểu chửa  ?

Tháng Mười 10, 2010 Posted by | Thư giãn | Bình luận về bài viết này

Hủy bắn pháo hoa dịp Đại lễ

(Vietnannet) – Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thông báo không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm tối chủ nhật này, dành tiền gửi các tỉnh miền Trung.

Thông báo số 412 TB/TU của Thường trực Thành ủy Hà Nội sáng nay (8/10) nêu rõ: Không tổ chức bắn pháo hoa ở toàn bộ 29 điểm trên địa bàn Thành phố trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Những ngày qua, tình hình mưa lũ, diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn, liên tiếp về người và của đối với đồng bào các tỉnh miền Trung. Với tinh thần tương thân, tương ái, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội đã phát động quyên góp, ủng hộ các tỉnh miền Trung và được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng.

Để tiếp tục chia sẻ, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn nữa tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước nói chung, đối với đồng bào các tỉnh miền Trung nói riêng, Thường trực Thành uỷ quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn TP trong dịp Đại lễ như theo kế hoạch đã định. Toàn bộ kinh phí này sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai.

Theo báo Hà Nội mới, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục quyên góp, ủng hộ nhằm giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Thành phố quyết định sẽ cử các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các tỉnh miền Trung.

(Trần Nhương.com) – HOAN HÔ HÀ NỘI HỦY BẮN PHÁO HOA, TIẾT KIỆM TIỀN GIÚP ĐỒNG BÀO BÃO LỤT

Bản tin TV trưa nay 8-10 đã loan Hà Nội quyết định hủy bắn pháo hoa mừng Đại lễ để lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Hoan nghênh chủ trương, quyết định đúng, hợp lòng dân, lòng Trời của Hà Nội. Ngày 5-10, tôi viết lá thư gửi ông Chủ tịch và nêu ý kiến đó. Ngày 7-10 báo Người Cao tuổi in bài đó với cái tít Ơi miền trung, ơi đại lễ. Không biết có phải do báo giấy, báo mạng không nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Việc dám quyết mới quan trọng. Hoan hô Hà Nội. Chắc anh linh Lý Thái Tổ cũng hài lòng vì con cháu…

Tháng Mười 8, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

“Sức Phù Đổng” trên tờ báo… “Người già”

Minh Trang

Tôi không chọn nghề báo, ngược lại nghề báo đã chọn tôi. Gần 20 năm làm báo trong mảng điều tra chống tiêu cực, nhiều lúc cũng thấy oải, muốn “rửa tay gác kiếm”. Thế rồi quãng thời gian 3 năm làm việc tại Báo Người cao tuổi đã giúp tôi lấy lại sinh khí. Nhiều bài viết xôn xao dư luận, vạch trần những sai phạm của bộ phận cán bộ biến chất, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, quản lí kinh tế; những bài viết giúp người dân lấy lại quyền lợi hợp pháp… làm nên uy tín, tên tuổi cho tờ báo “người già” đang còn rất non trẻ này.

Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới và phát triển Báo NCT

Làm báo gần 20 năm, chưa khi nào tôi thấy mình được sống một cách thực sự có ý nghĩa như bây giờ. Tôi không chọn nghề báo, mà ngược lại nghề báo đã chọn tôi. Cái nghiệp đã khoác vào thân, bập vào nghề báo là “chiến” luôn mảng điều tra chống tiêu cực. Hoạt động báo chí trong mảng nhậy cảm này thật vất vả, thậm chí còn nguy hiểm. Nhiều lần tôi đã bị dọa nạt, vu khống, làm hại… Có nhiều lúc oải, vài lần quyết “rửa tay gác kiếm”, đã đến đầu quân với bác Lê Lựu (tác giả Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông…) làm Văn hóa doanh nhân, cho lành. Trời xui đất khiến thế nào, tôi gặp Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, biết bác Hoa đang “chiêu hiền đãi sĩ”, máu nghề nổi lên và… về Báo Người cao tuổi, lại lao vào những cuộc điều tra chống tiêu cực đầy gian nan, thử thách. Đời anh làm báo gặp được “minh quân”, dám quyết, dám làm, dám chịu… là may mắn lắm, điều này đúng với tôi.

Như cá gặp nước, tôi tham gia điều tra, viết bài phản ánh về các sai phạm của UBND tỉnh Hà Giang, trực tiếp là ông Nguyễn Trường Tô đối với Công ty Sông Lô. Ông Tô, khi đó còn đang ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, phản đối quyết liệt, thậm chí còn dọa truy tố, bỏ tù Tổng biên tập và đương nhiên kể cả tôi, tác giả của những bài báo. Chân lí rồi cũng sáng tỏ, ông Nguyễn Trường Tô bị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh, khai trừ ra khỏi Đảng. Rồi còn nhiều vụ việc khác nữa mà tôi được tham gia, được chứng minh quan điểm của mình một cách thẳng thắn qua những bài báo, đó là nhờ sự anh minh của Tổng biên tập, nhà báo Kim Quốc Hoa. Nhưng điều vui nhất đối với tôi là hiệu quả của những bài báo tôi đã thực hiện, góp phần quan trọng lấy lại quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Cách đây khoảng hơn năm, tôi nhận nhiệm vụ Tổng biên tập giao, đi Lạng Sơn xác minh về một trường hợp gia đình liệt sĩ bị thất lạc hồ sơ, chưa được khôi phục quyền lợi. Đó là trường hợp gia đình liệt sĩ Trần Sáu ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Liệt sĩ Trần Sáu hi sinh từ năm 1945 tại Quảng Ninh, đã được công nhận liệt sĩ, gia đình được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, gia đình chạy giặc, các cơ quan cũng chạy giặc nên thất lạc hết hồ sơ. Khi trở về, có năm thì gia đình được nhận quà 27-7, có năm không. Gia đình làm đơn kiến nghị thì cơ quan chức năng trả lời là cụ Trần Sáu chưa được công nhận liệt sĩ. Gia đình đệ đơn đi khắp nơi, Hội Người cao tuổi thị trấn Đồng Đăng cũng tích cực kiến nghị giải quyết quyền lợi cho gia đình liệt sĩ, nhưng cũng không được đáp ứng như mong mỏi. Mọi tư liệu được xác minh chính xác, tôi viết bài phản ánh, đề nghị các cơ quan giải quyết. Sau đó, rất may tôi lại được gặp người trực tiếp an táng các liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Trần Sáu. Tôi lại viết bài thứ hai để khẳng định tính chính xác của thông tin. Cùng với hai bài báo, Lãnh đạo báo có công văn gửi các cơ quan chức năng. Và qua Báo Người cao tuổi, kiến nghị của gia đình liệt sĩ đã thấu đến tai các cơ quan chức năng, ngày 26-7-2010, UBND thị trấn Đồng Đăng tổ chức trọng thể lễ truy điệu liệt sĩ Trần Sáu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình, chấm dứt hành trình gần 20 năm gia đình kiên trì kiến nghị.

Nhờ Báo NCT,  gia đình liệt sĩ Trần Sáu đã được khôi phục quyền lợi

Mới đây, CCB Hoàng Sĩ Thao, Bí thư Chi bộ 8A và Nguyễn Phú Nho, Bí thư Chi bộ 4A thuộc Đảng bộ phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội đến tận tòa soạn gửi văn bản đề nghị: Báo Người cao tuổi lên tiếng bảo vệ cho một gia đình lão thành cách mạng. Đó là gia đình cụ Vũ Thành Quý, lão thành cách mạng, thương binh 2/4, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và vợ là Vũ Thị Nguôn, 40 năm tuổi Đảng không được UBND quận Ba Đình cấp phép xây dựng. Sau khi tìm hiểu kĩ sự thật, đối chiếu hồ sơ nhà, đất và thủ tục xin cấp phép xây dựng của gia đình cụ Quý, tôi nhận thấy đây là hậu quả của hành vi hành chính trái pháp luật của một số cán bộ thuộc UBND quận Ba Đình. Bài báo: “Một gia đình lão thành cách mạng bị đẩy cùng đường” chứng minh tính hợp pháp trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng của gia đình cụ Quý, nêu lên sự vô lí khi UBND quận Ba Đình cấp phép cho 17 nhà cùng dãy xây cao tầng, lại không cấp phép cho một mình gia đình cụ Quý. Tiếp đó, Tổng biên tập có công văn gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội, kèm theo bài báo của tôi, đã tác động trực tiếp đến đồng chí Bí thư. Mới đây, UBND phường Vĩnh Phúc tổ chức cuộc họp với sự có mặt của đại diện Đảng ủy phường, Chủ tịch MTTQ, cán bộ thanh tra xây dựng phường và đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường quận Ba Đình. Cuộc họp thống nhất đề nghị UBND quận cấp phép xây dựng theo nguyện vọng của gia đình. Như vậy, sau 3 năm nộp hồ sơ xin phép xây dựng không được giải quyết, nhờ tác động của Báo Người cao tuổi, gia đình đã được toại nguyện.

Trong lĩnh vực quản lí đất đai, hơn 3 năm trở lại đây, Báo Người cao tuổi có hàng trăm bài báo điều tra, phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi của người dân theo đúng pháp luật. Nhờ sự can thiệp của Báo, không ít vụ việc được giải quyết, lấy lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Tôi tự hào cũng góp phần nhỏ bé của mình trong đó. Đặc thù của Báo Người cao tuổi là sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa báo với các luật sư, trong đó có những luật sư có tên tuổi như: Phạm Hồng Hải, Vũ Văn Lợi, Trần Đình Triển… Nhờ đó, các bài báo đưa ra được các căn cứ pháp luật chặt chẽ và đủ sức thuyết phục. Thêm vào đó, quan điểm của Tổng biên tập là đã làm vụ nào thì làm cho đến cùng. Vì vậy, phần lớn vụ việc Báo Người cao tuổi đã “ra tay” thì đều đạt kết quả.

Hành trình 15 năm, kể từ ngày ra số báo đầu tiên, Báo Người cao tuổi trải qua biết bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng như tờ báo không thể tồn tại. Hơn 3 năm lại đây, thực hiện Đề án đổi mới, với sự điều hành vừa kiên quyết, vừa anh minh của Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, từ chỗ đứng trước bờ vực phá sản, Báo Người cao tuổi vươn lên thành một trong những tờ báo có uy tín nhất hiện nay, trong đó có phần quan trọng của mảng điều tra chống tiêu cực và… có cả sự đóng góp của tôi. Bằng “sức vươn Phù Đổng”, Báo Người cao tuổi đang vững bước trên đường phát triển, đóng góp vào sự lớn mạnh của ngành báo chí nước nhà. Nhân dịp kỉ niệm 15 năm Báo Người cao tuổi ra số đầu, nhìn lại cả quá trình hình thành và phát triển, thật tự hào với sự lớn mạnh của Báo ngày hôm nay. Chúng tôi cũng tự hào được đứng trong hàng ngũ những phóng viên sung sức của “Tờ báo người già”, tự hào được là chiến sĩ của “người lính già” Kim Quốc Hoa.

Tháng Mười 8, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trần Nhương
Mô
Kính gửi: Ông Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Tôi là Trần Nhương, Nhà văn, công dân thủ đô. Tôi viết thư này xin đề nghị mấy điểm sau đây:
– Cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung. Nhân dân chúng tôi sẵn sàng xem pháo hoa qua TV cũng không sao. Hà Nội tổ chức kỉ niệm ngàn năm kéo dài tới 10 ngày liệu có quá lãng phí, phô trương không ? Một nước nghèo vào nhóm cuối của thế giới mà lễ hội quá linh đình liệu có nên không ?

– Sau đại lễ Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu. Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Kính thư
Trần Nhương

Bức thư này của bác Trần Nhương thật chí lí. Cần phải có thái độ ứng xử cho có văn hóa. Trong khi ở nơi khác người dân đang phải chịu sự tàn phá của thiên tai, mà ở Hà Nội lại cứ phung phí tiền bạc để làm những việc phù phiếm, xa hoa thì liệu có nên không? Tôi là người gốc Hà Nội cũng thấy chạnh lòng và xấu hổ. Tôi đồng tình với bác Trần Nhương, Hà Nội nên giảm bắn pháo hoa đi, dân chúng tôi ngồi nhà xem tivi cũng tốt rồi. Thú thật, trong mấy ngày đại lễ vừa qua người dân phố cổ chúng tôi hầu như không ai đi ra đường. Hồ gươm đông vậy là dân ở các tỉnh lân cận đổ về đấy thôi chứ ít người Hà Nội lám.

Tháng Mười 6, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này

Phát triển cây cao su ở Thanh Hóa: Đại dự án có nguy cơ đổ bể

Hoàng Linh – Diệp Chi

Với những lợi thế nhiều mặt, cây cao su được coi là một trong những cây chủ lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn liền công – nông – lâm nghiệp ở trung du, miền núi. Thanh Hóa nằm ở vị trí đắc địa, có đầy đủ các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển cây cao su. Do đó, một dự án rất “hoành tráng” về phát triển loài cây này, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở ra tương lai phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân tỉnh này. Song, Dự án đang đứng trước nguy cơ chết yểu, do thiếu thống nhất trong việc triển khai giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và doanh nghiệp.


Ông Đỗ Viết Liêm, Giám đốc Cty Cao su Thanh Hóa, là người rất hiểu và tâm huyết với sự phát triển cây cao su cho biết, giống cây này có nhiều cái nhất: Một là phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giữ nước, chống sạt lở đất, lũ quét ở miền núi hiệu quả nhất; Cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; Giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất. Ngoài ra, trồng cây cao su sẽ giúp người nông dân thoát khỏi lề lối canh tác lạc hậu, làm quen với tác phong công nghiệp, hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp. Từ đó xây dựng kinh tế bền vững, thực hiện “li nông không li hương”, góp phần giảm thiểu áp lực dân nghèo kéo ra thành thị làm ăn, gây nhiều hệ lụy phức tạp…

Với ý nghĩa, lợi ích như vậy, năm 1992 Cty Cao su – Cà phê Thanh Hóa (tiền thân của Cty Cao su Thanh Hóa) tham mưu với UBND tỉnh mở rộng diện tích cao su ở Thanh Hóa. Đồng thời tỉnh Thanh Hóa mời Tổng công ty Cao su Việt Nam giúp tỉnh quy hoạch vùng trồng cao su, đầu tư để thực hiện quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 114/QĐ-TTg, phê duyệt dự án phát triển cây cao su ở Thanh Hóa, theo đó đến năm 2005 Thanh Hóa hình thành vùng cao su với diện tích 15.000 ha gồm: diện tích trồng tập trung, diện tích trồng phân tán của các hộ nông dân liên kết với Cty Cao su Thanh Hóa. Các văn bản, quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thể hiện quyết tâm phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, trở thành cây chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên cho đến nay, trừ huyện Thạch Thành, các huyện còn lại trong vùng quy hoạch kết quả triển khai đạt rất thấp, dự án đang có nguy cơ đổ bể, giống như dự án phát triển cà phê trước đây đã thất bại. Theo kế hoạch, năm 2009 diện tích trồng mới cây cao su phải đạt 3.700 ha. Thế nhưng kết quả chỉ trồng được 1.513 ha, chủ yếu là cao su tiểu điền và phần lớn trong đó là do nông dân tự bỏ vốn ra trồng. Năm 2010 tình hình còn tệ hơn năm 2009. Kế hoạch của tỉnh đặt ra là sẽ trồng mới 2.400 ha, trong đó vụ xuân là 979 ha. Tuy nhiên, ngay kể cả huyện được đánh giá là điển hình về cây cao su, nhưng thực hiện cũng không được là bao.

Theo Giám đốc Đỗ Viết Liêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Lãnh đạo các huyện trong vùng quy hoạch cao su không “mặn mà” với chương trình này. Ông Liêm cho rằng, nếu làm các dự án 135, 134, 327… các xã, huyện có tiền ngay cho nên họ tích cực. Còn làm cao su, thời gian đầu tư kiến thiết cơ bản kéo dài, không có tiền ngay nên các huyện, xã tỏ ra rất hờ hững. Cty đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đâu lại vào đấy, đặc biệt là chẳng thấy cán bộ nào bị kỉ luật hay khiển trách vì thiếu tinh thần trách nhiệm với dự án. Thậm chí nhiều lãnh đạo huyện còn đùn đẩy hết trách nhiệm về phía Cty Cao su Thanh Hóa.

Nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu vốn, do không có ngân hàng nào sẵn sàng đứng ra bảo lãnh vốn vay, nên chính sách khuyến khích trồng cao su không thực hiện được. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa không thuyết phục được cho bất kì ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh vốn cho Cty và người dân. Điều này cũng rất dễ hiểu, các ngân hàng không sẵn sàng bảo lãnh vốn vay không phải do dự án không khả thi, mà do thấy độ rủi ro cao. Trong khi đó, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền, nên không dám mạo hiểm. Rõ ràng, ở đây phải có vai trò chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, với những cam kết đảm bảo, thì các ngân hàng mới sẵn sàng. Điều này cho đến nay vẫn đang còn rất mờ nhạt trong các văn bản định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh.

Về phía người dân, do không hiểu rõ cơ chế liên kết nên tỏ ý nghi ngờ. Theo hợp đồng liên kết, phía Cty đầu tư toàn bộ: giống, phân bón, kĩ thuật… phía người nông dân chỉ góp đất và công lao động. Khi thu hoạch thì Cty chỉ được hưởng 40% giá trị sản phẩm, người nông dân hưởng 60%. Như vậy là nếu có rủi ro xảy ra, phía Cty sẽ gánh chịu hậu quả là mất vốn đầu tư, phần lợi thế nghiêng về phía người nông dân. Thế nhưng nông dân vẫn cho rằng, Cty phải tăng phần ăn chia cho họ. Đó là đòi hỏi rất phi lí. Thế nhưng dường như không cấp chính quyền nào vào cuộc vận động, tuyên truyền, giải thích cho dân. Thậm chí nhiều hộ dân ở các huyện Cẩm Thủy, Như Xuân… đã nhận giống, phân bón của Cty với chi phí trên 7 tỉ đồng, nhưng lại kiên quyết không kí hợp đồng. Cá biệt còn có hộ tự ý bán mủ cao su cho tư thương, gây thất thoát vốn cho Cty. Đáng nói hơn là ngay Sở Kế hoạch – Đầu tư Thanh Hóa và một số huyện: Nông Cống, Ngọc Lặc, Thọ Xuân còn kí cho tư thương mua, chế biến mủ cao su, trong khi họ không có đất trồng.

Cao su là cây công nghiệp đầy lợi thế, đặc biệt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Thanh Hóa, là điều không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, để cây này thật sự có chỗ đứng trên địa bàn tỉnh, dự án phát triển cây cao su thoát khỏi nguy cơ chết yểu, cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ UBND tỉnh Thanh Hóa. Lãnh đạo các huyện trong vùng dự án cũng cần thay đổi nhận thức, để tích cực hỗ trợ dự án triển khai có hiệu quả. Các ngân hàng cũng nên có động thái tích cực hơn trong việc bảo lãnh vốn vay đối với người nông dân và Cty Cao su Thanh Hóa. Hoặc UBND tỉnh khẩn trương tìm nguồn vốn thay thế, bởi lẽ thường “có thực mới vực được đạo”. Như vậy mới lấy lại niềm tin cho nông dân đã từng bị lao đao, khốn khó bởi các dự án nông nghiệp dở dang trước đây.

Tháng Mười 5, 2010 Posted by | Xã hội | Bình luận về bài viết này