Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Cha tôi

(Viết tặng cha)

Hoàng Linh

Một điều chắc chắn, khi đọc tiêu đề bài báo này, sẽ có người bảo tôi hâm, hoặc hợm hĩnh, hay là lợi dụng phương tiện hành nghề để lăng xê cha mình… Mặc, tôi cũng cứ viết, bởi sự thật là như vậy. Từ người thân trong gia đình, đến bà con khối phố, rồi những đồng sự của cha tôi sẽ chứng giám cho điều này. Cha ơi! Cuối cùng thì chúng con cũng thực hiện được ước nguyện rất nhỏ nhoi, nhưng ý nghĩa thật lớn lao của cha, đó là đưa cha về với cội nguồn gốc rễ, về giữa lòng đất quê hương bản quán mà từ đó cha đã thoát li theo cách mạng, rồi đi suốt cả 80 năm cuộc đời. Cha hãy yên nghỉ, đất mẹ sẽ ôm cha vào lòng mãi mãi.

Trong kí ức tuổi thơ của tôi, có cả những ngày dài cha vắng nhà, khi thì cả tháng trời, khi thì dăm bữa nửa tháng. Chúng tôi nhớ cha, hỏi mẹ cha đi đâu lâu vậy? Mẹ trả lời: “Bố các con cùng các chú đi bè chở lương thực đến các vùng khó khăn. Ông ấy đi tham gia lao động công ích xã hội chủ nghĩa…”. Ngày ấy, tôi chẳng hiểu “lao động công ích xã hội chủ nghĩa” là gì. Chỉ đến khi lớn lên tôi mới hiểu, thì ra cha tôi đi là để đóng góp công sức cho xây dựng đất nước, càng kính phục cha hơn. Khi tôi mới lên hai, cha đem cả gia đình đi xây dựng kinh tế mới, sau đó nhà tôi chuyển đến phố Vàng, huyện Thanh Sơn, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Mẹ tôi, người phụ nữ thành phố chân yếu, tay mềm nên mình cha gánh vác hết mọi việc. Vậy mà cha vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội không quản ngày đêm. Ngày ấy nhà tôi là nơi dừng chân của các chú bộ đội phòng không đóng trên đỉnh núi Tăng Teo. Cứ mỗi lần các chú qua nhà, cha lại kêu mẹ đi bắt gà làm cơm thiết đãi, rồi còn nhốt vài con vào lồng để mang về cho các chú ở đơn vị…

Cứ vậy, một phần tuổi thơ tôi trôi qua với những kỉ niệm khó quên. Năm 1973 cha đưa gia đình quay trở về Hà Nội. Cuộc sống vô cùng khó khăn, cha lại gồng mình để gánh vác gia đình, với bảy chị em tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ngày cha làm công tác tuyên truyền, cổ động cho Phòng văn hóa quận, tối về lại quần quật ép quai guốc nhựa, đem ra chợ Đồng Xuân giao cho các sạp hàng, lấy tiền nuôi chúng tôi ăn học. Chúng tôi lớn lên như thổi trong sự đủ đầy, bằng những giọt mồ hôi bất tận của cha. Chúng tôi trưởng thành bằng tình thương yêu, sự hi sinh và nghiêm khắc của cha. Trong bảy chị em, tôi là đứa cứng đầu nhất, nên thường bị cha nọc ra đánh đòn. Lần nào cha cũng bắt tôi nằm sấp xuống giường, lấy roi quất vào mông tôi. Không lần nào là mông tôi không lằn lên những “con lươn” to bằng chiếc đũa cả, nhức nhối, bỏng rát. Có lần quất roi vào mông tôi xong, cha ra góc nhà rấm rứt khóc. Tôi không cảm thấy đau đớn thể xác, mà ấy là nỗi đau âm ỉ trong tim, để rồi ân hận vì đã trái lời cha. Và, đó là hành trang để tôi lớn lên, hoàn thiện thành người tử tế.

Một lần, tôi bỗng thấy mấy chú công an đến nhà đòi đưa cha đi. Tôi chẳng biết gì, chỉ hốt hoảng, ngơ ngác. Nửa buổi cha trở về, kéo tôi ra một góc giải thích, đó là do họ bắt nhầm người, họ được tin báo cha là gián điệp nằm vùng còn sót lại. Thì ra câu chuyện bắt đầu từ những năm kháng chiến chống Pháp, cha tôi công tác tại Ty Công an tỉnh Ninh Bình. Ngày ấy, ở vùng tự do có ổ gián điệp hoạt động chống phá cách mạng, cha nhận nhiệm vụ thâm nhập để điều tra, phá án và ổ gián điệp bị ta bắt gọn, trong đó có công lớn của cha tôi. Có người nhìn thấy cha thường xuyên đi lại với gia đình tên chỉ huy nhóm gián điệp, sau lại thấy cha sống tại địa phương liền đi báo công an. Rất may khi cha tôi đến cơ quan công an, người thủ trưởng đơn vị ấy mới nhìn thấy cha tôi, đã nhận ra người chỉ huy cũ của mình. Hai người hàn huyên sau nhiều ngày xa cách, rồi cha tôi về nhà như không có chuyện gì xảy ra.

Ngày tôi lấy vợ, cha dặn: “Con đã chấp nhận lấy người ta, vậy là người ta sẽ đi chung con thuyền, mà con là người lèo lái. Con hãy cố gắng gìn giữ gia đình bằng tất cả tình thương và trách nhiệm…”. Tôi chưa kịp thực hiện những điều cha dạy, thì chúng tôi đã nhận ra rằng, hai đứa luôn xung khắc, không thể kéo dài thêm mối quan hệ. Và… chúng tôi chia tay. Cha rất buồn và giận, tuyên bố từ tôi, cấm cửa không cho tôi về nhà. Phải mất hơn hai năm trời đằng đẵng, tôi lang bạt, không nhà, không người thân nhưng không mảy may trách cha, tôi đáng bị trừng phạt như vậy. Rồi cha cũng nguôi ngoai, lại đón tôi trở về trong vòng tay cha như ngày tôi còn bé dại. Người đàn bà thứ hai xuất hiện trong đời tôi, cũng bất hạnh, bơ vơ không chốn nương thân. Biết chuyện, cha khuyên tôi: “Nếu con thấy có thể cưu mang được người ta, thì hãy giang tay cứu giúp…”. Tôi nghe lời cha, đưa mẹ con cô ấy về nhà nương náu. Rồi rốt cuộc người ấy cũng bỏ tôi ra đi sau khi đã “đủ lông, đủ cánh”. Cha tôi không mảy may trách cứ, còn an ủi tôi rằng: “Dù gì thì con cũng đã làm được một việc tốt, rồi cuộc đời sẽ bù đắp cho con những tổn thất tinh thần…”.

Cha tôi sống như vậy, ở khu phố bất cứ gia đình nào có việc nhờ, từ chuyện nhỏ nhất là khai sinh cho con, đến những chuyện lớn như thủ tục xin phép xây, sửa nhà cửa… cha tôi đều giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo mà không mảy may đòi hỏi ai phải trả ơn. Cha thường dạy chúng tôi: “Không được tham của ai, tuyệt đối không nhận những gì không thuộc về mình. Giúp được người thì cứ giúp, đừng bao giờ đòi họ phải trả ơn!”. Ngày cha tôi “hai năm mươi”, cả phố tôi từ già đến trẻ đều đưa tiễn không thiếu một người. Nhiều người, vì điều kiện không theo tiễn cha tôi về an nghỉ tại quê, cứ tỏ ra tiếc nuối. Đời người ai cũng đến lúc phải về với tổ tiên. Cha tôi cũng vậy, ông đã sống 80 năm cuộc đời không uổng phí, mặc dù kinh tế gia đình chẳng mấy dư giả.

Chúng tôi lòng bảo lòng, hãy gắng sống như cha, chẳng cần phải là ông to bà lớn; chẳng cần nhà cao cửa rộng, sống cuộc đời đạm bạc nhưng thanh thản, với giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc.

Tháng Sáu 25, 2011 - Posted by | Văn học

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này