Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Ngày xuân ấm áp hương trà

Hoàng Linh

 

Mùa xuân, thời khắc giao hòa của đất trời, những tia nắng nhẹ nhàng, ấm áp xua tan đi giá lạnh của mùa đông. Bên tách trà nghi ngút, tỏa hương ngào ngạt, khách và chủ cùng đàm đạo về những biến cố xảy ra trong năm cũ, những toan tính và dự báo cho năm mới… Từ bao đời nay, trà là món đồ uống thông dụng của người Việt. Trà len lỏi vào cuộc sống, trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sinh hoạt ở mỗi gia đình. Khách đến chơi nhà, việc đầu tiên chủ nhà làm là tráng ấm pha trà mời khách, sau đó mới trao đổi, đàm đạo về các vấn đề liên quan đến chủ và khách hoặc các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Khác với Nhật Bản có “Trà đạo”, Trung Quốc có “Nghệ thuật trà”, người Việt Nam uống trà có phần bình dị, tiết độ, phổ biến và nâng việc uống trà lên tầm văn hóa. Người Việt Nam có thói quen uống trà đặc và liên tục với quan niệm trà là sự tế nhị, thanh tao, sự suy ngẫm và giao hòa với thiên nhiên. Qua việc uống trà, người Việt Nam thể hiện sự ứng xử với thời gian, tiếp cận đầy tính nhân văn với không gian, môi trường và con người một cách thanh lịch.

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, người dưới pha trà cho người trên, phụ nữ pha trà cho đàn ông. Người ta có thể uống trà một cách im lặng, có thể xét đoán tâm lý của người đối diện lúc dùng trà và khi đã trở thành một cái thú thì không thể quên nó. Trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Uống trà có thể là độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm, nhưng không gian của những cuộc trà không bao giờ ồn ào náo nhiệt mà thanh lịch, nền nã. Khi nhấp từng ngụm trà thơm, con người càng sảng khoái, gần gũi nhau hơn, thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Khi khách đến chơi nhà, chủ nhà y phục chỉnh tề, rửa tay, đun nước, pha trà mời khách bằng cả hai tay, rất lịch sự, trân trọng, khiêm nhường, dung dị. Qua đó, người Việt biểu thị đạo lý làm người, triết học nhân sinh. Trà là một nhu cầu sinh hoạt tinh thần, không thể thiếu được.

Văn hóa trà Việt Nam gắn bó mật thiết với nền văn minh lúa nước và văn hóa làng xã. Trà có nhiều loại, từ trà tươi, trà mạn đến các loại trà ướp hương… Đặc biệt ở nông thôn, người dân có thói quen pha trà tươi, uống bằng bát, đồng thời với việc ăn khoai luộc, hút thuốc lào… Nghệ an nổi tiếng với một loại trà có tên gọi “chè gay”. Đây là loại trà tươi, được hãm cả cành trong nồi bù hoặc ấm đất với nước giếng đá, vị chát, hương thơm và có màu xanh rất đẹp.

Người Việt Nam rất thích uống trà ướp hương của các loài hoa như: lài (nhài), sói, sen, cúc, ngâu… Đặc biệt trong các dịp lễ tết, nhất là Tết nguyên đán, nhiều người có thú thưởng trà ngũ hương. Người ta dùng một khay có 5 chỗ trũng, đặt vào mỗi chỗ trũng một loại hoa: lài, sói, sen, ngâu và cúc. Chén uống trà được tráng nước nóng, sau đó úp lên các bông hoa, đợi một chút cho hương các loài hoa bắt vào chén rồi lấy chén đó để thưởng trà. Người Hà Nội có cách ướp trà sen, đã được đưa lên tầm nghệ thuật. Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại “một tôm hai lá” và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Đồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây. Hoa sen phải hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen vẫn còn ngan ngát.

Các tao nhân mặc khách còn có thú thưởng thức trà sen độc đáo hơn. Khi hoàng hôn buông xuống, rải những tia nắng vàng lên mặt hồ sen, các thiếu nữ chèo thuyền ra chọn những bông sen đang còn hé nụ và bỏ vào đó một dúm trà khô. Sau một đêm, khi ánh bình minh vừa ló dạng, những thiếu nữ ấy lại chèo thuyền ra hồ, đến từng bông sen rũ lấy các dúm trà đã đượm hương sen ngào ngạt. Nước pha trà được lấy từ những giọt sương sớm còn đọng lại trên những tầu lá sen. Người uống trà ngồi xếp bằng trên sập gỗ, trông ra hồ sen xanh ngát, mênh mang gió sớm, vừa uống, vừa ngắm cảnh, ngâm thơ hoặc hàn huyên, tâm sự…

Các bậc vĩ nhân của dân tộc ta còn lưu lại cho hậu thế một kho tàng thi ca về trà, hoặc có liên quan đến trà. Trong “Ức Trai thi tập”, Nguyễn Trãi có ít nhất 5 bài thơ nói đến trà, trong đó có 2 phần của bài “Ngôn chí” theo thể thất ngôn bát cú, có nhắc đến chè “hồng mai”. Phần I: “Cởi tục chè thường pha nước tuyết/Tìm thanh trong vắt tịn chè mai”. Phần II: “Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng/Phiếm sách ngày xuân ngồi chấm câu”. Khi trở về Côn Sơn, ông viết “Bao giờ nhà dựng đầu non/ Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi” Hoặc “Mây toả đầy nhà, mai đốt bách, Tùng reo quanh gối, tối đun trà” và trong bài “Đề tranh Vân Oa của Trình Xử Sĩ”, ông viết “Trăng soi trên ghềnh rêu, đầy rừng trúc mọc/Để rửa sạch lòng trần, có chè ngoài hoa/ Để gọi tỉnh mộng buổi trưa, có chim trên gối”. Và còn nhiều, nhiều lắm những bài thơ nói đến trà, đến việc thưởng trà của các thi nhân truyền từ đời này qua đời khác.

Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ, của hội nhập quốc tế, người Việt Nam tiếp cận được nhiều loại trà du nhập từ khắp nơi trên thế giới. Người ta đã biết đến những: Hồng trà sủi, trà ô long, trà Lipton… nhưng bản sắc văn hóa trà Việt Nam vẫn không hề mất đi. Ngày xuân, nhấp chén trà để “ôn cố tri tân”, cho tâm hồn thanh thoát và để đón một năm mới với bao kì vọng, như vậy có phải là thú vị lắm hay sao!

Tháng Hai 1, 2010 - Posted by | Văn học

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này