Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Hà Tây (cũ): Một công văn sai, hơn 400 nhân viên y tế ra đường

Hà Tây (cũ): Một công văn sai, hơn 400 nhân viên y tế ra đường

Minh Trang

(Thứ Năm, 15/01/2009-8:45 AM)

Hơn mười năm rồi, 466 người nước da đã ngả đồi mồi, tóc đã muối tiêu nguyên là cán bộ y tế cơ sở tỉnh Hà Tây (cũ) đội đơn khiếu nại khắp nơi, đến UBND tỉnh thì được chỉ sang Toà án Hành chính, khi đến Toà Hành chính nộp đơn thì lại được chỉ sang UBND tỉnh…

Cách giải quyết đơn thư theo kiểu “đèn cù” khiến những người tuổi xế chiều muốn đứt hơi. Nhưng, vì quyền lợi chính đáng chưa được giải quyết, mới đây họ lại bảo nhau đội đơn lên UBND thành phố Hà Nội, hi vọng với cơ chế quản lí của đơn vị hành chính thủ đô mở rộng, may ra họ được giải quyết thấu tình đạt lí hơn chăng!

Ông Trần Trí Dũng, người được vợ là bà Nguyễn Thị Minh ủy quyền cho biết: Từ quý III-1995, đột nhiên 466 nhân viên y tế cơ sở của tỉnh Hà Tây (cũ) đồng loạt nhận được quyết định cho nghỉ việc, hưởng chế độ một lần. Tất cả các cán bộ, nhân viên này bàng hoàng ngơ ngác, bởi họ đều là những công chức có từ 15 – 43 năm công tác, có tay nghề, còn trong độ tuổi lao động, trong đó đa số là trưởng, phó trạm y tế phường, xã và không vi phạm bất cứ điều gì. Thật là lạ, trong khi hệ thống y tế cơ sở đang thiếu nhân sự, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, mà tỉnh lại cho nghỉ một loạt như vậy là cớ làm sao?

Hỏi rõ mới biết, thì ra mọi sự bắt đầu bằng việc ngày 2-5-1995, liên sở Y tế – Tài chính, Vật giá – Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hà Tây có công văn hướng dẫn số 182/CV-LS, với nội dung “cán bộ y tế xã, phường phải có trình độ trung cấp trở lên…”. Và, cái sai của công văn này lại dựa vào một văn bản hướng dẫn rất đúng đắn của Chính phủ ban hành ngày 20-4-1995 (đó là Thông tư số 08/TT-LB), nhằm củng cố tổ chức, cơ cấu cán bộ y tế xã, phường với nội dung “cần có cả y tá, dược tá sơ cấp, y sĩ, bác sĩ…”. Ngay lập tức, các huyện, thị đã đồng loạt ra quyết định cho 466 cán bộ y tế cơ sở nghỉ việc hưởng chế độ một lần, trong đó có cả y, bác sĩ. Việc đồng loạt khiến họ dở khóc dở cười tiếp theo là các huyện, thị đều ra quyết định cho thôi việc tập thể đối với cán bộ các trung tâm y tế xã, phường, đưa vào “một rọ” thôi việc với lí do chung chung là “xét đề nghị của giám đốc trung tâm y tế xã…, trưởng phòng tổ chức chính quyền huyện”, thế là xong, mặc dù khi vào làm việc mỗi người đều có đơn, hơn nữa mỗi người có thâm niên khác nhau, trình độ khác nhau. Cái sai tiếp theo là ngày 8-9-1995, ngày 31-10-1995 nhận quyết định, nhưng quyết định lại có hiệu lực từ 31-12-1994. Chế độ thanh toán một lần cho số cán bộ phải nghỉ việc này cũng rất vô nguyên tắc. Thời điểm cán bộ y tế cơ sở đang hưởng mức lương cơ bản là 120.000 đồng/tháng theo nghị định 25/CP (có hiệu lực từ 1/4/1993) thì lại thanh toán theo Nghị định 235/HĐBT đã hết hiệu lực với mức lương cơ bản chỉ có 22.500 đồng cho đến 1-1-1995. Tính ra mỗi người thiệt chênh lệch tới 21 tháng lương giữa 2 nghị định.

Như đã nói ở trên, có đến 2/3 số cán bộ y tế cơ sở này đủ tuổi nghỉ hưu nhưng lại không được giải quyết. ví dụ như bà Vương Thị Hoan là y sĩ đã có thâm niên công tác 36 năm, bà Nguyễn Thị Minh công tác liên tục 22 năm… Lí do được tỉnh Hà Tây (cũ) đưa ra là do số cán bộ này không đóng bảo hiểm xã hội. Thật buồn cười vì điều lệ bảo hiểm xã hội mới có từ năm 1994 thì những năm trước đó có chủ trương thu đâu mà đóng?

Đơn khiếu nại của số cán bộ này cũng đã được Thanh tra tỉnh Hà Tây xác minh. Tại báo cáo kết quả số 89 ngày 22-9-2004 đã nêu rõ: “Từ khi có Quyết định số 123/HĐBT ngày 19/8/1987 đến khi có Quyết định số 58/TTg ngày 3-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ thì cán bộ y tế cơ sở được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như nghỉ hưu mất sức, thôi việc, phụ cấp khi ốm đau, sinh đẻ… như đối với cán bộ y tế nhà nước; cán bộ y tế cơ sở không phải trực tiếp đóng bảo hiểm xã hội mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội”. Mặc dù ý kiến của Thanh tra đã rõ ràng nhưng chẳng thấy cơ quan nào đứng ra giải quyết, mà lại đùn đi, đẩy lại nên đã xảy ra chuyện nực cười, đó là các cơ quan khi giải quyết đều theo lối “đuổi theo đuôi” cơ chế, chính sách của Nhà nước. Có thể tóm tắt lại như sau: Đến năm 2001, UBND tỉnh ra quyết định gọi là hỗ trợ từ 22.500 đồng lên 120.000 đồng, nhưng khi đó chế độ lương cơ bản của Nhà nước đã là 210.000 đồng. Sau đó, năm 2002 Phó Chủ tịch tỉnh Lã Văn Lục kí thông báo số 73, quyết định nâng mức lên 210.000 đồng, song chế độ lương của Nhà nước đã nâng lên 290.000 đồng. Năm 2005, Thanh tra liên ngành vào cuộc đã kết luận phù hợp với nguyện vọng của dân, nhưng không được thực hiện. Năm 2006 UBND tỉnh ra quyết định nâng mức lên 360.000 đồng thì chế độ lương của Nhà nước đã vọt lên 450.000 đồng theo quy định của pháp luật, các cơ quan khi giải quyết khiếu nại của nhân dân phải áp dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước tại thời điểm ra quyết định giải quyết. hơn nữa, đúng ra ai đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu phải được hưởng chế độ hưu trí theo luật, nhưng điểm này cũng không được tính đến, nên các nhân viên y tế cơ sở nói trên lại phải tiếp tục đấu tranh. Qua tìm hiểu, đa số những nhân viên y tế cơ sở này sau khi bị buộc thôi việc đều rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, mỗi người phải tìm cho mình một việc như phụ hồ, đội gạch, chạy chợ… kiếm sống. Hiện có một số người tuổi cao trong số họ đã qua đời.

Được biết, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương nhanh chóng giải quyết dứt điểm những tồn đọng của tỉnh Hà Tây (cũ). Hi vọng rằng, việc này cũng được quan tâm thích đáng, tránh vướng phải “vết xe đổ” như các cơ quan của Hà Tây (cũ) đã làm, để bảo đảm quyền lợi cho 466 cán bộ nhân viên tế cơ sở đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi nói trên.

Tháng Một 27, 2010 - Posted by | Pháp luật và đời sống

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này