Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:Hồi hộp, bâng khuâng, tự hào và… buồn phảng phất

Hoàng Kim

Màn bắn pháo hoa dài chừng 20 phút tại sân Mỹ Đình đã khép lại 10 ngày Đại lễ. Đan xen, xáo trộn trong lòng người dân Việt với đa dạng sắc thái tình cảm: hồi hộp, bâng khuâng, vui, tự hào nhưng vẫn phảng phất chút buồn. Có lẽ, nỗi buồn xuất phát từ sự phôi phai nét văn hóa Hà Thành, để ngày Đại lễ còn đâu đó trong lòng mỗi chúng ta nỗi vấn vương. Cũng bởi chưng cơn “đại hồng thủy” hoành hành mảnh đất miền Trung thân yêu, để niềm vui, khát khao nghìn năm có một không được trọn vẹn!

Khai hội nghìn năm, dâng tràn cảm xúc

Đúng 8 giờ sáng 1-10-2010, ngọn lửa thiêng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thắp lên đài lửa, trong âm thanh hào hùng của dàn trống, cồng, chiêng… mở màn cho 10 ngày Đại lễ. Hàng vạn người các nơi đổ về Hà Nội, trái tim của cả nước. Các đường phố quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm chật như nêm, tuy nhiên chỉ có khoảng 1.000 khách mời được vào tham dự. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ôn lại lịch sử 1000 năm của thủ đô, từ khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư về đất Thăng Long mở ra kỉ nguyên mới của nước Đại Việt. Trải qua 1000 năm, với bao thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không… Thăng Long – Hà Nội là nơi lắng hồn sông núi, nơi hội tụ các tinh hoa, anh hùng, hào kiệt; nơi lắng đọng những giá trị văn hóa của dân tộc Việt, kết hợp với văn hóa, văn minh nhân loại.

Bí thư Phạm Quang Nghị nói: “Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc, với những áng văn bất hủ, mang hào khí dân tộc như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn độc lập”. Cảm xúc trào dâng khi bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Một đàn chim bồ câu từ quả địa cầu được thả ra, bay lên bầu trời Hà Nội trong xanh, như thông điệp với thế giới về một thành phố yêu chuộng hòa bình. Tiếp sau đó là phần hội, với trên 50 hoạt động, sự kiện khác nhau trong 10 ngày Đại lễ: khai trương trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại công viên Thống Nhất; khánh thành và trao Bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới” cho “Con đường gốm sứ”; khánh thành đại lộ Thăng Long, đại lộ dài nhất Việt Nam; đón chào đoàn đại biểu gồm 1000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng quân đội về thủ đô tham dự Đại lễ…

Đại lễ hoành tráng, đêm hội tái hiện lịch sử

Sáng 10-10-2010, đúng 56 năm sau ngày giải phóng thủ đô, cuộc diễu binh, diễu hành với sự tham gia của 4 vạn người là bộ đội, công an, công nhân, nông dân, trí thức… diễn ra tại Quảng trường Ba Đình và một số đường phố của Hà Nội. Bài diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gây xúc động con tim của tất thảy con dân nước Việt. Diễn văn của Chủ tịch có đoạn: “Chúng ta tôn vinh truyền thống Văn hiến của Thủ đô địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”. Cuối cùng, Chủ tịch không quên nhắc nhở chúng ta: “…khi đang hân hoan mừng ngày Đại lễ, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng cả nước và Thủ đô còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Để xứng đáng với Tổ tiên, với lịch sử hào hùng của dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong nước, ngoài nước nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và tài năng, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp, sánh vai cùng Thủ đô các nước trên thế giới; tích cực góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”.

Buổi tối cùng ngày, lễ hội “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Rồng bay” được tổ chức trang trọng, hoành tráng. Đêm hội với sự tham gia của gần 8.000 nghệ sĩ, diễn viên, xuất hiện trên một sân khấu lớn mang hình tượng trống đồng. Đây là chương trình biểu diễn lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện công phu bằng nghệ thuật xếp hình người, kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và màn hình 3D khổng lồ. Bằng nghệ thuật điêu luyện được dàn dựng công phu nhiều tháng nay, các nghệ sĩ đã tái hiện lịch sử 1000 năm, từ buổi vua Lý Thái Tổ định đô, đến thời đại Hồ Chí Minh. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 “Quyết định trọng đại”; Chương 2 “Hào khí đất thiêng, tinh hoa ngàn năm văn hiến”; Chương 3 “Thời đại Hồ Chí Minh – Ngày hội non sông – Thông điệp thành phố hòa bình”.

Nhiều mốc son lịch sử hiện về khiến người xem như được sống với suốt chiều dài lịch sử 1000 năm. Những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt, từ “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “…Như nước Đại Việt ta từ trước,/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,/Nước non bờ cõi đã chia,/Phong tục Bắc Nam cũng khác;/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,/Song hào kiệt thời nào cũng có…”, đến Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

Ai đó đã thốt lên, tự hào quá dân tộc Việt Nam, tự hào quá Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Màn pháo hoa dài chừng 20 phút, kết hợp với màn biểu diễn ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn pha, làm nên một đêm hội lung linh, huyền ảo. Đêm hội kết lại một Đại lễ nghìn năm mới có một lần, khiến ai nấy đều dưng dưng.

Nhưng vẫn phảng phất đâu đó nỗi buồn

Trời đất đã chiều lòng dân Việt, nhưng sao không trọn vẹn? Trong khi Hà Nội đang tưng bừng Đại lễ, thì ở miền Trung thân thương cơn “đại hồng thủy” hoành hành, cướp đi sinh mạng hàng mấy chục người, đẩy hàng nghìn người dân vào cảnh mất nhà cửa, tài sản… thiệt hại phải tới mấy nghìn tỉ đồng. Cả Hà Nội không yên dạ mà vui, cả đất nước thót tim chờ từng tin về trận lũ lụt, mấy trăm gia đình bị lũ cô lập đã cứu được chưa… Dư luận không yên, hàng trăm bài viết chia sẻ tình cảm với miền Trung, thậm chí có nhiều bài viết thiếu thiện chí, không có tính xây dựng, cũng bởi do quá nặng lòng với đồng bào miền Trung. Báo Người cao tuổi, trang web www.trannhuong.com đăng bài nêu kiến nghị bớt bắn pháo hoa dành tiền cứu trợ. Rất may trong tình thế đó, lãnh đạo TP Hà Nội quyết định hủy cả 29 điểm bắn pháo hoa, chỉ giữ lại một điểm ở sân vận động Mỹ Đình, để lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. “Hoan hô Hà Nội”, dư luận reo lên, dân cư mạng reo lên, thế là một quyết định, tuy muộn, nhưng hợp lòng dân. Ấy là cũng góp phần cho ngày Đại lễ 10-10-2010 được thêm vui vẻ.

Ấy là thiên tai làm hại dân lành. Còn ở nơi trung tâm điểm của Đại lễ, là TP Hà Nội, nhiều biểu hiện thiếu văn hóa cũng khiến tình cảm của người dân Việt đối với Thăng Long – Hà Nội mất đi ít nhiều. Lợi dụng Đại lễ, nhiều dịch vụ ăn theo tự do tăng giá. Ngay trong ngày khai mạc, nhiều người dân phải gửi xe với giá cắt cổ, nơi thì 15 – 20 nghìn/xe, nơi thì 50 – 70 nghìn/xe; rồi giá thực phẩm tăng vọt làm cuộc sống người dân thủ đô thêm khốn khó. Ngay trong đêm hội “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Rồng bay”, những vé mời được giới phe vé đem ra bán giá cắt cổ, rẻ nhất cũng trên triệu đồng một cặp, đắt thì đến 4 triệu đồng. Rồi đêm bế mạc, đám thanh niên hư lại đua xe máy chạy ầm đường, cảnh sát rú còi inh ỏi…

Hà Nội những ngày Đại lễ đèn, hoa rực rỡ, những con đường như: đường Điện Biên, phố Tràng Tiền… đèn chăng như mạng nhện, đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng; những hình rồng, phượng cắt bằng xốp treo lên… tất cả biến Hà Nội như một thành phố nào đó, không phải ở xứ mình. Nhiều cụ buồn buồn thốt lên “Đây không giống Hà Nội, Hà Nội quyết không phải thế này”. Vâng, Hà Nội vốn trầm mặc, là nơi lắng hồn sông núi; người Hà Nội vốn có chiều sâu của tư duy, không quen với những xô bồ, màu mè lòe loẹt. Những đèn, hoa chăng khắp phố phường; những đêm hội đèn đỏ, đèn xanh quét rực trời làm mất đi phần nào giá trị nghìn năm. Rồi các biểu hiện khoa trương, lãng phí không cần thiết được người ta lợi dụng Đại lễ nghìn năm, vung ra phung phí, trong khi đất nước đang còn nghèo, dân ta chưa hết khổ.

Còn nữa những “hạt sạn”, khiến lòng người buồn phảng phất. Phải chăng văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã bị phôi phai, khiến cho lòng người dân Việt mãi vấn vương. Nhưng dù sao Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng thành công, người dân Việt thêm một lần tự hào về dân tộc, tự hào về thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tháng Mười 14, 2010 - Posted by | Xã hội

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này