Nhabaond's Blog

Just another WordPress.com weblog

Huyền thoại trên đỉnh Mẫu Sơn

Minh Trang

Ông Đặng Tăng Phúc, người dân tộc Dao, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn, rồi làm cán bộ Ban định canh – định cư của tỉnh, nay về hưu làm Phó giám đốc khách sạn Hương Sơn trên đỉnh Mẫu Sơn là người hay chuyện. Câu chuyện của ông bao giờ cũng bắt đầu từ truyền thuyết về sự hình thành khu vực Mẫu Sơn (Núi Mẹ), rồi liên hệ với những đặc sản vùng này. Có đến mới biết, nơi đây thực sự là khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hóa.

 

Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa, xa lắm rồi có một gia đình sống với nhau rất hạnh phúc. Người cha dũng mãnh; người mẹ khéo léo, đảm đang đang, hiền thục và chung thủy; những người con ngoan ngoãn, chăm chỉ… Một ngày nọ, quân xâm lược tràn đến giày xéo mảnh đất này, người cha phải đi đánh trận theo lệnh của nhà vua. Người mẹ ở nhà thay chồng chăm sóc đàn con và chu tất việc gia đình. Lại nói, có một gia nhân từ lâu đem lòng yêu người mẹ. Lợi dụng người cha vắng nhà, nhiều lần hắn lân la gạ gẫm, nhưng đều bị người mẹ kiên quyết cự tuyệt. Thời gian đó, có chàng trai tên Chóp Chài hoàn cảnh nghèo khó nhưng tốt bụng thường qua lại buôn bán và giúp đỡ dân bản. Nhiều hôm mải giúp dân bản làm việc, dừng tay thì trời đã sập tối. Đường về xa xôi, cách trở lại lắm cọp beo rình bắt người qua lại. Thương chàng trai tốt bụng, mấy mẹ con thường mời chàng trai ở lại chờ hôm sau trời sáng mới về. Bị tuyệt tình, gã gia nhân đem lòng thù hận, quyết trả thù người mẹ.

Ba năm sau, người cha thắng trận trở về, gã gia nhân đê tiện rỉ rả thưa với người cha rằng, người mẹ đã ngoại tình với Chóp Chài trong khi người cha đi vắng. Cả giận mất khôn, người cha rút đao kề cổ vợ, đòi gặp Chóp Chài để chém chết hai người cho hả giận. Không còn cách già để thanh minh, người mẹ đề nghị cho các con ra ngoài, rồi người cha muốn xử sao cũng được, đoạn vén tóc, cúi đầu để người cha ra tay. Lưỡi đao oan nghiệt đã phá tan hạnh phúc gia đình, máu của người mẹ chảy mãi thành suối, thành sông, mỗi độ xuân về thấm vào những cánh hoa bích đào, tạo nên một màu đỏ rực trên các triền núi. Đào Mẫu Sơn mới ra quả đỏ rực như ớt chín, khi lớn lên mới chuyển màu hồng nhạt.

Sau cơn nóng giận, người cha tỉnh ngộ vén bụng vợ ra xem, thấy dấu tích ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, biết vợ bị oan bèn vác đao tìm kẻ gia nhân ti tiện, thì hắn đã cao chạy xa bay. Người cha tột cùng đau khổ, gọi các con quay trở về lập miếu thờ người vợ yêu quý của mình, đêm ngày gào thét cầu xin người vợ được sống lại. Người cha khóc ròng rã mấy năm trời, những giọt nước mắt tuôn ra biến thành giống chanh quả nhỏ nhưng rất thơm ngon, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi, chỉ ở Mẫu Sơn mới có. Hồn người mẹ mang nỗi oan khuất lên gặp Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai 7 nàng tiên xuống trần điều tra, làm rõ sự việc. Sau thời gian dài xác minh, các nàng tiên về tâu lại ngọn ngành và cả ước nguyện của người cha mong cho cả gia đình được đoàn tụ bên nhau mãi mãi. Ngọc Hoàng chấp nhận lời thỉnh cầu của các nàng tiên. Từ đó hình thành nên quần thể Mẫu Sơn hùng vĩ. Chàng Chóp Chài khi biết về cái chết oan khuất của người mẹ cũng biến thành ngọn núi đứng biệt lập, ngày đêm khắc khoải nhìn về, như nhắc nhở người đời bài học về ứng xử trong cuộc sống. Ngọn núi này du khách có thể nhìn thấy khi đứng trên đỉnh Mẫu Sơn, hoặc ở thành phố Lạng Sơn, nó có hình chóp nón rất đẹp, đứng độc lập ở vùng Văn Lãng – Đồng Đăng.

Mẫu Sơn hiện nằm phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 30km. Quần thể gồm 80 ngọn núi lớn nhỏ, ngọn cao nhất là Phia Po, cao 1.541m so với mặt biển. Các ngọn núi đều có nhiều ao hồ, thác ghềnh quanh năm đầy nước. Hơn chục con suối chảy từ đỉnh núi xuống xung quanh, ẩn chứa câu chuyện về dòng máu oan khuất của người mẹ và nước mắt hối hận của người cha, làm nên chất lượng tuyệt hảo của chè Mẫu Sơn. Nhân dân nơi đây lấy nước này nấu rượu, tạo thành thứ rượu Mẫu Sơn thơm ngon nổi tiếng.

Núi Mẫu hiện còn phế tích của một ngôi đền cổ, cột bằng những tảng đá liên khối, được gọt đẽo và dựng trên nền đá, tương truyền do người cha dựng lên trong tột cùng của đau khổ và tuyệt vọng để thờ cúng người vợ oan khuất của mình. Du khách có thể tới đó bằng cách đi ô-tô theo đường qua thị trấn Lộc Bình đi cửa khẩu quốc tế Chi Ma, đến nửa đường rẽ tay trái, hết đường ô-tô đi bộ một giờ đồng hồ nữa là đến. Hoặc mạo hiểm hơn, có thể đi từ khu Du lịch Mẫu Sơn, tích cực leo núi khoảng 6 giờ đồng hồ liên tục cũng có thể đến được.

Mẫu Sơn có nhiều sản vật tự nhiên của núi rừng như mật ong khoái, bọng ong còn nguyên sữa ong non, ếch hương, gà 6 ngón, nấm hương… Ngoài ra còn có những nông sản do đồng bào các dân tộc thiểu số trồng trọt, khai thác như các loại rau xanh, su su, ngót rừng, hoa chuối rừng, thịt lợn quay, các loại thịt hun khói, lá thuốc tắm của người Dao… Vùng Mẫu Sơn có khí hậu hai mùa rõ rệt. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 7,2 – 13,20C. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thường có mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 16,20C, cao tuyệt đối 240C. Đỉnh Mẫu Sơn quanh năm mây phủ, ngay cả giữa mùa hè, là điều kiện tốt để nghỉ dưỡng sau những lao động mệt nhọc.

Khu Du lịch Mẫu Sơn được người Pháp phát hiện, khai thác từ năm 1925 – 1926, với việc quy hoạch, xây dựng nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Con đường đèo dài 16km cũng được xây dựng, bắt đầu từ Quốc lộ 4A lên khu Du lịch. Trải qua năm tháng chiến tranh, hạ tầng khu nghỉ dưỡng bị tàn phá. Ngày nay, khu Du lịch Mẫu Sơn đã đ­­ược UBND tỉnh Lạng Sơn quy hoạch thành Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hoá. Khu du lịch có diện tích trên 20ha ở độ cao trung bình từ 800 – 1200m so với mặt n­ước biển, có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại… đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Tháng Bảy 13, 2010 - Posted by | Xã hội

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này