Quang Bình, Hà Giang:Xã Yên Bình giờ đã hết bình yên!
Hoàng Linh
Yên Bình trước đây là một xã vùng sâu của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Bà con các dân tộc ở đây bao đời yên ổn với cây lúa, củ khoai; con gà, con lợn… cuộc sống vốn yên bình, người dân hiền lành và bằng lòng với thực tại, mặc dù còn rất khó khăn. Cuối năm 2003, huyện Quang Bình được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Bắc Quang. Xã Yên Bình được chọn để quy hoạch thành huyện lị của huyện mới Quang Bình. Nhân dân phấn khởi chờ đón sự đổi thay lớn trên quê hương. Nào ngờ, tai họa lại ập xuống đầu họ. Hơn 300 hộ dân mất đất, mất tư liệu sản xuất, cuộc sống chưa biết sẽ đi về đâu. Rồi khiếu nại, kiện cáo nổi lên ồn ào, khiến vùng đất vốn bình yên nay trở nên mất ổn định.
Thu hồi đất trái pháp luật
Ngày 22-12-2003, UBND tỉnh Hà Giang có Quyết định số 3514/QĐ-UB, phê duyệt quy hoạch chung huyện lị Quang Bình. Ngay sau đó, ngày 6-1-2004 UBND huyện Quang Bình đã tổ chức kiểm đếm, lên phương án đền bù, áp giá đền bù đối với diện tích đất của trên 300 hộ dân mà không hề công khai quy hoạch, không giao cho dân quyết định phê duyệt, quyết định thu hồi đất tổng thể của UBND tỉnh Hà Giang và các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Quang Bình. Điều trớ trêu nữa là, họ thu hồi đất ở thời điểm đó, nhưng lại áp giá đền bù theo Quyết định phê duyệt giá đất số 1480/QĐ-UB của UBND tỉnh ban hành từ năm 1996, đã hết hiệu lực pháp luật. Vì vậy, dẫn đến giá đền bù đất cực kì rẻ mạt. Theo đó, đất thổ cư có nơi chỉ được thanh toán 740 đồng/m2, các loại đất khác, như đất vườn tạp có vị trí chỉ 560 đồng/m2, đất vườn rừng có nơi giá 245 đồng/m2. Có gia đình bị thu hồi tới 2.619m2 đất, nhưng tiền đền bù đất chỉ được có 641.655 đồng, không mua nổi một chiếc xe đạp loại tốt.
Đa phần người dân ở đây đều có trình độ dân trí thấp, chính quyền bảo sao họ chỉ biết nghe vậy. Bởi thế, phần lớn đã nhận tiền và chuyển ra nơi ở mới, cũng biết là thiệt thòi, nhưng họ biết kêu ai, nên đành chịu vậy. Rất may trong số những hộ dân bị thu hồi đất, có một số người biết nên đã làm đơn khiếu nại, tố cáo lên huyện, lên tỉnh, rồi lên Trung ương. Cho đến tận ngày 18-12-2006 do có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền mới “tòi” ra cho 4 hộ các văn bản. Nhưng hài hước thay, những văn bản này cũng đều được ban hành trái luật và mập mờ, có tính chất “đánh lận con đen”. Chỉ tính các quyết định phê duyệt, thu hồi đất của tỉnh, của huyện để xây dựng một cái sân vận động cũng “tiền hậu bất nhất”. Quyết định phê duyệt thiết kế kĩ thuật – dự toán số 2881/QĐ-UB do ông Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kí ngày 1-10-2004 ghi là: “San ủi mặt bằng sân vận động 3 trường”. Sau đó, cũng ông này lại kí Quyết định thu hồi đất số 3653/QĐ-UB ngày 2-12-2004, lại ghi là: “…để xây dựng công trình sân vận động huyện Quang Bình”. Chính từ những nhập nhằng đó, ngày 17-11-2004 (tức là trước khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Giang), UBND huyện Quang Bình ra công văn số 505/CV-UB, yêu cầu các hộ dân di chuyển nhà vào khu dân cư mới. Đây lại là hành vi hành chính trái luật nghiêm trọng, bởi UBND tỉnh chưa có quyết định thu hồi đất tổng thể, UBND huyện chưa ra các quyết định thu hồi đất đói với từng hộ, chưa có phê duyệt phương án đền bù, chưa có phương án tái định cư… và UBND huyện chưa thực hiện các quy trình thu hồi, GPMB theo luật định mà đã định đuổi dân ra khỏi đất sao. Sự việc lằng nhằng kéo dài, đến tháng 5-2005, UBND huyện mới ra các quyết định thu hồi, nhưng lại không đúng đối tượng, vị trí đất bị thu hồi, bởi số thửa, số tờ bản đồ không khớp với Quyết định thu hồi đất số 3653/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Giang, và mục đích thu hồi lại được lái ra là: “… để xây dựng sân vận động – Trung tâm huyện Quang Bình”. Đây rõ ràng là những việc làm nhập nhằng, khuất tất, rũ rối nhằm “đánh lừa” dân để lấy đất, bởi họ đều là những lãnh đạo cấp cao của tỉnh, của huyện thì không thể nói là nhầm, không lẽ trên một huyện lị cỏn con mà có tới những 2 cái sân vận động?! Vô lí quá. Dân không nghe. Hơn nữa, không thể nói các lãnh đạo huyện không nắm rõ luật, để đến nỗi làm trái luật trắng trợn như vậy!? Điều này thậm vô lí.
Khi dân khiếu nại, tố cáo nhiều quá, những “công bộc của dân” ở đây quay ra… trả thù dân. Tỉ dụ như một việc tính chi phí tổ chức cưỡng chế: họ thu của 4 hộ dân, hộ nhiều nhất trên 10 triệu đồng, hộ ít nhất cũng tới trên 6 triệu đồng. Chưa hết, họ còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với các hộ này, với mức 1 triệu đồng/hộ… trong khi tiền đền bù dân nhận được quá rẻ mạt như đã nói ở trên. Thật hết biết. Hộ bà Vũ Yến Vinh còn lại 1.034m2 đất trồng cây lâu năm, muốn xin lại để sử dụng, nhưng huyện cũng lấy nốt với lí do: làm đường bao quanh sân vận động và làm đường trung tâm huyện Quang Bình – đoạn 13, nhưng lại dựa vào tờ bản đồ không có giá trị pháp lí để thu hồi đất theo luật định…
Tự lập bản đồ để “lòe” dân?
Do uất ức quá, dân không chịu vẫn kiên trì khiếu nại, tố cáo, tháng 8-2006 chính quyền huyện Quang Bình bèn thuê Công ty CP tư vấn xây dựng nông thôn vẽ một bản đồ với tên gọi: “Quy hoạch chi tiết huyện lị Quang Bình tỉnh Hà Giang – Mặt bằng quy hoạch tổng thể…”. Thực chất đây là tấm bản đồ không có giá trị pháp lí bởi lẽ, nó được vẽ ra sau khi chính quyền đã thu hồi trắng đất của dân, thì không thể là cơ sở để thu hồi đất của dân được. Hơn nữa, bản đồ này do một công ty vẽ ra, chỉ có con dấu của 3 đơn vị: Công ty CP tư vấn xây dựng nông thôn, UBND huyện Quang Bình và Sở xây dựng Hà Giang, không có chữ kí và con dấu phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền là Sở Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh Hà Giang. Vì vậy, bản đồ này chỉ có giá trị tham khảo. Trong trường hợp chính quyền sử dụng vào mục đích thu hồi đất của dân, thì nó trở nên bất hợp pháp. Cái sai nữa của tờ bản đồ nói trên trong trường hợp này là, nó được vẽ theo tỉ lệ 1:2000, không thể hiện trên bản đồ địa chính. Và, cứ cho bản đồ này là hợp pháp đi chăng nữa, thì chỉ thể hiện trên bản đồ một sân vận động, đó là sân vận động trung tâm huyện Quang Bình, nằm ở vị trí thôn Yên Trung II, ngay đối diện trụ sở UBND huyện với diện tích 26.000m2. Đây chính là điểm mập mờ khi chính quyền huyện Quang Bình thu hồi đất của dân trái pháp luật. Chẳng thế mà trong các quyết định thu hồi đất, khi thì họ ghi là “tờ bản đồ địa chính trung tâm huyện lị Quang Bình”, khi thì lại ghi là “tờ bản đồ thu hồi đất”. Và dựa vào sự nhập nhằng tên công trình, họ “bê” nguyên 26.000m2 của sân vận động trung tâm tới “đặt” gọn vào diện tích 26.000m2 đất của các hộ dân ở thôn Yên Trung I với cái tên khác là “Sân vận động 3 trường”, rồi khi thu hồi thì lại “thoắt biến” thành “Sân vận động trung tâm”, thật là tinh vi…
Kì sau: Mất dân chủ, Lãnh đạo tỉnh bao che cấp dưới

Không có bình luận
-
Recent
- Vụ án ông Đinh Đức Phiếu ở Ninh Bình bị truy tố tội vu khống: Xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Ninh Bình tuyên ông Phiếu vô tội
- Thị xã Sơn Tây (Hà Nội): Cần cấp sổ đỏ cho gia đình thương binh nặng
- Tại quận Hà Đông, TP Hà Nội: Nỗi oan ức vắt qua hai thế kỉ và hành trình tìm công lí của gia đình liệt sĩ
- Cha tôi
- Tại Dự án đất dịch vụ và giãn cư Cầu Đơ, quận Hà Đông, Hà Nội: Có dấu hiệu cố ý làm trái để tham nhũng đất
- Mít tinh kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Ngày NCT Việt Nam (6-6-1941 * 6-6-2011): Cả nước thắp sáng hào khí Diên Hồng
- Tại Dự án đất dịch vụ và giãn cư Cầu Đơ, quận Hà Đông, Hà Nội: Có dấu hiệu cố ý làm trái để tham nhũng đất
- Về vụ việc ở ngành giáo dục huyện Cô Tô, Quảng Ninh: Sai phạm tiếp nối sai phạm
- Tổng Giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện: Độc đoán, chuyên quyền, trù dập người lao động?
- Tổng Giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện: Độc đoán, chuyên quyền, trù dập người lao động? (Tiếp theo kì trước)
- Tổng Giám đốc Cty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện: Độc đoán, chuyên quyền, trù dập người lao động?
- CCB Nguyễn Quốc Toản: Như hạt mưa trong tưới mát cho đời
-
Khác
-
Thư viện
- Tháng Bảy 2011 (1)
- Tháng Sáu 2011 (6)
- Tháng Năm 2011 (5)
- Tháng Tư 2011 (5)
- Tháng Ba 2011 (9)
- Tháng Hai 2011 (3)
- Tháng Một 2011 (4)
- Tháng Mười Hai 2010 (2)
- Tháng Mười Một 2010 (4)
- Tháng Mười 2010 (10)
- Tháng Chín 2010 (7)
- Tháng Tám 2010 (5)
-
Chuyên mục
-
RSS
Entries RSS
Comments RSS
Trả lời